Phóng viên: Nhắc đến Giang Châu là khán giả nhớ đến nhân vật Trùm Sò trong tác phẩm cải lương “Ngao Sò Ốc Hến” (của tác giả - NSND Nguyễn Thành Châu, do đạo diễn - NSND Ba Vân dàn dựng) và ngược lại. Đó có là niềm tự hào của ông?
- NSƯT Giang Châu: Chắc chắn như vậy! Bà con khán giả trong và ngoài nước hễ gặp tôi hoặc nhắc tới tôi đều nhớ đến nhân vật Trùm Sò, đó là niềm hạnh phúc quá lớn trong đời nghệ sĩ của tôi.
Điều gì làm nên sự khác biệt của Trùm Sò Giang Châu?
- Trước đó, khi NSND Ba Vân dàn dựng, chưa có nhiều sự phá cách bởi ông trung thành với thể điệu chèo, khi chuyển thể sang cải lương chưa có sự hòa quyện và mảng miếng hài cũng chưa tạo được cú đột phá. Trên sân khấu Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 lúc đó chúng tôi gồm anh Thanh Điền, chú Ba Trường Xuân, anh Nam Hùng, chị Thanh Kim Huệ… bắt đầu trao đổi với chú Ba Vân để phá cách, thêm thắt nhiều tình huống. Vai Trùm Sò của tôi từ đó có thêm nhiều sáng tạo, nhất là khi bị xử án, tôi xin được ca vọng cổ theo làn hơi như thổi kèn lá đám ma, nghe như tiếng than oán đầy chất hài hước của một gã hà tiện, bủn xỉn, mưu mô, xảo trá khóc chẳng phải vì oan, vì hận mà vì tiếc tiền, tiếc của.
NSƯT Giang Châu
Nhiều người thắc mắc trong cuộc sống đời thường, Giang Châu có “trùm sò” như vai diễn của mình không mà ông diễn hay đến vậy?
- Tôi lại rất phóng khoáng, giúp đỡ bạn bè khi gặp khốn khó. Cá tính thật của tôi là một người đàn ông sống có nguyên tắc, chơi cũng có nguyên tắc.
Gần 50 năm gắn bó với nghề diễn viên, ước mơ làm kép chánh của ông bỗng tan biến khi ông rẽ sang sở trường diễn vai tính cách. Nhìn lại, ông có hối tiếc không?
- Trái lại, tôi thấy mình rất ổn. Có hối tiếc chăng là mình không còn trẻ để tiếp tục có những vai diễn tính cách hay cỡ Trùm Sò trở lên và sân khấu cải lương bây giờ không còn nhiều sàn diễn, không có nhiều kịch bản hài để mình thỏa sức sáng tạo.
Cuộc đời người nghệ sĩ trải qua nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, để giữ được nghề trước những bể dâu, đối với ông có quá khó khăn?
- Tôi thấy mình mang ơn những khó khăn, những nghịch cảnh vì đã cho mình nghị lực, quyết tâm để có thể tồn tại một cách vững vàng với nghề hát. Từ miền quê Bến Tre lăn lộn vào nghề hát, tôi đối mặt với rất nhiều gian truân. Là kép trẻ, có giọng ca nhưng thiếu người nâng đỡ nên ban đầu phải đóng vai kép lão vì người ta chê mình có giọng ca quá già. Tôi không nản chí mà thầm cảm ơn thử thách này bởi nếu theo nghề hát mà ỷ lại, tự hài lòng với mình sẽ dễ hư thân. Dâu bể của kiếp hát khó lường lắm, được - mất, bại - thành chỉ trong phút chốc nếu mình tự hài lòng với chính mình.
Những năm sau này, cuộc sống của ông như thế nào? Khi nghề hát không còn như trước, ông đã dựa vào đâu để yên tâm với cuộc sống tuổi về chiều?
- Các con tôi đã lớn, có thể đỡ đần công việc mưu sinh của gia đình. Tôi không phải là anh kép giàu có, chỉ đủ ăn, đủ mặc và chờ từng suất hát. Ông bà xưa dạy biết hưởng thụ thì phải lao động, tôi làm việc cật lực, lao vào tất cả những công việc được giao chỉ mong có tiền lo cho mái ấm gia đình và làm nghệ thuật một cách lương thiện. Thú thiệt, tính tôi không giỏi giang trong những công việc kinh doanh, chỉ biết nghề hát và hát hết mình. Các suất diễn ngày càng thu hẹp, tôi cùng các bạn diễn viên trẻ đi hát đám tiệc: giỗ, cưới, thôi nôi, sinh nhật. Duy nhất không hát đám ma, vì ở đó buồn mà mình chỉ ca vọng cổ hài, gây cười thì có lỗi.
Vậy kim chỉ nam của cuộc đời ông là gì? Ông có nghĩ con người không thể hoạch định được hướng đi cho cuộc đời mình không?
- Kim chỉ nam của đời tôi chính là sống không lỗi đạo với mọi người. Tôi đã hứa giúp ai điều gì thì phải làm cho đúng với lời hứa. Còn khi đã dứt khoát từ chối thì ông thiên lôi có cầm búa đứng trước mặt, tôi cũng không làm. Tự hoạch định hướng đi cho một đời người chẳng dễ. Mình muốn làm kép chánh nhưng phải chuyển sang diễn vai tính cách, vai hài. Ý chí con người có thành hay không còn phụ thuộc vào “thiên thời, địa lợi” nữa. Tuy nhiên, tôi tự đặt ra mục tiêu cho bản thân là phải cố gắng để khẳng định vị trí của mình. Ngày hôm nay phải hơn hôm qua. Nghề hát khắc nghiệt và cuộc đời càng khắc nghiệt với nghệ sĩ hơn.
