Phim thiếu nhi Việt từ lâu luôn trong tình trạng thiếu nhưng đến hè năm nay thì thực sự vắng bóng trên truyền hình. Game show khai thác thiếu nhi xuất hiện dày đặc trên màn ảnh nhỏ nhưng những bộ phim mang thông điệp tình bạn, tình cảm gia đình cho các em... chẳng thấy đâu.
Không ai chịu làm
Trước đây, hè là thời điểm phim truyền hình cho thiếu nhi được tung ra để phục vụ khán giả nhí. Tuy số lượng không nhiều nhưng khán giả nhí vẫn có thể thưởng thức vài phim thuần Việt như: "Kính vạn hoa", "Nữ sinh", "Lục lạc huyền bí"...
Từ cuối năm 2016 đến nay, phim truyền hình mới dành cho thiếu nhi rất hiếm. Những kênh chuyên phục vụ cho thiếu nhi như HTV3 chiếu nhiều phim hoạt hình Nhật Bản, có dành sóng chiếu truyện cổ tích Việt nhưng đa phần là những tập phim rất cũ. Phim thiếu nhi được chiếu dịp hè chỉ là "bổn cũ soạn lại" với những tác phẩm kinh điển lên sóng hằng năm: "Đất phương Nam", "Tây du ký"... Khán giả nhí của màn ảnh nhỏ bị các nhà sản xuất phim ngày càng ngó lơ là thực trạng đáng buồn.
Ở mảng phim điện ảnh, sau "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", 3 năm nay chỉ có đạo diễn Lê Bảo Trung âm thầm khai thác đề tài thiếu nhi nhưng chưa tạo ấn tượng gì. Năm nay, thị trường có thêm vài phim khai thác chủ đề trẻ em nhưng nhìn chung, khán giả nhí vẫn thiếu món ăn tinh thần thuần Việt.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là phim điện ảnh có vốn góp 80% của nhà nước. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Phân tích nguyên nhân phim thiếu nhi vắng bóng trên truyền hình, các nhà sản xuất nhận định thể loại này làm cực mà khó thu lợi. Những phim thiếu nhi kinh điển trước đây như "Cha con đậu đũa", "Những thiên thần nhỏ"... đa phần do nhà nước bỏ vốn sản xuất. Các hãng tư nhân nếu không được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách thì rất khó tự bỏ vốn làm.
Đạo diễn Phát Cường cho biết anh chuẩn bị bấm máy phim truyền hình cho thiếu nhi có tên "Điều ước cho tương lai" dài 26 tập, mỗi tập 30 phút và mỗi câu chuyện dài 2 tập, chủ yếu truyền bá thông điệp về tình cảm gia đình, chống nạn ấu dâm... Phim dự kiến phát sóng trên HTV, VTV9 vào mùa hè này. "Việc vận động xin tài trợ rất gian truân dù có phần hỗ trợ từ nhà nước. Chúng tôi làm vì đam mê, mong mang đến món ăn tinh thần cho thiếu nhi hơn vì lợi nhuận" - đạo diễn Phát Cường bày tỏ.
Theo đạo diễn Nguyễn Thành Vinh, lâu nay, phim thiếu nhi được xem là khó làm vì không chủ động được nguồn diễn viên, khán giả cũng kén. "Nếu tìm được diễn viên nhí biết diễn xuất, quá trình quay cũng phải chiều theo lịch trình, sức khỏe của các bé. Chuyện này vừa mất thời gian, tiền bạc vừa không được lợi nhuận, đôi lúc còn bị soi" - vị đạo diễn lý giải về những khó khăn khiến ít ai quan tâm đầu tư sản xuất phim thiếu nhi.
Đạo diễn Nguyễn Thành Vinh cho rằng phim thiếu nhi làm cho "ra ngô ra khoai" đòi hỏi kinh phí không nhỏ vì cần nhiều kỹ xảo thu hút trẻ. Rõ ràng, nếu không có giải pháp tích cực cho mảng phim truyện thiếu nhi, "cơn khát" này chẳng thể giải tỏa và các em lại cứ phải xem lại phim quá cũ hoặc giải trí bằng phim người lớn hay văn hóa nước ngoài.
