xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Saxophone Trần Mạnh Tuấn: Công chúng của tôi không cần “chiêu trò”

THÙY TRANG thực hiện

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn nói điều lớn nhất anh nhận ra cả trong âm nhạc lẫn đời sống riêng là cứ sống hết mình sẽ được đền đáp xứng đáng

* Phóng viên: Nghệ sĩ sẽ có đêm diễn  tại Nhà Thi đấu Nguyễn Du (TP HCM) vào ngày 7-9 có chủ đề Dấu ấn Trần Mạnh Tuấn. Anh sẽ giới thiệu dấu ấn gì về mình cho khán thính giả yêu nhạc? 

- Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn: Tôi nghĩ mình có bao nhiêu dấu ấn thì chắc khán giả của tôi biết hết rồi, giờ làm sao giới thiệu lại trong một không khí, không gian mới để những người đã rất quen với những dấu ấn ấy cũng thấy được sự mới lạ.
img
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn trong một tiết mục biểu diễn _Ảnh: ANH DŨNG

Bình thường, tôi biểu diễn một bài không lần nào giống lần nào, đó là do tính ngẫu hứng đặc trưng của jazz, cho nên lần này, khán giả sẽ thấy quen mà lạ, lạ mà quen. Tôi tự tin giới thiệu lại những dấu ấn ngày trước như nhạc Trịnh, nhạc dân gian đương đại, nhạc world music đã trở thành phong cách của tôi cùng với dấu ấn mới như sự kết hợp với dàn nhạc Saigon Bigband do tôi sáng lập và đặc biệt là những ca khúc do tôi sáng tác, đến giờ rất ít người được nghe.

* Qua âm nhạc, anh muốn khắc họa chân dung của chính mình như thế nào để công chúng có thể hiểu một cách sắc nét nhất, đúng nhất về Trần Mạnh Tuấn trong không gian âm nhạc của chính anh? 

- Âm nhạc của tôi là jazz. Jazz thì đầy ngẫu hứng và phóng túng nhưng để trình diễn được jazz thì người nghệ sĩ, ngoài tài năng, phải có tính kỷ luật cao và tư duy logic. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng chính điều ấy làm cho âm nhạc của tôi luôn có khả năng đem lại cho người nghe những bất ngờ mới mẻ. Con người tôi cũng vậy. Tính nghệ sĩ là đương nhiên, thậm chí rất nhiều, đã thích gì là làm bằng được, tốn kém không ngại nhưng đồng thời tôi cũng có trách nhiệm của một người chủ gia đình, chủ một câu lạc bộ nhạc jazz và đứng đầu một dàn nhạc nên làm sao để tất cả những thành tố ấy vận hành tốt đẹp lại cần một cái đầu tỉnh táo, bình tĩnh. Tôi hy vọng khi khán giả thưởng thức chương trình, họ sẽ thấy được tính cách ấy trong tôi.

*Là một người miệt mài sáng tạo trong niềm đam mê âm nhạc, anh thấy thành quả mà mình nhận được từ hiệu ứng khán giả đã xứng đáng với công sức đổ ra? 

- Cho đến giờ thì tôi hài lòng. Đĩa nhạc của tôi luôn bán tốt, chứng tỏ công chúng đã chấp nhận những gì tôi đầu tư một cách tâm huyết. Câu lạc bộ nhạc jazz Sax ‘n’ Art hoạt động đều đặn, dàn nhạc Saigon Bigband đã bắt đầu có lịch diễn tương đối tốt… Với tôi, đó là sự đền đáp xứng đáng những gì tôi đã bỏ ra. Tôi tự hào vì mình có những khán thính giả đến với mình hoàn toàn bằng tình yêu âm nhạc, không cần tới “chiêu trò”.

*Jazz, một thể loại âm nhạc đòi hỏi người thưởng thức phải có trình độ. Vì vậy, jazz không phổ cập. Anh hài lòng với vị trí hiện tại của mình và jazz ở thị trường nhạc Việt như hiện có không? 

- Chúng ta không thể nào có một loại nhạc phổ cập cho tất cả các đối tượng công chúng trong xã hội được, điều ấy ở mọi nền âm nhạc đều như nhau. Vì thế, mỗi nghệ sĩ tự xác định được phạm vi khán giả và thị phần của mình để duy trì và phát triển nó bằng tài năng và nỗ lực của mỗi người. Tôi là nghệ sĩ trình diễn, xuất phát là jazz nhưng tôi không bao giờ tự buộc mình vào một giá trị cứng nhắc nào đó. Tôi muốn tìm tòi bằng những kết hợp mới lạ, độc đáo. Mỗi tìm tòi như vậy lại mang tới cho tôi một lượng khán giả không nhỏ. Đến giờ, dù chơi jazz kinh điển hay jazz kiểu world music, gọi là world jazz hoặc thậm chí nhạc bolero thì tôi vẫn luôn có khán giả yêu thích. Tôi hài lòng về điều đó, còn vị trí thứ hạng không phải điều tôi quan tâm.

