“Nhưng năm nay, mầm xanh đã bắt đầu nhú lộc, như sàn diễn cải lương tại Paris sẽ đón lộc Xuân” - Hà Mỹ Xuân ví von. Tôi quyết định dời chuyến bay đến Copenhagen - Đan Mạch để cùng đón lộc Xuân của sàn diễn cải lương trên đất Pháp.
NSƯT Thanh Điền, Thanh Kim Huệ và các nghệ sĩ, đạo diễn tại Nhà hát Charenton ngoại ô Paris.
Tôi sang Paris cùng chuyến bay với vợ chồng NSƯT Thanh Điền - Thanh Kim Huệ. Cả hai có 40 năm kinh nghiệm sân khấu và là một đôi uyên ương nghệ thuật. Trong gia đình, Thanh Điền “đầu têu” mê hát, tối nào cũng lén cha mẹ dẫn hai cô em gái Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân đi xem hát đình. Từ đó, 3 anh em mơ ước theo đời gạo chợ nước sông. “Anh Điền ma lanh lắm. Hồi đó đi coi hát về khuya, 3 anh em bị cha bắt cúi xuống đánh đòn. Anh ấy lén chêm trong mông miếng cạc-tông nên tỉnh bơ, còn 2 chị em tôi thì đau đến khóc điếng” - Hà Mỹ Liên kể.
Hiếm gia đình nào 3 anh em đi hát đều thành danh trên sân khấu cải lương như nhà Thanh Điền. Đã vậy, cô con dâu Thanh Kim Huệ lại càng tài sắc, được xem là giọng ca vàng sau tuyệt phẩm Lan và Điệp của soạn giả Loan Thảo.
Nhà báo Thanh Hiệp, NSƯT Thanh Kim Huệ và nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân tại Pháp
Thanh Kim Huệ nhớ lại: “Hồi đó, tôi chúa ghét Thanh Điền vì cứ bị anh chọc ghẹo. Tôi không hề nghĩ đến chuyện thành duyên với anh cho đến khi chiếc ghe của gánh hát bị lũ cuốn trôi trong đêm, mọi người chỉ lo giữ tính mạng. Biết tôi và mẹ không biết bơi, anh ấy ôm chiếc trống chầu thả xuống sông, đưa tôi lên đó rồi cõng mẹ tôi, vừa lội vừa đẩy trống vào bờ. Từ ơn cứu mạng đó mà chúng tôi nên duyên chồng vợ”…
NSƯT Trọng Phúc đến Paris sau chúng tôi vài ngày, theo lời mời của NS Hà Mỹ Xuân tham gia suất diễn ra mắt Hội Bảo trợ cải lương Về nguồn. Buổi cơm ở Paris thắm tình nghệ sĩ. Tôi được ăn thịt kho trứng với dưa giá đầy hương vị Tết, lại còn nghe nhiều giai thoại.
NSƯT Thanh Kim Huệ và nhà báo Thanh Hiệp trong chuyến đi Pháp tháng 10-2013
Biết tôi đã dời chuyến bay sang Đan Mạch 10 ngày, “Thị Hến” Thanh Kim Huệ rủ rê: “Bạn tham gia cùng chúng tôi diễn 2 vai phụ nhé?”. Tôi không khỏi lúng túng vì dù đã tốt nghiệp đạo diễn, từng ra sân khấu dẫn chương trình nhưng chưa bao giờ hóa thân vào nhân vật trên sân khấu cải lương. Thấy tôi ngần ngừ, NSƯT Thanh Điền động viên: “Bên này thiếu diễn viên, bạn “cứu bồ” giùm vai thầy Đề trong Ngao sò ốc hến và Dã Lộ tướng quân trong Bên cầu dệt lụa”.
NS Hà Mỹ Liên, đạo diễn Cung Thị Ngọc Phượng và NS Hà Mỹ Xuân tại Pháp
Trời Paris 15 độ C mà tôi toát mồ hôi hột. Hai vai diễn đó từng được xem là của 2 NS thuộc hàng thượng thặng trên sân khấu cải lương - NSƯT Nam Hùng (cha NSƯT Thanh Thanh Tâm) và NS Ba Xay (cha đạo diễn Tất My Loan). Cuối cùng, NSƯT Thanh Kim Huệ lấy 2 cuốn kịch bản dúi vào tay tôi, quả quyết: “Nhà báo sắm vai mà lại diễn tại thủ đô Paris, không dễ gì có cơ hội thứ hai đâu”.