Nhà nước phải đầu tư
Các phim thiếu nhi trên truyền hình luôn được định hướng nên cần câu chuyện hấp dẫn mới thu hút khán giả.
"Trước đây, phim truyền hình thiếu nhi đa phần do hãng TFS thực hiện, không phải tư nhân đứng ra làm. Chúng tôi cũng muốn làm nhưng phải có cơ chế hỗ trợ thế nào từ nhà nước mới thực hiện được chứ không thể tự bỏ tiền đầu tư trong khi hoàn vốn khó. Các nhà đầu tư, quảng cáo không hào hứng lắm với phim thiếu nhi. Trong khi đó, một tập phim cũng chiếm 150-200 triệu đồng và ít nhất khoảng 30 tập, tư nhân khó tự gồng gánh được" - bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Quảng cáo Sóng Vàng, cho biết.
Ở mảng điện ảnh, ngoài "Anh em siêu quậy" của Lê Bảo Trung, năm nay còn có phim "S.O.S sói trắng" của đạo diễn Lê Hoàng xoay quanh chủ đề ấu dâm và "Vú em tập sự" đề cập trẻ em nhưng nghiêng về dòng hành động - hài, dành cho người lớn là chính. Nếu so với "rừng" phim ngoại: "Dáng hình thanh âm", "Xì trum: Ngôi làng kỳ bí", "Lời nguyền của rồng chúa"... thì thị phần của phim thiếu nhi Việt vẫn chỉ là con số 0.
Việc gì có ích cho xã hội, cần thiết phải làm mà tư nhân không làm thì nhà nước phải làm. Phim cho thiếu nhi là nhu cầu cần thiết trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ, đòi hỏi nhà nước phải đầu tư. Kể từ sau phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (dự án điện ảnh cho thiếu nhi được nhà nước và tư nhân cùng góp vốn làm, trong đó vốn nhà nước chiếm 80%) đến nay, chưa thấy dự án tương tự nào khởi động.
Mong nhiều nhà sản xuất tham gia
Ba năm qua, đạo diễn Lê Bảo Trung nỗ lực duy trì thực hiện mỗi năm một phim phục vụ khán giả nhí. Hai năm vừa rồi, phim có chút ít lợi nhuận, đủ để thực hiện tác phẩm kế tiếp.
"Nếu chọn con đường dễ dàng, tôi sẽ không làm phim thiếu nhi nhưng đây là tâm huyết của tôi. Tôi làm phim cho trẻ em xem bởi hiện không nhiều người làm. Nhà sản xuất bỏ quên lượng khán giả lớn là trẻ em, tập trung sản xuất phim cho giới trẻ trưởng thành là chính. Đến mùa hè, phim hoạt hình Hollywood tràn ngập nhưng đấy là câu chuyện nước ngoài. Một số câu chuyện không phù hợp văn hóa gia đình Việt Nam, không gần gũi khán giả nhí. Tôi biết tiên phong luôn khó, quay phim với trẻ em cũng chẳng dễ, phải chơi đùa, làm bạn với chúng. Phim ra rạp phải thuyết phục được phụ huynh để họ bỏ thời gian đưa con đến rạp" - anh tâm sự.
Theo đạo diễn Lê Bảo Trung, anh muốn làm những phim có thông điệp mạnh hơn như nạn ấu dâm, bạo hành trẻ em hay đề tài phiêu lưu mạo hiểm ngoài không gian... nhưng chưa dám. Các phim hành động ngoài không gian cần kinh phí cao, ít nhất 15-20 tỉ đồng mới làm được kỹ xảo ấn tượng. Nếu đầu tư ít, tác phẩm không thuyết phục khán giả. Các đề tài gai góc, thời sự, khán giả dù quan tâm nhưng không có gì bảo đảm họ sẽ ra rạp thưởng thức. Vì thế, hiện các tác phẩm của anh vẫn trung thành với lối kể chuyện hài hước, dễ thương là chính. Đạo diễn này rất mong các nhà sản xuất tham gia để tạo sự sôi động, có nhiều chọn lựa cho khán giả nhí.
Bình luận (0)