Ông có cho mình là nghệ sĩ hạnh phúc?
- Tôi hạnh phúc khi vợ con đều cảm thông với nghề nghiệp của tôi. Vợ tôi là mẫu phụ nữ đảm đang, các con hiếu thảo, ngoan hiền. Vợ tôi nhiều năm qua lo toan cho cuộc sống gia đình. Giờ bà ấy ăn chay trường, làm công quả cho các chùa, ít xen vào chuyện hát xướng của tôi. Từ khi con trai tôi - diễn viên Thế Sơn của Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh - qua đời do bệnh nan y, tôi cảm thấy hụt hẫng vì lá vàng phải khóc lá xanh. May mà có khán giả thương yêu, có những suất diễn đầy nghĩa tình nên tôi đã vượt qua nỗi đau đó.
Tôi chỉ có Thế Sơn là hậu duệ, cháu đã có nhiều vai diễn được khán giả và đồng nghiệp khen, được cho là có triển vọng khi cùng với vợ là nghệ sĩ Lương Duyên tạo nên cặp đôi ăn ý trong sáng tác, dàn dựng những kịch bản sân khấu hay. Tôi buồn và nhiều lúc ngẫm nghĩ con không có số sống đời với mình nên chấp nhận và nhớ về cháu với niềm tự hào.
Chẳng ai ngờ 3 nam nghệ sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương: Thanh Sang, Thanh Tuấn, Giang Châu lại khóc con trong cùng một năm?
- Cả ba chúng tôi đều có con mất vì bạo bệnh, chúng tôi đau lắm, cứ nhìn nhau và tự hỏi tại sao các con lại bỏ mình ra đi. Anh Thanh Sang và anh Thanh Tuấn bản lĩnh hơn tôi nhiều, nuốt nỗi đau vào lòng, còn tôi như muốn ngã quỵ khi nghe tin con mình mắc bệnh nan y. Thế Sơn theo tôi đi diễn khắp nơi, có lúc làm quân sĩ, chỉ dạ thưa mà cháu cũng vui vẻ vì cháu mê nghề lắm. Cuộc đời có lúc đẩy mình vào bể khổ. Oán trách cuộc đời thì không đúng, chỉ có thể nói phần số mình nó vậy.
Nghe nói ông giữ sức khỏe bằng cách chơi quần vợt?
- Tôi thích bộ môn này và thường xuyên tham gia với các bạn hữu bên lĩnh vực thể thao. Tôi giữ sức khỏe còn bằng cách đi bộ, ăn uống đúng chế độ dinh dưỡng và không uống bia quá 2 ly mỗi khi có tiệc tùng.
Mong ước của ông hiện nay đối với nghề nghiệp của mình là gì?
- Tôi thấy lớp trẻ hiện nay hiếm có em chịu đào sâu tính cách khi diễn cải lương hài, các em bị ngộ nhận giữa cách gây cười với cái hài mỹ học. Tôi muốn được tham gia truyền nghề, đem những kiến thức học được truyền lại cho các em, các cháu có ý nguyện theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Trước mắt, tôi gắn bó với anh em nghệ sĩ đoàn Kim Chung xưa, đỡ đầu cho một số nghệ sĩ trẻ thích bài vọng cổ hài, vì sau thế hệ của anh Văn Hường, Hề Sa, đến tôi, anh Thanh Nam, Phú Quý… thì gần như chưa có diễn viên trẻ nào dám đương đầu với thể loại này. Tôi muốn góp phần bảo tồn và phát huy ưu thế của bài vọng cổ hài bởi nhiều cuộc thi cũng không khuyến khích để các bạn trẻ nhìn thấy nét độc đáo của bài vọng cổ mang tính châm biếm, đả phá thói hư tật xấu để răn đời.
Trốn quân dịch, theo gánh hát
NSƯT Giang Châu tên thật là Trần Ngọc Châu, sinh năm 1952, tại thị trấn Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Năm 1968, ông tham gia phong trào văn nghệ không chuyên ở quê nhà. Từ sau Tết Mậu Thân 1968, thanh niên ở Chợ Lách đều bị bắt đi quân dịch, Giang Châu trốn bắt lính, đi theo gánh hát. Đầu tiên, ông theo Đoàn Cải lương Phước Châu. Sau đó gánh Ngân Điện - Ngọc Đính, Thanh Hương - Hùng Minh, Minh Cảnh 2… là những gánh thuộc trung ban. Sau 4 năm, ông chuyển qua gánh Trâm Hoa Mai làm kép chánh được mấy tháng rồi về gánh đại ban Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An. Tại đây, ông đóng vai lão thế vai nghệ sĩ Hữu Phước. Năm sau 1974, ông về hát cho gánh Xuân Liên Hoa của nghệ sĩ Thanh Điền - Thanh Kim Huệ cho đến năm 1975.
Các vai diễn nổi tiếng của NSƯT Giang Châu trên sân khấu Đoàn Cải lương Sài Gòn 2: Trần Hùng (“Tìm lại cuộc đời”), Thừa (“Tiếng hò sông Hậu”), Thiếu úy Thái Ngọc (“Khách sạn Hào Hoa”). Sau đó, ông về cộng tác cho Đoàn Cải lương Sài Gòn 1. Tại đây, ông có cơ hội được những nghệ sĩ tài danh giúp đỡ, đặc biệt là sự giúp đỡ của nghệ sĩ Thành Được. Trên sân khấu này, NSƯT Giang Châu tiếp tục ghi thêm dấu ấn vai diễn để đời, đó là Trùm Sò trong vở “Ngao Sò Ốc Hến”.
Bình luận (0)