Mang vở múa “Có có, không không” phiên bản 2016 về chủ đề lạc giới đi dự Liên hoan Múa quốc tế “Gặp gỡ Á - Âu 2016”, diễn ra từ ngày 24-9 đến 2-10, biên đạo Trần Ly Ly cho biết chị và các nghệ sĩ đã tập luyện miệt mài trên sàn diễn cả tháng nay. Trần Ly Ly phải nghỉ hẳn mọi việc, kể cả dạy học ở Trường Múa TP HCM, , dành toàn bộ đầu óc tập trung nghĩ về vở múa.
Nghệ sĩ Trần Ly Ly Ảnh: HẢI MINH
“Cháy” hết mình
Vở múa “Có có, không không” của Trần Ly Ly đặt ra những vấn đề khá khó khăn về chủ đề lạc giới. Theo quan niệm của biên đạo Trần Ly Ly, có những người sinh ra lạc giới nhưng không thể chấp nhận sự thật đau đớn ấy. Ngược lại, cũng có những người biết là họ được sinh ra không đúng giới tính thật của mình và muốn được sinh ra một lần nữa để sống thực với bản thể.
“Có có, không không” phiên bản 2016 sẽ diễn tại Nhà hát TP HCM vào tối 26-9 Ảnh: HẢI MINH
“Một là nỗi ước ao được mẹ sinh mình ra lần nữa, hai là chính họ phải quyết định tự sinh ra mình lần nữa. Thế giới nội tâm dằn vặt, đau đớn của những con người lạc giới này là vấn đề của xã hội đương đại và cũng là trăn trở chung của loài người để biết mình là ai, đến trên đời này để làm gì?” - Trần Ly Ly bày tỏ.
“Có có, không không” phiên bản 2016 sẽ diễn tại Nhà hát TP HCM vào tối 26-9 Ảnh: HẢI MINH
Trần Ly Ly tự sự chị không quen làm các vở múa chỉ đẹp và dễ xem. Tất nhiên, nhiều trường đoạn trong tác phẩm của chị cũng rất mượt mà nhưng bản chất vấn đề không phải thế. Vở múa thực sự đối với Trần Ly Ly phải cực đoan, gai góc và đầy ám ảnh, đào sâu được đến tận cùng của vấn đề, với những thân phận nghiệt ngã để mang đến những cảm nhận mới mẻ về cuộc sống rồi nhận ra cái đẹp từ gốc rễ của nỗi đau.
“Có có, không không” phiên bản 2016 sẽ diễn tại Nhà hát TP HCM vào tối 26-9 Ảnh: HẢI MINH
Trần Ly Ly tự tin khẳng định toàn bộ nghệ sĩ tham gia vở diễn đều “cháy” hết mình trong những mùa diễn cùng nhau. “Trong những ngày này, tôi cảm thấy được sống thực sự. Tôi cũng được sinh ra lần nữa, được là chính mình. Còn bình thường, nếu chỉ xuất hiện để đẹp đẽ, lung linh, làm giám khảo chẳng hạn, nhìn bề ngoài hay ho đấy nhưng bên trong đau khổ lắm. Những khi đó, mình không được làm nghệ thuật, không được sống như mình muốn” - chị thổ lộ.
Hãy “điên” với múa
Tất cả diễn viên đều bị stress vì quá căng thẳng. Thậm chí, có người còn trách “chị ấy bắt tôi múa đến văng não”. Nói thế là để hiểu độ căng thẳng lớn đến chừng nào khi vừa múa vừa phải suy nghĩ.
Trần Ly Ly cho biết chị đã nói với các diễn viên ấy: “Hãy “điên” vì múa bởi chỉ được múa một tháng trong một năm, để biết rằng mình đang tồn tại với múa. Mình có thể rất nghèo, phải làm việc khác để sống nhưng khi đã bắt tay vào làm tác phẩm múa, hãy làm hết sức có thể, thật chuyên nghiệp, thật cẩn thận, để khi lên sân khấu, chúng ta phải tự hào về vở diễn của mình”.
