Dường như có một giai điệu thu nâng bước tôi lững thững qua những con đường se lạnh của Hà Nội ngàn năm. Những cây cơm nguội bên đường Thợ Nhuộm lá đã ngả vàng. Những mái ngói thâm nâu dọc Hàng Buồm, Hàng Quạt như võng xuống vai tôi.
Giai điệu thu làm tôi nhớ đến anh, người nhạc sĩ mong manh sương khói trong một đêm xa lắc sau ngày sinh nhật Văn Cao 60 tuổi, lững thững đi bộ cùng mấy người bạn từ phố Yết Kiêu về khách sạn Đồng Lợi gần ga Hàng Cỏ. Đêm đó, hình như anh đang nhập hồn mình vào thu Hà Nội để thai nghén những giai điệu mùa thu.
Năm sau, tôi và Nguyễn Thụy Kha từ Hà Nội vào Sài Gòn ghé nhà anh. Bên chén rượu Vodka ngựa đen đãi bạn, anh khoe hai bài hát viết về Hà Nội – bài Dung Hòa ca và bài Nhớ mùa thu Hà Nội.
Dung Hòa là tên một cô gái Hà Nội, với cái giọng khàn khàn ma mị, cô hát nhạc Trịnh thật “mùi”. Và hình như chính giọng hát của cô đã dụ Trịnh vào cõi bồng bềnh của xứ Hà thành văn hiến.
Bài hát Dung Hòa ca không thấy ai nhắc đến nhưng nó đã ra đời như một bài chuẩn bị cho Nhớ mùa thu Hà Nội.
Khi nghe Trịnh Công Sơn đặt bản nhạc trên bàn rượu và cầm guitar hát, tôi và Kha như lịm đi trong giọng hát quyến rũ của anh. Giọng hát như cất ra từ tim óc và da thịt của người nhạc sĩ tài hoa:
Hà Nội mùa thu/ cây cơm nguội vàng/ cây bàng lá đỏ/ nằm kề bên nhau/ phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu. Hà Nội mùa thu/ mùa thu Hà Nội/ mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió/ mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua.
Với đoạn nhạc mở đầu, nhạc sĩ như thâu tóm cả ấn tượng của mình về Hà Nội bằng những hình ảnh vô cùng gần gũi thân quen trong kỷ niệm bao người theo cách của riêng mình.
Cũng là cây cơm nguội, cây bàng nhưng anh đặt kề nhau giữa màu vàng và màu đỏ thì chưa ai làm thế. Cũng là phố cổ, ngói xưa nhưng với anh là “mái ngói thâm nâu”. Cũng là cốm nhưng cốm xanh và cốm sữa. Cũng tay chân nhưng tay nhỏ và chân thơm...
Màu của lời và màu của nhạc như kết hợp gam trưởng và gam thứ đan xen, khiến nó vừa sáng trong vừa mềm mại, tạo nên vẻ đẹp sang trọng và thanh nhã như nét đẹp truyền thống của đất kinh kỳ.
Không gian Hà Nội phố dồn nén bỗng được nhạc sĩ mở rộng về phía hồ Tây mênh mông bát ngát và đầy gợi cảm với “màu sương thương nhớ” cùng cánh chim sâm cầm “vỗ cánh mặt trời”:
Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời.
Hai câu nhạc trải ra và bay lên tưởng như quá khứ đang bay dần về tương lai đầy ánh sáng thơ mộng. Rồi anh lặng lẽ trở về với chính mình, với tình yêu Hà Nội mà anh chưa bao giờ hiểu hết. Đó chính là khát khao một tình yêu say đắm, một tiếc nuối không lời:
Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người/ lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai/ sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi/ sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi.
Câu nhạc kết bài như chùng xuống một giọng thứ sâu đằm và da diết: Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, nhớ đến một người... Để nhớ mọi người.
Hình như lúc đầu anh viết: “Nhớ đến mọi người/ Để nhớ một người”. Đó cũng là một cách nói hay nhưng anh thấy cần phải nói ngược lại mới mở ra một biên độ mới cho sự khái quát hợp với tình yêu rộng lớn của mình với thủ đô yêu dấu. Và cuối cùng, bài hát đã được kết lại bằng hình ảnh thân thương: “Nhớ đến một người... Để nhớ mọi người”.
Đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, Nhớ mùa thu Hà Nội vẫn thao thức lòng người về một tình yêu thật trong đẹp, như một đứa con đi xa luôn ấp ủ nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ.
Trong hàng trăm bài hát của mình viết về quê hương và tình yêu, Nhớ mùa thu Hà Nội mang một hơi thở riêng của người nhạc sĩ tài hoa và gần gũi với mọi người. Đây không chỉ là một tác phẩm hay của Trịnh Công Sơn mà còn là một bài hát hay của Hà Nội ngàn năm. Bởi mỗi mùa thu về, mỗi người Việt luôn dấy lên trong lòng mình giai điệu đầy da diết và quyến luyến: “Hà Nội mùa thu...”.
Bình luận (0)