Chỉ sau ngày đầu tiên phát hành, 15.000 bản tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã bán hết. NXB Trẻ phải nhanh chóng tái bản để kịp phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Đây được xem là kỷ lục trong làng xuất bản vì chưa từng có một cuốn sách văn học trong nước nào đủ sức tạo nên một “hiện tượng” đến như vậy.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng độc giả trong ngày ra mắt tác phẩm mới
Giải cơn khát
Sách của Nguyễn Nhật Ánh bán chạy không còn là điều bất ngờ khi hầu hết tác phẩm của anh đều có một sức hút mãnh liệt với độc giả, cả trẻ em lẫn người lớn. Trở lại lần này với tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như đang “giải cơn khát” cho độc giả khi tác phẩm văn học trong nước đang trong tình trạng “đóng băng”, bị lấn át hoàn toàn bởi dòng chảy ào ạt của văn học nước ngoài.
Cái tên Nguyễn Nhật Ánh đã đủ bảo chứng để tạo nên sức hút cho tác phẩm bởi câu chuyện nào của anh cũng khiến người ta phải đọc, phải nhớ và yêu thích.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân nói “đã không còn tuổi để đọc văn của Nguyễn Nhật Ánh, đọc vì tò mò” cũng phải thừa nhận: “Kỳ lạ là truyện của Ánh có thể thu hút cả trẻ con lẫn người lớn. Nguyễn Nhật Ánh dẫn chuyện chậm nhưng có sức hút riêng, anh luôn tạo được những chi tiết dí dỏm, bất ngờ”.
Còn nhà văn Trần Văn Toàn nhận xét: “Đến bây giờ, bản lĩnh nghề nghiệp của Nguyễn Nhật Ánh đã thể hiện sự tự tin rất cao. Anh viết cái gì người ta cũng rất thích, không phải nhà văn nào cũng có thể làm được như vậy.
Tôi đọc những trang đầu của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, có hơi ngỡ ngàng vì Nguyễn Nhật Ánh giống như viết đến đâu “mệt thì nghỉ”, tưởng là kể những mẩu chuyện rời rạc nhưng bao giờ phần sau cũng nối với phần trước và chính điều đó thu hút người ta.
Thế mạnh của Nguyễn Nhật Ánh trong tác phẩm này là đã vận dụng được chất trữ tình, luôn lấy một cảm xúc nào đó của nhân vật để trải nó thành câu chuyện, tạo điểm nhấn cho nhân vật”.
Trong một bài cảm nhận về tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng đã viết: “Có thể nói mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh như mỗi chuyến tàu về tuổi thơ, ở đó có nhiều toa, mỗi toa là mỗi bất ngờ, mỗi thú vị, mỗi háo hức, mỗi say mê; khi thì làm ta bật cười, khi làm ta rưng rưng hoặc ngồi lặng đi suy ngẫm”.
Chính vì điều đó mà dù viết cho thiếu nhi, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh lúc nào cũng thu hút đông đảo độc giả người lớn. Anh luôn có những tấm vé để đưa độc giả “trở về tuổi thơ”, có khi nhẹ nhàng, hồn nhiên, trong trẻo nhưng cũng có lúc phải giật mình chiêm nghiệm.
Nấc thang mới
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không giống như những tác phẩm trước đó của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Vẫn với phong cách dí dỏm nhưng anh viết cứ như không có một sự sắp xếp nào, các nhân vật cứ xuất hiện tuần tự trong những “mẩu” rất ngắn. Có khi chỉ là những hành động, những lời nói đùa bâng quơ của trẻ con nhưng xâu chuỗi lại, đó lại là hành trình của con người trong thái độ ứng xử.
Người lớn - trẻ con, người tốt - kẻ xấu như không tách bạch mà đan lồng vào nhau. Nhà thơ Đỗ Trung Quân bình luận: “Cái mới của Nguyễn Nhật Ánh trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là anh đã đưa những tính không đẹp của con người vào các nhân vật. Cái xấu xưa nay chưa từng có trong tác phẩm của anh.
Không hẳn là anh xây dựng những nhân vật rất xấu nhưng những gì anh đưa vào các nhân vật trong tác phẩm này là để thấy rằng trong người tốt vẫn có thể tiềm ẩn cái xấu. Nhưng cái xấu cũng chỉ được đưa vào với liều lượng vừa phải, đủ để cho người ta thẩm thấu và lựa chọn thái độ sống”.
Có thể nói Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một nấc thang mới của nhà văn best-seller Nguyễn Nhật Ánh. Anh đã kể một câu chuyện trẻ thơ bằng một cách viết rất lạ mà chính anh cũng chia sẻ rằng truyện mình viết càng ngày càng có nhiều nút thắt mở, kịch tính hơn. Đó cũng là cách anh để cho các độc giả nhỏ tuổi của mình có được những nhận thức chín chắn hơn, trưởng thành hơn.
Những chuyện để người lớn suy nghĩ
Ở Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không đơn thuần là chuyện cỏn con của những đứa trẻ nghịch ngợm mà còn là những chuyện đáng để người lớn phải suy nghĩ về cách hành xử của mình. Người lớn yêu thương theo kiểu của người lớn nhưng không nghĩ rằng chính trẻ con phải “chịu đựng”. Và trẻ con đôi khi cũng có những hy sinh thánh thiện và cao cả vô cùng.
Đứa trẻ nào cũng khao khát được yêu thương nhưng đôi khi trái tim trẻ thơ cũng biết nhường phần hạnh phúc cho người khác.
Hy sinh, với một đứa trẻ, không phải là khái niệm gì lớn lao, có khi chỉ là chịu thay một lằn roi nhưng tất cả những hành vi nhỏ nhặt đó chính là cội nguồn hình thành nhân cách của mỗi người.
Bè bạn văn chương thường đùa rằng Nguyễn Nhật Ánh như có cả một kho chuyện tuổi thơ kể hoài không hết. Mà điều đáng khâm phục của Nguyễn Nhật Ánh, nói theo nhà văn Trần Quốc Toàn, là không hề lặp lại, vẫn cách viết dí dỏm với các nhân vật tuổi thơ đó thôi nhưng anh luôn có cách làm mới các nhân vật của mình. |
Bình luận (0)