Đến thăm Trần Mạnh Tuấn ở số 28 Lê Lợi, quận 1 - TPHCM, nơi anh đang gấp rút chuẩn bị hoàn tất những công đoạn cuối cùng để ngôi nhà này trở thành Câu lạc bộ Jazz đầu tiên của TP. Cũng chính ở đây, anh sẽ trưng bày và trực tiếp sử dụng bộ kèn cổ đã sưu tập được trong những năm qua.
Những “ông kèn” trên trăm tuổi
Bằng tất cả sự đam mê, Trần Mạnh Tuấn nâng niu cho tôi xem các cây kèn cổ mà anh đã đặt chúng vào các hốc tường được chiếu đèn rất nghệ thuật. Mỗi cây kèn đều được gắn một bảng bằng đồng, nêu rõ lý lịch của chúng một cách trang trọng. Anh thường gọi các cây kèn là “ông kèn”, vì trong bộ sưu tập này, anh có đến 15 cây kèn, mỗi cây là một câu chuyện dài gắn liền với một thời điểm lịch sử nhất định. Đây là cây kèn saxophone hiệu Selmer số 1 của Pháp, ra đời từ năm 1814; còn kia là 4 cây kèn được sản xuất từ năm 1890. Thời ấy do thiếu đồng, những người thợ làm kèn đã lấy vỏ đạn thừa đổ lẫn vào đồng rồi cho ra những cây kèn có âm thanh rất đặc biệt. Anh cho biết có tới 99% các nhạc sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng trên thế giới dùng các loại kèn này.
Với anh, để có được chúng là một điều gần như không tưởng. Cây kèn mà anh đang sở hữu rất cũ, cũ đến nỗi hầu như không còn lớp mạ đồng, chỉ những đường hoa văn được khắc bằng tay từ dưới đuôi lên cổ kèn là còn nguyên vẹn. Anh cho biết trên thế giới cũng có những hãng sản xuất kèn làm theo công thức cũ nhưng không thể nào cho ra được những âm thanh như mẻ kèn đầu tiên có từ năm 1890, chính điều này tạo nên một giá trị tuyệt vời cho bộ sưu tập anh đang có trong tay. Đây là những cây kèn Trần Mạnh Tuấn có dịp đi nước ngoài và anh đã lùng sục tìm mua. Có thể nói, bất cứ ai chỉ ở đâu có kèn cổ thì với mọi giá anh phải đến ngay để tìm hiểu và mua cho bằng được. Anh kể: “Có lần khi nghe nói ở xứ đạo Hố Nai lưu giữ một cây kèn cũ lắm không còn sử dụng được nữa, tôi lập tức đến ngay. Sau khi trao đổi với các cha xứ, tôi tặng lại nhà thờ 2 cây kèn mới và đem cây cũ về, thế rồi sau đó tôi đem cây kèn này sang Mỹ để sửa với giá 600 USD". Cứ như thế mà bộ sưu tập của tôi lâu lâu lại xuất hiện 1 “ông kèn” mới".
Những giai điệu kèn cổ nao lòng
Trên sân khấu, khán thính giả thường nghe anh chơi những bản nhạc jazz hay những ca khúc trữ tình của Trịnh Công Sơn bằng cây kèn cổ, bởi theo anh, chỉ những cây kèn này mới cho ra một thứ âm thanh trầm ấm thiết tha. Người nghe đã từng nao lòng trước những giai điệu mênh mang của Hạ trắng, Anh đến thăm em một chiều mưa, Chiều tím, Gửi gió cho mây ngàn bay... rồi lại được thả mình vào những bản nhạc jazz như Take 5, Summertime... Mỗi bản nhạc đều được chơi từ những cây kèn khác nhau trong bộ sưu tập này, nhưng mấy ai biết được tuổi thọ của kèn đã góp phần làm tăng thêm âm vực, tạo nên độ rung động đến lạ thường cho những khúc nhạc vốn được coi là quen thuộc kia. Vào tháng 8 này, khi khai trương Câu lạc bộ nhạc Jazz, khán giả sẽ được tận hưởng những cảm xúc tuyệt vời ấy nếu như có lời yêu cầu và những cây kèn được trưng bày ngay ngắn trong các hốc tường kia lại có dịp ngân lên những giai điệu thiết tha, trầm lắng.
Cũng tại câu lạc bộ này, khán giả còn khám phá thêm một nét khác lạ nữa của Trần Mạnh Tuấn với bộ sưu tập hơn 3.000 CD chuyên về nhạc jazz và blues được trưng bày trên các vách tường cạnh những cây kèn cổ. Với anh, chính bộ kèn cổ đã làm nên những thành công hôm nay và mãi mãi về sau, và vì có nó anh đã và đang cống hiến cho người nghe một vẻ đẹp khác tuyệt vời của âm nhạc.
Bình luận (0)