Chưa đầy 2-3 năm trở lại đây, các trường nhạc, học viện âm nhạc chính quy như Nhạc viện TP HCM hay Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam mới bắt đầu bổ sung bộ môn nhạc điện tử trong quá trình giảng dạy. Nhưng có vẻ khoa nhạc này vẫn chưa thật sự phát triển bởi mức độ đầu tư hầu như chưa cao. Trong khi đó, với những trường nhạc xã hội hóa của một số nghệ sĩ, họ đang muốn thực hiện tôn chỉ “rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu thực tiễn với nền tảng đào tạo truyền thống”.
Đào tạo cái cuộc sống đang cần
Cho đến nay, tất cả trường nhạc xã hội hóa đều đào tạo các bộ môn thanh nhạc và nhạc cụ: piano, guitar, violin, trống. Nếu ở Soul Academy của Thanh Bùi có thêm bộ môn nhảy thì ở trường nhạc của Đức Trí, Anh Quân, Hoàng Điệp còn có thêm khoa nhạc điện tử. Ở đó, các học viên được dạy về âm nhạc điện tử, bao gồm cả việc sử dụng các thiết bị điện tử truyền thống, thiết bị điện tử tự tạo hoặc máy tính. Tất nhiên, đỉnh cao vẫn là khóa học về hòa âm phối khí - mới lạ đối với Việt Nam nhưng quá cũ so với thế giới.
Theo nhạc sĩ Đức Trí, ở Việt Nam cho đến giờ này, các trường nhạc chính quy vẫn không có khoa đào tạo nhạc nhẹ, trong khi những nền tảng về nhạc cổ điển ít được phát triển trong đời sống có nhu cầu đa phần về nhạc nhẹ hiện nay. “Được đào tạo ở cả 2 hệ thống: trong nước và nước ngoài nên tôi chọn lọc những thứ cần thiết để truyền lại cho người học. Tất nhiên, nền tảng nhạc cổ điển luôn có giá trị riêng và tôi là người sẽ bổ khuyết những gì thiếu cho các bạn học viên vì hiểu rõ họ đang thiếu những gì mà mình đã trải qua” - nhạc sĩ Đức Trí nói.
Nhạc sĩ Anh Quân cho biết: “Hiện nay, những người làm nhạc nhẹ đương đại tự “bơi” rất nhiều. Phần lớn người làm nghề chia thành 2 nhánh: một là không học hành bài bản, hai là có theo học nhưng lại thiếu. Tôi không nói các bạn không chịu học nhưng thực tế, có những thứ chúng ta phải học lại không thể áp dụng trong đời sống. Khi mở trường, mục tiêu duy nhất của chúng tôi là giúp các học viên xây dựng hệ thống nền tảng vững chắc và đầy đủ”.
Còn với ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi, kinh nghiệm từng mở trường đào tạo tại Úc và làm nghề ở nước ngoài cho anh thấy học thôi chưa đủ. Anh cần những học viên của mình có được sự tự tin ngang bằng với bất cứ học viên trường nhạc nào trên thế giới.
Học đúng nghĩa
“Sẽ nực cười nếu khen ngợi một danh ca nào đó trên thế giới là giọng ca thông minh bởi đó là đòi hỏi thiết yếu cần có ở một người trước khi bước vào thế giới nghệ thuật” - nhạc sĩ Anh Quân nêu quan điểm.
Sự chuyên nghiệp của một nghệ sĩ không đo đếm bằng sự hùng hậu của ê-kíp, phụ tá hay mức độ ưu ái của truyền thông mà được tính bằng sự hiểu biết của nghệ sĩ. “Ở thời hiện đại, ca sĩ cần phải biết mọi thứ để kiểm soát chính công việc của mình. Nếu mọi thứ cứ giao phó cho người khác, chắc chắn sự lệch pha giữa các yếu tố sẽ tạo nên sản phẩm kém chất lượng. Ví dụ, nếu bạn không biết một tấm ảnh thế nào là đẹp thì làm sao bạn có thể kiểm soát được chất lượng bìa album” - nhạc sĩ Đức Trí phân tích.
Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi cho rằng ca sĩ Việt Nam hoạt động nghề theo trào lưu và đó là nguyên nhân khiến thị trường nhạc Việt thiếu những dấu ấn. Theo anh, sức ảnh hưởng và tấn công mạnh mẽ của nhạc Âu Mỹ hay thậm chí là Hàn Quốc vào đời sống âm nhạc Việt là do nghệ sĩ Việt Nam thấy người khác làm gì thì bắt chước làm theo, chứ không định hình phong cách riêng. “Thấy R&B lên ngôi, mọi người cũng ùn ùn thực hiện các sản phẩm âm nhạc R&B mà chẳng hiểu nó cần những chất liệu gì, ca sĩ phải có những tố chất ra sao... Đó là tư duy rất sai lầm và để cải thiện chỉ có con đường duy nhất là phải học” - Thanh Bùi chia sẻ.
Theo nhạc sĩ Đức Trí, anh đang tiếp bước cách làm của nhạc sĩ An Thuyên. Nếu trước đây, Học viện Âm nhạc quốc gia không mở cửa, thông thoáng hơn thì có lẽ thị trường nhạc Việt đã không có một thế hệ những người sáng tác thật sự tài năng. Những cái tên nhạc sĩ nổi tiếng đã định danh trong lòng khán giả yêu nhạc thời gian qua rõ ràng được sự định hướng của những tư tưởng mở. “Vì vậy, chúng tôi muốn truyền đạt những kinh nghiệm của bản thân cho những người có tài năng thật sự nhưng còn loay hoay tìm kiếm những con đường. Việt Nam không thiếu những tài năng nhưng tài năng sơ khai mãi mãi chẳng bao giờ phát huy giá trị của nó nếu không được trui rèn và gọt giũa. Thiếu định hướng cũng như điều kiện học tập thì tài năng như chim bị nhốt chặt trong chiếc lồng. Chúng tôi cần phải cho những tài năng ấy thoát ra và tìm được con đường riêng để nó thỏa sức bay bổng và sáng tạo” - nhạc sĩ Đức Trí nói.
Cần những thế hệ tài năng, bài bản
Những nhà chuyên môn như nhạc sĩ Huy Tuấn, Anh Quân, Quốc Trung hay Đức Trí đều cho rằng sự bắt chước theo trào lưu một cách máy móc, thiếu nền tảng kiến thức khiến cho thị trường âm nhạc Việt trở thành một tổ hợp những giọng ca na ná nhau khi cùng bơi trong dòng chảy mang tên trào lưu. Còn nhạc sĩ Anh Quân cho rằng: “Từ ca sĩ đến khán giả Việt đều bị bệnh “sốt ruột” một cách thái quá. Ca sĩ sốt ruột nổi tiếng đến mức vơ đại cái gì ở bề mặt mình thấy để được định danh, khán giả sốt ruột tìm kiếm những cái hay đến mức không dành thời gian để nghe, thẩm định và thấm. Chúng ta cần những thế hệ tài năng, bài bản và mọi thứ phải được xây từ gốc với khoảng thời gian dài”.
Bình luận (0)