Tối 27-9, nhạc sĩ Trần Tiến - tác giả của các ca khúc nổi tiếng: “Mặt trời bé con”, “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Ngẫu hứng ngựa ô”, “Tóc gió thôi bay”, “Ngọn lửa Cao Nguyên”... - có buổi giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách tự viết về mình: “Ngẫu hứng”.
Khó có thể gọi “Ngẫu hứng” của Trần Tiến là cuốn tự truyện, tản văn, tạp bút; có thể tạm gọi đó là các ngẫu văn, theo một cách rất riêng, không đoạn nào giống đoạn nào, ghi lại những mảnh ghép trong hành trình 70 năm cuộc đời của nhạc sĩ du ca này.
Đặc biệt nhất có lẽ là phần “Lưu ảnh ký” - tác giả kể chuyện từ hồi ức của mình qua những tấm ảnh gợi mở. Ông đã vào tuổi thất thập nên không phải chuyện gì cũng có thể nhớ rành rẽ đến chân tơ kẽ tóc, chẳng hạn như: “Tại sao ngày ấy, tháng đó mình lại quỳ xuống giữa con đường trên núi? Lúc đó, mình suy nghĩ gì, mong muốn gì? Du ca đến đâu đây, sao mà nhớ được nhỉ? Mình bỏ mũ vẫy gì thế?...” - nhạc sĩ viết.
Đối với Trần Tiến, mọi lý luận đều thua xa thực tế cuộc sống, ông phủ nhận chuyện đang viết sách, hay nói cách khác là viết văn. Trần Tiến khẳng định chỉ có thể làm nhạc, không thể làm văn. Ông nói thẳng vào việc sau nhiều chặng đường đời như bị “bỏ bùa”, bị “điểm huyệt” du ca; sau những buổi trà dư tửu hậu, lúc trở về với chính mình cũng là lúc những ký ức ùa đến như những trích đoạn cuộc đời.
Cũng chính vì ngẫu hứng, ông bỏ qua hết mọi nguyên tắc của thể loại, hình thức, thủ pháp... mà để cho cảm xúc tuôn trào như những dòng chảy tự nhiên. Văn của Trần Tiến hoang dã y như con người phá phách của ông, còn nguyên nét thô mộc, vạm vỡ, không những chẳng chút điệu đà kiểu cách mà nhiều lúc còn gây sốc cho người đọc.
Bản năng sáng tạo hừng hực đã thôi thúc, lôi kéo người nhạc sĩ rời bỏ tất cả những gì là khuôn mẫu, phép tắc để phá vỡ cái vỏ bọc êm ấm - cánh cửa khép kín của một gia đình danh giá, sẵn sàng “đi hoang”, sẵn sàng trả giá. Đi khắp nơi, đến gần 40 quốc gia để thấy sự hiện diện có thực của đau khổ, hiểu rằng thế mới là cuộc đời và nhận lấy những bài học, để rồi cuối cùng cũng lại thả bài học bay theo gió, trở lại với đời thực cho giản dị nhất, đơn sơ nhất, không cầu kỳ, chẳng kiểu cách và cũng rất thô ráp.
“Tôi như đứa trẻ một hôm lạc vào rừng. Khu rừng bí ẩn của âm nhạc làm đứa bé quên mất đường về” - viết nhạc được Trần Tiến coi là sự giải thoát nhưng trời cho thêm sự nổi tiếng, ông thấy cũng phiền vì nguy cơ mất tự do. Trần Tiến nghĩ đời là một sân khấu lớn: “Tôi vẫn thường phải đóng kịch và diễn trước đám đông. Diễn để tồn tại, sống và yêu nhau” - ông nói.
Đọc “Ngẫu hứng” của Trần Tiến sẽ thấy cả những góc khuất u ám, những dằn vặt đau đớn không dễ gì bộc bạch của một “kiếp tằm rút ruột nhả tơ” cho những cháy sáng dưới ánh đèn sân khấu.
Bình luận (0)