Trần Ly Ly bị đứt dây chằng đầu gối và mới qua phẫu thuật nhưng chị vẫn đến sân khấu. Chị bảo nghề múa vốn nhọc nhằn nên bị giãn dây chằng là chuyện thường, chỉ đau thôi, cố mà chịu. Nhưng lần này thì dây chằng đã đứt hẳn rồi nên chị phải phẫu thuật, đầu gối băng bó mà vẫn phải đến sân khấu. Nghề múa là phải dạy bằng thực tế sát sao nên chị cứ cắn răng tiếp tục chịu đựng.
Chiêm nghiệm chữ “nhân”, chữ “tâm”
Trần Ly Ly đến với sân khấu múa từ năm 10 tuổi, tốt nghiệp bằng đỏ ở trường múa năm 18 tuổi, xách vali lên đường sang Úc học múa năm 19 tuổi, tốt nghiệp xong lại sang Pháp làm việc. Đi nhiều, giao lưu học hỏi nhiều, chị khẳng định nghệ sĩ Việt rất đẳng cấp và luôn chứng tỏ sức sáng tạo mạnh mẽ so với bạn bè quốc tế.
“Mình chỉ có thể khiến họ cảm nhận nghệ thuật thực sự và mời mình đứng “chung sân”. Không có bất cứ sự giả tạo, màu mè, dối trá nào đánh lừa được trình độ thẩm mỹ tinh tế và con mắt nhìn nhận khắt khe của các chuyên gia hàng đầu thế giới này” - Trần Ly Ly cho biết.
Trần Ly Ly là một trong số ít nghệ sĩ Việt vừa sống được với nghề vừa làm công tác giảng dạy cho thế hệ tương lai. Biên đạo múa này cho rằng cứ mỗi khi được sống với vở diễn, chị lại như được sinh ra lần nữa. Chiêm nghiệm về chữ “nhân”, chữ “tâm” trong cuộc đời luôn cho chị những rung cảm xuất phát từ tình thương với những thân phận rất đỗi bình thường như các em bé mồ côi, trẻ lang thang, bị lạm dụng, phải kiếm sống trên hè phố…
Từ những trăn trở đó, Trần Ly Ly năm nào cũng có vở diễn mới ra mắt công chúng, như: “Một ngày” (năm 2004), “Cuộc sống trong chiếc hộp” (2006), “Sự thức tỉnh” (2010), “Thiền” (2012), “Hóa vàng” (2013), “7X” (2014), “Có có, không không 1” (2015), “Ionah” (2016), “Có có, không không 2” (2016)…
Trần Ly Ly cho rằng đã múa thì phải có sản phẩm, không thể chỉ ngồi quản lý ở trường múa nên mỗi năm, chị đều phải tách hẳn mình ra khỏi công việc giảng dạy để làm việc với nhóm múa. Dành hẳn thời gian cả tháng cho nghệ thuật như thế, chị thú nhận cũng không nhớ con hay lo lắng vấn vương gia đình.
“Có thể tôi không giỏi điều chỉnh như những người đàn bà khác, tôi chỉ dành một chút tâm trạng cho các việc khác ngoài múa. Tôi gần như hóa thân thành một nhân vật của vở múa và chỉ suy nghĩ, đau đáu, trăn trở, sống, hít thở với không khí của nhóm múa và vở diễn” - chị bộc bạch.
Nặng lòng với múa
Môi trường múa đương đại ở Việt Nam lâu nay ai cũng biết là không thuận lợi: sân khấu vắng người xem, khán giả quay lưng và ngay chính các nghệ sĩ cũng chỉ xuất hiện được những lứa đầu cống hiến thực sự cho nghệ thuật.
“Giới trẻ bây giờ ít ai “điên” như chúng tôi, hiếm tìm thấy những gương mặt dám “cháy” vì nghề. Xu hướng múa đương đại của giới trẻ Việt có thể dễ xem, đẹp, hiện đại, năng động nhưng thực sự phải nói rằng đó là múa một cách dễ dãi, không phải những tìm tòi sâu sắc về nghệ thuật chạm đến cảm xúc của người xem khiến họ phải đặt câu hỏi, phải suy nghĩ, phải ám ảnh hoặc phải thương yêu. Chúng tôi vẫn đang chờ nhưng chưa có được những trào lưu mới cho nghệ thuật múa đương đại Việt từ giới trẻ” - Trần Ly Ly trăn trở.
Bình luận (0)