Để có được suất diễn tại Nhà hát Charenton ở ngoại ô Paris, tất cả NS phải lao vào dán áp phích quảng cáo, bán vé, lo việc hậu đài, phục trang, nhắc tuồng… Nhiều NS cải lương trong nước từng sang Pháp kết hợp với NS Việt tại đây biểu diễn nhưng chưa có suất hát nào được đứng trên sàn diễn lớn. Phải nói đây là niềm vinh dự khi Hội Bảo trợ cải lương Về nguồn của NS Hà Mỹ Xuân được Nhà hát Charenton giúp đỡ tổ chức chương trình Hương sắc cải lương với hai vở diễn Ngao sò ốc hến và Bên cầu dệt lụa.
NSƯT Thanh Kim Huệ (Thị Hến) và phóng viên Thanh Hiệp (vai thầy Đề) trong vở Ngao sò ốc hến tại Pháp. Ảnh: LÊ HỒNG PHƯỚC
Nhờ chị Tố Nga, một MC duyên dáng và nhanh nhẹn ở Paris, chúng tôi hiểu được những yêu cầu của Julien Zerr, quản lý nghệ thuật của Nhà hát Charenton và Philippe Iacobell, giám đốc kỹ thuật. Hai ông cho biết đã từng đến Việt Nam tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước. Họ cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ khi quan sát các NS Việt Nam tập cải lương.
Các NS đã hỗ trợ tôi hoàn thành 2 vai diễn bất đắc dĩ mà có lẽ cả đời khó thể quên. NSƯT Thanh Điền phân tích cặn kẽ cách diễn để vai thầy Đề của tôi không quá ồn ào, trong sự cường điệu của hài dân gian châm biếm cũng có điều hợp lý. “Thị Hến” Thanh Kim Huệ thì nhắc tôi đến từng chi tiết để 2 vai phụ không phải xuất hiện như lấp khoảng trống. Ngoài tôi, người đóng vai Trùm Sò, Lệ Cửu… cũng không phải là diễn viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, “Thị Hến” đã ươm mầm đam mê nghệ thuật sân khấu dân tộc, giúp họ mạnh dạn bước lên sàn diễn.
Chương trình Hương sắc cải lương đã diễn ra trong không khí hết sức trang trọng. Khán giả lịch sự đến xem, lắng nghe từng câu ca, lời thoại của NS. NSƯT Trọng Phúc được yêu mến qua vai Trần Minh, bên cạnh anh là Quỳnh Nga tiểu thư do NS Hà Mỹ Xuân thể hiện. Nét ca diễn của chị gợi cho khán giả kiều bào nhớ về NSƯT Thanh Nga tài sắc năm nào.
Tự bỏ tiền túi tổ chức suất hát, NS Hà Mỹ Xuân được nhiều đồng nghiệp đánh giá là “uống mật gấu”. Hà Mỹ Xuân tâm sự chị không thích kiểu chụp giật, phải nhờ vào ngôi sao ca nhạc hoặc danh hài để cứu sống cải lương mà tự tin về cách làm nghề nghiêm túc. Suất hát không nhờ tài trợ, vé bán được 2/3, còn lại chị mời sinh viên, giới trẻ là người Việt đang học tập, làm việc tại Pháp đến xem.
Các nghệ sĩ trong chương trình "Hương sắc cải lương" của Hội Bảo tồn cải lương Về nguồn diễn tại Nhà hát Charenton ngoại ô Paris.
“Thị Hến” Thanh Kim Huệ bộc bạch: “Chưa có suất diễn nào 3 anh em anh Thanh Điền đứng chung trên một sân khấu. Chương trình lại càng ý nghĩa khi chúng tôi phát hiện được nhiều gương mặt trẻ tài năng tại Pháp. Nhiều khán giả kiều bào đã gửi tiền quà, thuốc men, thực phẩm để chúng tôi mang về làm từ thiện, trao tặng trẻ mồ côi, khuyết tật đón Tết. Mục đích của Về nguồn là duy trì hoạt động biểu diễn, đào tạo diễn viên trẻ và tổ chức các suất diễn có doanh thu để làm từ thiện”.
Vườn Luxembourg, lá vàng vẫn rơi ngập lối. Năm nay mùa Xuân đến sớm, chồi non đã nhú lên xanh biếc, như tâm huyết theo đuổi nghệ thuật của các NS xa xứ không bao giờ lụi tàn…
Sau suất diễn, anh Kiệt, một doanh nhân thành đạt tại Paris, mời tất cả NS đến nhà hàng của anh, đãi một chầu thịnh soạn với các món Tết Việt.
“Cách đây 30 năm, khi chân ướt chân ráo đến Pháp, tôi làm đủ nghề để kiếm sống. Nhiều hôm về khuya dưới trời tuyết đổ, đi ngang một căn nhà trọ bỗng nghe tiếng ca vọng cổ phát ra, tôi cắn răng chịu lạnh đứng nghe hết bài rồi mới về. Bài vọng cổ gợi nỗi nhớ quê nhà da diết. Nay xem chương trình Hương sắc cải lương, tôi được sống lại với ký ức đó” - anh tâm sự.
Bình luận (0)