xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trời nào phụ kẻ có nhân

LÊ MINH QUỐC

Lại vừa xảy ra vụ “hôi của” (xẻ thịt trâu chết - của người khác - giữa đường). Người Việt mình tham lam đến thế sao?

Mỗi một ngày, nếu ngồi ở nhà mà hái ra tiền, có lẽ chẳng ai phải bước chân xuống phố. Nơi ấy nhộn nhịp sắc màu hỉ, nộ, ái, ố và đôi lúc có đôi điều lại khiến ta chạnh lòng, chỉ muốn nhanh chóng quay về trú ẩn trong căn nhà của mình. Nhưng rồi, không thể. Thời buổi này, mọi thông tin vẫn ập vào tai, ùa vào mắt. Có những câu chuyện bi hài, cười đó nhưng rồi lại ngậm ngùi chua chát.

Mới đây thôi, ở Bình Dương, một con trâu băng qua đường, bị ô tô tông, “ngủm củ tỏi”. Chưa kịp hồn lìa khỏi xác, ngay lập tức đã xảy ra một tình huống éo le như trong Truyện Kiều: “Người nách thước, kẻ tay đao/ Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”.

Cảnh “hôi thịt trâu” ở Bình Dương mới đây, được một người dân ghi hình lại. (Ảnh cắt từ clip)
Cảnh “hôi thịt trâu” ở Bình Dương mới đây, được một người dân ghi hình lại. (Ảnh cắt từ clip)

Thiên hạ ùa đến phanh thây con trâu ngay tắp lự. Phải có cái gì đó bỏ vào miệng, nếu không ắt chết? Xin nhắc lại, thời nạn đói năm 1945, dù đói đến mức tắt thở ngay sau đó chỉ một giây nhưng con người ta vẫn giữ thể diện “đói cho sạch, rách cho thơm”, không làm càn như thế. Nay, không một ai còn chết đói nhưng nhân cách qua vụ trên cho thấy đã bệ rạc lắm rồi.

Với con trâu tội nghiệp đó, khi chủ nhân của nó hay tin, vụt chạy đến, chỉ còn thấy trơ lại cái đầu với một mớ xương xẩu. Úi dào, thấy mọi người lao vào lấy thì tôi cũng lấy, mình lấy một ít đâu có ăn thua gì với so với số hàng kia.

Đấy là tâm lý chung của số ít người khi chứng kiến sự cố đáng thương, thay vì ra tay giúp đỡ, họ nhảy luôn vào “hôi của”. Trong tiếng Việt, bản thân từ “hôi” đã gợi đến cái gì đó không thơm tho, khó ngửi như hôi hám/ hôi tanh/ hôi thối/ hôi rình/ hôi rích… Khi đứng riêng lẻ, “hôi” lại còn có nghĩa “lấy của người khác nhân lúc lộn xộn, hoạn nạn”.

Từ ngàn xưa, ông bà mình dạy: “Thấy người hoạn nạn thì thương/ Thấy người tàn tật lại càng trông nom/ Thấy người già yếu ốm mòn/ Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần/ Trời nào phụ kẻ có nhân/ Người mà có đức, muôn phần vinh hoa”.

Cái vế sau rốt của lời dạy này, chẳng phải ai cũng quên đâu. Bằng chứng là sau vụ hôi bia ầm ĩ tại Đồng Nai, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh băng-rôn phê phán hành động trên: “Là người dân Biên Hòa, là người Việt Nam tôi xấu hổ thay cho những ai đã “cướp” vài lon bia ở đây trưa ngày 4-12-2013”. Lời xin lỗi này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của nhiều thành viên cộng đồng mạng. Thông tin này đáng quý quá đi chứ?

Rồi sự việc tương tự khiến hình ảnh xấu xí của người Việt sẽ được chấn chỉnh?

Tiếc thay, đùng một cái, lại xảy ra chuyện khác. Ngày 1-11-2016, có một chiếc xe tải chở hàng gặp nạn ở Bình Định, trên Quốc lộ 1D, đoạn qua phường Ghềnh Ráng (Quy Nhơn). Thiên hạ sẽ nhanh chóng kêu gọi cùng cứu giúp chăng? Họ sẽ thể hiện tinh thần hào hiệp chăng? Khi đọc thông tin này, tôi tin nhiều người lập tức nhớ đến mẩu chuyện “Không tham của người” trong “Quốc văn giáo khoa thư”.

Chuyện rằng: “Ông Nguyễn Đình Thản người huyện Châu Lộc, tỉnh Nghệ An, tính rất thuần hậu, không bao giờ tham lam mà lấy của ai một tí gì. Ông có mua một cái nhà cũ, định san lại để ở. Khi người cháu đào viên đá tảng, thấy dưới viên đá có hai hũ đựng mười lạng bạc, mới đem vào trình ông. Ông nói: “Đây là của người chủ cũ, không phải là của ta, chớ nên lấy. Nếu lấy là lấy của phi nghĩa. Ta nên để trả người ta”. Nói rồi, ông sai đem cất đi cẩn thận. Sau quả nhiên, người chủ cũ đến xin lấy của ấy, ông gọi người nhà đem ra trả ngay. Người kia cảm phục cái bụng của ông, xin chia đôi để biếu ông một nửa. Ông nhất định không lấy. Người đời ai cũng khen ông là bậc quân tử đáng tôn kính vậy”.

“Bậc quân tử đáng tôn kính” ấy, thời buổi này, có còn không?

Theo tường thuật báo chí, giữa lúc ấy tài xế đang bất lực ôm mặt khóc ròng, kỳ diệu thay, như trong chuyện cổ tích, những cô Tiên, ông Bụt đã xuất hiện! Đùa, thời đại @ này làm gì còn có?

Có thật đấy. Là tiếng nói kịp thời đã thống thiết vang lên: “Đừng có lấy! Hàng đang còn nguyên, trả lại cho người ta”. “Nhân chi sơ tính bổn thiện” nhưng chỉ vì cái lợi nhỏ nhặt trước mắt làm mờ đi lý trí, tính hướng thiện nên tiếng nói nhắc nhở ấy cần thiết lắm. Liệu nó có đủ sức đánh thức lương tri và ngăn chặn thói xấu vơ vét của đám đông đang ùn ùn kéo đến?

Câu trả lời xin dành cho bạn đọc.

Với những sự việc trên, không dám kết luận, phán xét, tôi chỉ xin chia sẻ tâm tình, ý kiến của một đồng nghiệp là nhà báo, nhà thơ Ngô Kinh Luân: “Tôi có đọc một đoạn luận về chuyện của con người: Thấy hạt cơm rơi dưới đất, không nhặt lên để đặt lại trên bàn thì không yên tâm. Nhặt lên không phải để ăn tiếp, nhặt lên vì làm người thấy hạt cơm rơi thì phải nhặt lên, có vậy thôi”.

Vâng, đúng lắm. Có những tình huống, nhất thiết cần nhặt lên và cuối cùng là gì, thưa rằng vẫn là cách chọn phép ứng xử đúng nhất như ông Nguyễn Đình Thản, từng được khen ngợi trong sách giáo khoa ngày xưa.

Thú thật, việc làm này nói thì dễ nhưng sao tôi vẫn cảm thấy khó quá đi mất. Lòng tham của mình vẫn còn đây. Nói thì dễ lắm. Nhưng liệu có làm được không? Xin cố gắng bằng cách tâm niệm mỗi ngày: “Trời nào phụ kẻ có nhân/ Người mà có đức, muôn phần vinh hoa”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo