Hoạt động đờn ca tài tử (ĐCTT) ngày càng phát triển rầm rộ, xôm tụ với hàng chục ngàn người tham gia sinh hoạt ở TP HCM và khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, dường như chất ĐCTT vốn có đã không còn như trước.
Vô hồn, nhạt nhẽo
Nghệ nhân dân gian Tấn Khoa nhìn nhận: “Không gian của ĐCTT không bị mất đi nhưng việc mở rộng nơi trình diễn như mang lên sân khấu đã làm cho chất tài tử biến mất. Chơi ĐCTT ở góc sân, sau vườn có tính sinh hoạt, giao lưu, trong khi mang lên sân khấu lại nặng tính biểu diễn”. GS-TS Trần Văn Khê cũng từng trăn trở: “ĐCTT bây giờ biến thành câu lạc bộ (CLB), ăn mặc chỉnh tề, đờn thật chính xác, đúng nhịp, ca đúng hơi vô cùng mà không còn cái hồn nữa”.
Danh cầm Năm Thê lắc đầu: “Bây giờ, người đờn bản nào ra bản đó, chính xác từng nhịp nhưng nghe mười lần đều giống nhau. Họ không có cảm xúc, không có cảm hứng nên nhiều lúc tiếng đờn nghe vô hồn!”. Thực tế hiện nay, người chơi không dám phá cách, không có sự búng bẩy trong từng ngón đờn, chỉ cần nghe qua là đủ biết họ quá phụ thuộc vào khuôn khổ sẵn có. Bởi vậy, trong những buổi biểu diễn, giao lưu của các CLB ĐCTT hiện nay, chúng ta luôn thấy người ngồi đờn mặt mày căng thẳng, chăm chú vào cây đờn. “Đã gọi là chơi ĐCTT là phải có hứng thú, phải thả hồn, từng ngón đờn nhảy múa, linh hoạt. Thời chúng tôi đờn mê đến nỗi không muốn dứt ra, còn bây giờ người đờn trông cho xong bài rồi thôi, thở phào nhẹ nhõm. Đờn như vậy thì làm sao hay được!”- nghệ nhân dân gian Tấn Khoa thở dài.
Lý giải thực tế này, nhiều nghệ nhân cho rằng chính không gian bó hẹp trên sân khấu khiến những người chơi mất đi rất nhiều cảm hứng tự nhiên - nét đặc thù của nghệ thuật này. Ngày trước, người đờn, người hát giao lưu thoải mái; ai biết đờn chút ít cũng mạnh dạn đờn, nếu sai thì bạn bè chỉnh sửa. Còn bây giờ, người chơi bị áp lực, sợ bị chê đờn dở, đờn sai nên chỉ cố gắng đờn sao cho thật chính xác những bài bản đã thuộc, những khuôn mẫu có sẵn. Bởi vậy, người chơi, người thưởng thức trở nên khách sáo.
Thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải cho rằng: “Sở dĩ tiếng đờn thiếu hồn là do tài nghệ và bản lĩnh người đờn còn quá yếu. Đờn trước khán giả mà tim đập, chân run thì làm sao đờn cho hay”. Hơn nữa, ngày trước ĐCTT để giãi bày nỗi lòng, tâm sự của mình thì nay đã trở thành loại hình nghệ thuật biểu diễn có tính cách mưu sinh, trở thành một nghề kiếm sống. Nói như GS Trần Văn Khê: “Lúc đờn thì mặt mày buồn hiu, đờn xong thì vội vã cầm phong bì đi về”.
Không bán tiếng đờn cho kẻ mua vui
Nếu như ngày trước ĐCTT chỉ dành riêng cho người tri âm tri kỷ, cùng đem lời ca tiếng nhạc trỗi lên khúc tơ lòng… thì nay ĐCTT đã đi vào các nhà hàng, tụ điểm ca nhạc, quán hát với nhau. Bởi vậy, loại hình nghệ thuật này đã bị biến dạng, không còn đúng với cái “chất” của ĐCTT Nam Bộ. Các nhà hàng, quán ăn, tụ điểm ca nhạc ĐCTT mọc lên nhan nhản, chủ yếu tập trung ở các vùng ven, ngoại thành TP HCM như quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh và một số ít ở quận 7, quận 8… Nói là ĐCTT song chính xác là “món thập cẩm”, pha trộn ca cổ, cải lương, tân nhạc trong một không gian ô tạp.
