Từ lúc hình thành ý tưởng đến khi thành phẩm ra đời, hai album hòa tấu Ru rừng và Bóng thời gian đã "ngốn" của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đúng 13 năm. Có lúc, bận rộn với những dự án phát triển để CLB Sax ‘n’ Art trở thành điểm đến quen thuộc cho những người yêu thích nhạc jazz nhưng có lúc, anh phải nằm trên giường bệnh tưởng chừng không chiến thắng nổi tử thần. Đã có lúc anh nghĩ “có lẽ nghiệp âm nhạc của mình đã chấm dứt. Và Ru rừng, Bóng thời gian sẽ là hai album cuối cùng của đời mình”.
Jazz đã ngấm vào máu thịt
Tuấn sử dụng jazz, một thể loại kén người chơi lẫn người nghe, làm nền tảng cho các album của mình. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hai sản phẩm mang tính chất phục vụ sở thích cá nhân của Tuấn là chính. Thế nhưng Ru rừng hay Bóng thời gian không hoàn toàn là một đĩa nhạc khó nghe. Ru rừng là một bức tranh đầy màu sắc với phong cách chủ đạo là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa world music (sự kết hợp giữa phong cách nhạc dân gian với đương đại) và jazz (worldjazz). Trong đó, sự tung hứng giữa saxophone với các nhạc cụ Đông - Tây: đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu, T’Rưng, piano, percussion (bộ gõ),... mang đến cho khán giả cảm giác mới lạ và huyễn hoặc. Với Ru rừng, người nghe cảm nhận rõ nét một không gian bao la, mênh mang của núi rừng khi tiếng saxophone trộn lẫn cùng những âm giai của tiếng đàn T’Rưng và piano. Trong khi đó, Giận hờn lại tràn ngập không khí của miền Tây Bắc với tiếng sáo trúc, tiếng khèn... Đặc biệt, làm nền bằng tiếng vocal lạ lẫm của Giáng Son, Trần Mạnh Tuấn đã khéo léo phối hợp world music với dòng new age để Lời ru của mẹ vừa thân thương, trìu mến vừa thiêng liêng. Bên cạnh đó, ngoài hai bản hòa tấu được viết dựa trên nền tảng dân ca Nam Bộ Inh Lả ơi và Trò chuyện với chim khuyên, khán giả đều có thể tìm thấy ở Chợ phiên, Mưa rơi những nét rất đặc trưng của dân tộc Việt qua tiếng đàn guitar tinh tế, tiếng trống đẩy đưa, tiếng saxophone réo rắt hay tiếng đàn tranh dập dìu. Đó là thành công của Trần Mạnh Tuấn khi giới thiệu jazz đến với công chúng một cách rộng rãi hơn. Anh cho biết: “Nói rằng jazz là một rào cản đối với tai nghe của đại đa số khán giả thì không đúng. Bởi cả hai album này đều dễ nghe và quen thuộc. Nó chỉ khó ở chỗ tất cả các ca khúc đều là ca khúc mới. Nhưng tôi tin, nghe dần, mọi người sẽ thấy chúng rất quen thuộc. Jazz đã ngấm vào máu thịt. Đó chính là lý do để những sáng tác của tôi luôn mang màu sắc jazz”.
Chí thú dùng chất liệu dân gian
Đây là lần đầu tiên Trần Mạnh Tuấn phát hành những bản nhạc do mình tự sáng tác và hòa âm dù cách đây 13 năm, anh đã nghĩ đến một album gồm những sáng tác của chính mình. Anh kể lại, năm 1993, trong chương trình ra mắt khán giả yêu nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội bằng một chương trình ca nhạc của riêng mình, anh quyết định đưa vào chương trình một số ca khúc do anh tự sáng tác. Khán giả và giới chuyên môn đều đánh giá cao tác phẩm của anh. “Đây đúng là một động lực giúp tôi đi đến ý tưởng có một album với những tiếng nói riêng của nhạc jazz hòa trộn trong âm nhạc dân gian. Tuy nhiên, mãi đến khi được mời tham gia 4 lần liên hoan nhạc jazz tại Đức (1 lần), Singapore (2 lần), Thụy Điển (1 lần), tôi mới đủ tự tin để thực hiện ước mơ. Bởi, mỗi lần tham gia liên hoan, tôi lại có cơ hội để giới thiệu một số sáng tác mới của mình. Điều đáng ngạc nhiên là chúng được đón nhận rất nồng nhiệt. Chính vì vậy, tôi đã bắt tay vào thực hiện song song cùng lúc 2 album Ru rừng và Bóng thời gian”. Để có thể thực hiện việc quảng bá loại nhạc jazz đến với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, Trần Mạnh Tuấn đã dùng chất liệu dân gian VN quen thuộc. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng những ca khúc bất hủ, vốn đã có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả yêu nhạc. Trong album Bóng thời gian, Trần Mạnh Tuấn trở lại với phong cách trữ tình với những ca khúc của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Nguyễn Văn Thương, Đặng Thế Phong,... Anh cho biết: “Những tác phẩm tiền chiến xưa vốn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ âm nhạc phương Tây. Vì vậy, khi áp dụng thể loại jazz vào những ca khúc này, tôi tin jazz sẽ đến với công chúng dễ dàng hơn”.
Khi trở lại với cuộc sống
Chắc hẳn, khán giả yêu nhạc jazz vẫn còn nhớ sự vắng bóng của anh một thời gian dài trên sân khấu của Sax "n" Art. Và nếu như không có sự tận tâm của các bác sĩ, sự hy sinh của người tặng anh một quả thận, có lẽ Trần Mạnh Tuấn chẳng còn ở lại cõi đời này. Anh tâm sự: “Ở ngưỡng cửa của cái chết, tôi mới thấy mình thèm được sống, yêu cuộc đời biết bao. Lúc ấy, tôi chỉ ao ước một điều, giá mà mình vượt qua được ốm đau thì bao nhiêu dự án âm nhạc, bao nhiêu tâm huyết với world music sẽ được thực hiện. Và anh đã vượt qua cái chết để vui, buồn với âm nhạc, với niềm đam mê jazz. Anh tâm sự: “Với tâm trạng yêu đời, không chỉ âm nhạc giúp con người thăng hoa mà bản thân mình cũng dễ dàng cảm nhận được giá trị sâu kín nhất của âm nhạc”.
Bình luận (0)