Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) kỳ vọng khi được ban hành, nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan sẽ giải quyết được những bất cập về thu phí tác quyền gây tranh cãi hiện nay. Tuy nhiên, những tranh cãi xung quanh việc thu phí bản quyền âm nhạc có lẽ sẽ khó chấm dứt khi vẫn còn nhiều "độ vênh" về quan điểm giữa các bên liên quan.
Thu chi tác quyền đang thiếu minh bạch?
Dù đã nhiều lần tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo nghị định này, việc thu phí bản quyền xem ra vẫn còn là vấn đề nóng cần thêm nhiều thời gian để thống nhất về nhận thức và cách làm.
Cách đây không lâu, nhạc sĩ Phú Quang, một trong những người lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc thu tiền tác quyền âm nhạc hiện nay của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), cho rằng trung tâm này đang thu chi thiếu minh bạch. Theo nhạc sĩ Phú Quang, việc khai thác tác quyền của trung tâm này quá nhiều bất cập. Ngay cả việc VCPMC thu tiền tác quyền ở các quán karaoke cũng có dấu hiệu thiếu minh bạch. "Họ không thu theo bài mà thu khoán, thu theo cách đổ đồng. Như thế là sai. Các tác giả sẽ không biết được tiền tác quyền họ đáng ra được nhận là bao nhiêu. VCPMC đưa cho bao nhiêu thì họ biết có bấy nhiêu" - nhạc sĩ Phú Quang bày tỏ với báo chí.
Ca sĩ Quang Dũng - Lệ Quyên biểu diễn trong chương trình “Mùa thu vàng” tại Hà Nội (Ảnh do chương trình cung cấp)
Tại hội nghị góp ý kiến cho dự thảo nghị định vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cũng cho rằng cách "thu khoán" ở dịch vụ karaoke, quán cà phê, thu qua đầu tivi trong khách sạn mà VCPMC vẫn làm là không chính xác. Theo ông Biên, nhiều người vào uống cà phê có thể không có nhu cầu nghe nhạc hoặc vào khách sạn chỉ để nghỉ, không có nhu cầu xem tivi. Vì thế, "thu khoán" như vậy là không đúng.
Trên thực tế, đại diện VCPMC cho biết việc thu phí tác quyền theo bài hay thu theo mức khoán là còn tùy thuộc hình thức sử dụng âm nhạc, căn cứ vào đặc thù của loại hình kinh doanh hay mỗi lĩnh vực sử dụng âm nhạc khác nhau. Đối với các lĩnh vực như biểu diễn, băng đĩa, nhạc phim, nhạc quảng cáo, nhạc chuông, nhạc chờ, nhạc website…, trung tâm sẽ thu theo bài, thậm chí mỗi bài phải thu theo lượt sử dụng. Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ như karaoke, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, phòng tập thể dục… thì cách tính mức tiền sử dụng quyền tác giả được căn cứ theo kê khai của người sử dụng, qua khảo sát thực tế về quy mô, sức chứa của địa điểm kinh doanh (số phòng, số ghế, diện tích), theo hình thức sử dụng (nhạc sống hay nhạc nền). Ngoài ra, cách tính còn căn cứ theo công suất hoạt động, tình hình kinh doanh của mỗi cơ sở (quán đông khách tính khác với quán vắng khách…). Dựa trên các căn cứ đó cùng với biểu mức phí tác quyền đưa ra làm cơ sở để thỏa thuận ban đầu, trung tâm và cơ sở kinh doanh sẽ đàm phán, thỏa thuận mức thu (thông thường là khoán cho 1 năm sử dụng).
Nguyên tắc công khai, minh bạch
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ VH-TT-DL, cho rằng những vụ việc lùm xùm liên quan đến thu phí bản quyền âm nhạc thời gian qua có phần mang tính áp đặt từ VCPMC. Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Sở VH-TT-DL tỉnh Hải Dương, việc thu tiền bản quyền ở các quán karaoke rất khó bởi các đơn vị sử dụng đều nói không chấp nhận mức biểu phí của VCPMC.
Vì thế, ông Hùng kỳ vọng vấn đề này sẽ được giải quyết khi quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan được ban hành. Điều 42 của dự thảo nghị định nêu rõ các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có nghĩa vụ xây dựng biểu mức phí bản quyền tác giả, quyền liên quan, đàm phán với bên khai thác, sử dụng tác phẩm.
Theo ông Hùng, cần phải xác định rõ những tác giả, tác phẩm nào đã ủy quyền thì mới được thu phí bản quyền. "Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan chỉ được thu tiền quyền tác giả, quyền liên quan khi có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan" - ông Hùng cho biết. Ngoài ra, phải áp dụng công nghệ thông tin để có công cụ đo đếm chính xác lượt sử dụng ở các quán karaoke.
Ông Hùng cho hay để tránh những khúc mắc xung quanh việc thu - chi, dự thảo nghị định quy định rõ việc thu và phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch. Việc này thực hiện theo quy định tại điều lệ hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và văn bản ủy quyền có thỏa thuận về mức hoặc tỉ lệ %, phương thức và thời gian phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan.
Tuy nhiên, việc phân chia tiền tác quyền trong thu khoán từ các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ như karaoke, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng… cho quyền tác giả và quyền liên quan sẽ khó khăn vì chưa cụ thể hóa tên, số lần tác phẩm đó được sử dụng. Nếu chưa giải quyết được các vấn đề đặt ra này thì việc thu phí bản quyền âm nhạc lâu nay của VCPMC từ các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nêu trên sẽ phải dừng lại, cũng có nghĩa hàng tỉ đồng phí bản quyền thu được cho các nhạc sĩ mỗi năm sẽ không còn.
Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan (dự thảo) còn quy định: 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải thực hiện chế độ báo cáo về Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản. Nội dung báo cáo gồm: Quy chế hoạt động, cơ chế quản lý tài chính, biểu giá, phương thức thanh toán tiền quyền tác giả, quyền liên quan, chương trình kế hoạch dài hạn và hằng năm. Đơn vị này cũng phải báo cáo về tình hình hoạt động, ký hợp đồng ủy quyền, hợp đồng cấp phép sử dụng hoạt động thu, mức thu, phương thức phân phối, cách thức thực hiện việc phân chia tiền quyền tác giả, quyền liên quan để các cơ quan quản lý được biết.
Bình luận (0)