Danh cầm Năm Thê cho biết ông từng được các chủ nhà hàng, quán ăn mời lên TP HCM để chơi đờn nhưng chỉ chơi được một bữa là ông xin nghỉ ngay vì không thể mang tiếng đờn dạo lên trong những không gian thiếu nghiêm túc như thế. “Những người ca chủ yếu là khách đến quán, trong khi nhậu họ hứng lên thì hát. Nhưng hát không ra hát, không thuộc bài bản, hát trật nhịp mà bắt tôi phải đờn theo. Tôi không đờn theo thì họ cự nự” - ông kể.
Một khi những nghệ nhân không đồng ý làm thì các chủ nhà hàng, khách sạn buộc phải thuê người khác. “Những tay chơi đờn ấy hầu như không được học hành bài bản, không có kiến thức, toàn là những người học lóm được vài ngón đờn cũng đi đờn. Đờn ca cổ cũng sai, toàn nhịp tân nhạc vào nghe chẳng ra làm sao cả!” - danh cầm Năm Thê ngao ngán.
“Thời của tôi hát hò nghiêm chỉnh, lịch thiệp, thân tình còn bây giờ ĐCTT sao nghe xốn tai quá, hát không ra hát, hò không ra hò. Chưa kể trong những cuộc giao lưu như vậy, người đờn còn tô điểm, thêm thắt, phóng túng tự do làm mất đi bản sắc vốn có của nghệ thuật ĐCTT” - một nghệ nhân than thở.
Dù theo nghề hơn nửa đời người nhưng những nghệ nhân ĐCTT lúc nào cũng giữ cho mình sự phong lưu, phóng khoáng bởi họ không bao giờ lấy tiếng đờn để mưu sinh. Nghệ sĩ nói trên tâm sự: “Tôi chỉ gảy đờn cho những người thật sư yêu quý tiếng đờn, thấu hiểu nỗi lòng, nghe không mất tiền chứ tuyệt đối không bao giờ bán tiếng đờn cho những kẻ mua vui. Tiếng đờn bị đồng tiền chi phối sẽ lập tức mất đi cái hồn cốt vốn có. Điều đó rất nguy hiểm”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-3
Kỳ tới: Ngăn chặn lai căng
Chói tai, nhức mắt
“Thực ra, chúng tôi cũng chẳng rành về ĐCTT lắm! Chỉ biết đây là hình thức thu hút khách đến với quán nên chỉ quảng cáo vậy thôi; còn khách vào đó có người đờn phục vụ, muốn hát gì thì hát” một chủ quán cho biết. Vậy là những quán như vậy chỉ lấy ĐCTT để thu hút khách mà thôi. Một lần chứng kiến không khí đàn hát tại một quán nhậu có treo băng rôn ĐCTT tại quận 12, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với những tiếng đờn, lời ca mà nhiều người vẫn cho đó là ĐCTT. Không chỉ nghe chói tai mà nhìn cũng nhức mắt. Trong khi người đờn, người hát say sưa thì ở dưới, khách vẫn cầm bia rót, cụng ly, la hò liên tục. Thậm chí khi đã ngà ngà, những người khách lảo đảo bước lên và bắt đầu “tra tấn”. Chẳng còn là những “tài tử” với giọng hát mùi mẫn mà thay vào đó là những tiếng ca lè nhè. Không khí nhậu nhẹt vẫn diễn ra náo nhiệt. Nhiều quán mang hình thức ĐCTT ngày càng biến tướng, đáng lo ngại hơn khi người phục vụ chủ yếu là những cô gái xuất thân từ miền Tây Nam Bộ, biết hát vài câu vọng cổ mà đã có thể phục vụ thâu đêm suốt sáng cho những thực khách tìm đến mua vui.
Bình luận (0)