* Vẫn có những ý kiến cho rằng suy cho cùng, âm nhạc gì thì công chúng vẫn là một thước đo giá trị. Khi không đến được với công chúng, nó cũng chỉ là một món ăn thiếu người thưởng thức. Có tốn công không khi mình phải đi tìm những khán giả đồng điệu còn quá ít ỏi ở Việt Nam? 

- Nói vậy cũng đúng, nghệ sĩ cần khán giả nhưng đồng thời khán giả cũng cần những sản phẩm nghệ thuật tử tế, nhiều sáng tạo để họ mở rộng không gian thưởng thức, nâng tầm thẩm mỹ của mình lên. Nghệ sĩ và khán giả thực ra luôn đi tìm nhau, chứ không có chuyện ai ngồi một chỗ chờ ai đến. Trong hành trình tìm nhau, nếu gặp nhau, coi như có duyên, họ sẽ thành tri âm tri kỷ; nếu không gặp coi như chưa có duyên. Đã là duyên thì khó mà nói tốn công hay không. Có khi không tốn gì cả, có khi tốn bao nhiêu cũng không ngán ngại. Điều này đã xảy ra với tôi khi tôi chơi nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc âm hưởng dân ca và sau này là world music. Còn với jazz kinh điển, hồi trước tôi suýt  nghĩ mình không có duyên khi đĩa Lời ru mắt em không thành công nhưng đến giờ, tôi đã thu âm được 2 CD nữa thuộc dòng jazz ấy cộng với dàn nhạc Saigon Bigband, cho thấy chữ “duyên” cuối cùng cũng tới, tuy có hơi muộn.

*Anh đã bắt đầu viết ca khúc, công việc đó có bắt nguồn từ bức xúc về thực trạng thị trường nhạc Việt hiện nay quá thiếu ca khúc hay?

 - Việc tôi viết ca khúc bắt nguồn từ thôi thúc trong chính tôi chứ không phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Có một số nhà sản xuất thích các bài hòa tấu của tôi và gợi ý nên chuyển soạn thành ca khúc vì có giai điệu đẹp. Khi gặp được người soạn lời ưng ý, là nhà thơ Phan Đan, tôi làm ngay một loạt bài. Những bài này sẽ dần dần được giới thiệu trong các chương trình biểu diễn của tôi hoặc các dự án âm nhạc của những ca sĩ khác.

* Những gì sẽ được chuyển tải trong ca khúc của anh?  

- Đó là những bài hát có cấu trúc tương đối tự do, có lời ca là những hình ảnh tươi sáng, yêu đời, những lát cắt trong đời sống cảm xúc của tôi. Anh Phan Đan khi soạn lời đã rất hiểu tôi về những điều này nên khi bài hát hoàn thành, tôi vô cùng hài lòng. Hy vọng trong đêm diễn sắp tới, khi Thanh Lam hát bài Mưa rơi, bài hát mới nhất vừa hoàn thành của tôi, khán giả sẽ cảm nhận được điều tôi chia sẻ.

Làm tốt việc của mình thì âm nhạc tử tế sẽ đến

* Theo anh, thị trường nhạc Việt đang mang sắc màu gì?

- Nó mang màu sắc gì còn phụ thuộc thái độ của người quan sát. Nếu ta bi quan thì lúc nào cũng thấy màu xám hay đen tối nhưng lạc quan một chút, để ý nhiều hơn đến những điều tốt đẹp, cho dù là ít thì mình vẫn thấy tươi sáng. Thỉnh thoảng, tôi nghe được một hai giọng hát mới khiến mình thích thú là đủ để tôi lạc quan về tương lai của thị trường nhạc Việt rồi. Muốn chê kiểu nhạc Việt xuống cấp, nghèo nàn, não tình hay thị trường quá... thì rất dễ. Nhưng những điều ấy đâu phải chỉ Việt Nam mới có? Ngay cả những thị trường âm nhạc lớn cũng phải đối mặt với những chuyện tương tự song họ vẫn vượt qua được bằng sự xuất hiện những cá nhân có tài năng và cá tính sáng tạo nổi bật. Chúng ta cũng nên nuôi dưỡng niềm tin như vậy đi.

Mỗi người cứ làm tốt nhất phần việc của mình đi đã rồi sản phẩm âm nhạc tử tế sẽ xuất hiện, đến lúc nào đó sẽ có đủ để chúng ta có được sự cân bằng tương đối, chấp nhận được. Đừng mong chuyện bài trừ những loại âm nhạc mà đôi khi ta quy kết là rẻ tiền. Nó tồn tại có lý do của nó.


 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo