Ngoài tên khai sinh, mỗi nghệ sĩ có quyền tự chọn cho mình nghệ danh để hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, nghệ danh cũng là thương hiệu mà thương hiệu rất kỵ trùng nhau. Khi tranh chấp quyền lợi hay liên quan đến pháp luật sẽ rất phiền phức cho cả người có cùng nghệ danh.
“Ma trận” nghệ danh
Điểm lại, trong giới nghệ thuật Việt Nam có không ít trường hợp trùng nghệ danh. Nền tân nhạc Việt có danh ca Lệ Thu (tên thật là Bùi Thị Oanh) nổi danh với các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Cung Tiến... Sau này lại có ca sĩ Lệ Thu (Nguyễn) hát giai đoạn khoảng năm 1980 cùng thời với Nhã Phương. Cho đến hiện nay, chị vẫn hoạt động trên các sân khấu hải ngoại nhưng để tránh bị trùng với đàn chị, Lệ Thu đưa thêm Nguyễn vào sau nghệ danh của mình.
Thời ca sĩ Ái Vân nổi đình đám trên sân khấu ca nhạc, một trong những ca sĩ hay hát song ca với Ái Vân là ca sĩ Lệ Quyên - cũng là một bóng hồng của làng nhạc thập niên 1980, chuyên hát các ca khúc cách mạng. Sau này, công chúng từ Nam chí Bắc biết đến cô ca sĩ trẻ Lệ Quyên hát dòng nhạc trữ tình, bolero.
Giới trẻ nghe nhạc ngày nay hay nhầm nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả của ca khúc “Chiếc lá cuối cùng” thuộc thế hệ nhạc sĩ tiền chiến với nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả của “Rêu phong”, “Trả nợ tình xa”, tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, sinh năm 1968.
Giới âm nhạc hàn lâm có Trần Thu Hà (NSND), nhạc trẻ có ca sĩ Trần Thu Hà (Hà Trần) con gái của NSND Trần Hiếu. Ban đầu, Hà Trần lấy nghệ danh Thu Hà nhưng thấy trùng với ca sĩ Thu Hà ở TP HCM nên lấy thêm họ Trần. Trần Thu Hà lại trùng với Trần Thu Hà (NSND) nên chuyển sang Hà Trần. Có vô vàn sự trùng hợp nghệ danh như một “ma trận” thi nhau phát triển và cùng mời gọi khán giả ở các loại hình nghệ thuật khác nhau. Hiện có đến 2 ca sĩ Hồng Nhung, 2 ca sĩ Mỹ Dung đang hoạt động ca nhạc. Ánh Tuyết cũng có 2, đều là ca sĩ cùng trang lứa.
Trường hợp nghệ danh Thanh Thúy cũng nhiều trùng hợp. Tân nhạc Việt Nam có một ca sĩ Thanh Thúy rất nổi tiếng với những ca khúc của Phạm Duy. Sau này cũng có ca sĩ Thanh Thúy, hát nhạc truyền thống cách mạng (Nguyễn Thị Thanh Thúy). Ca sĩ Thanh Thúy cũng được gọi diễn viên Thanh Thúy với rất nhiều vai diễn trên phim. Thanh Thúy diễn viên này lại trùng với diễn viên sân khấu, điện ảnh Thanh Thúy (Lê Thị Thanh Thúy), diễn viên của Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Khán giả đặc biệt hay nhầm lẫn giữa 2 cô Thanh Thúy này.
Trên sân khấu kịch phía Bắc hiện nay cùng lúc có 2 nghệ sĩ Lan Hương, cả hai cùng diễn kịch, đóng phim nên khán giả không thể phân biệt nổi khi nào thì Lan Hương “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh xuất hiện, khi nào thì Lan Hương “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh ra diễn.
Những nghệ danh trùng nhau còn có Kim Cương, Phương Thanh, Hoàng Cúc, Kim Chi, Phương Dung, Mỹ Linh,... Thường những trường hợp trùng nghệ danh là do có 1 trong 2 người chọn nghệ danh từ tên khai sinh như trường hợp ca sĩ Ánh Tuyết của Nhạc viện TP HCM, nhạc sĩ Tuấn Khanh trẻ nhưng cũng có trường hợp cố tình ăn theo.
Không ít rắc rối đã xảy ra
Khán giả TP Vinh đã có lần la ó khi nghệ sĩ hài Minh Vượng bị thay bằng một nghệ sĩ trùng tên gầy gò, khác hẳn. Lần khác, khán giả tại rạp Trưng Vương (Đà Nẵng) phản ứng khá gay gắt vì có đoàn văn công từ Hà Nội vào, trương cái biển “ca sĩ Thu Hiền biểu diễn” nhưng hóa ra là một ca sĩ Thu Hiền mới toanh!
Nghệ sĩ kịch nói Tuyết Thu từng là nạn nhân của một bài báo mạng khi người viết nhầm lẫn Thu Tuyết với Tuyết Thu là một. Lấy tựa “Tuyết Thu - Người đẹp nức tiếng một thời đi... nuôi cá”, bài báo có phần đầu là thông tin nói về nghệ sĩ Thu Tuyết - vợ Nguyễn Dương (ảnh thì Tuyết Thu), còn phần sau kể về vai diễn nuôi cá trong phim mới của nghệ sĩ Tuyết Thu.
NSND Thương Huyền (tên thật là Nguyễn Thị Thường) là nghệ sĩ của thời kỳ đầu tân nhạc, từ những năm 1940, bà hát các ca khúc của Văn Cao, Phạm Duy... rất nổi với hình ảnh sang trọng trên các sân khấu của miền Bắc. Sau này, có cô ca sĩ trẻ cũng lấy nghệ danh Thương Huyền (tên thật là Thu Huyền) nhưng thật đắng lòng vì sau đó, cô ca sĩ trẻ bị bắt vì tội trộm cắp tài sản của người khác - một sự nuông chiều dễ dãi với bản thân đã phá hỏng cả sự nghiệp sân khấu.
Ca sĩ Jinny Nguyễn (tên thật là Nguyễn Chí Cảnh) và ca sĩ Jimmii Nguyễn (tên thật là Nguyễn Dũng Ngọc Long) rõ ràng là 2 nghệ danh khác nhau nhưng chỉ nghe qua hoặc nếu không nhìn văn bản thì không ai phân biệt được Nguyễn nào là Jinny và Nguyễn nào là Jimmii. Đến khi ca sĩ trẻ Jinny Nguyễn bị “tố” lạm dụng tình dục trẻ em, tòa gọi tên Jinny Nguyễn nhưng ca sĩ - nhạc sĩ Jimmii Nguyễn lo sốt vó vì bị công chúng hiểu nhầm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thanh danh, nghệ danh mà anh đã lựa chọn.
Để tránh trùng nhau, một số nghệ sĩ nhanh chóng đổi nghệ danh hoặc dùng biệt hiệu. Ốc Thanh Vân là một ví dụ. “Ốc” được thêm vào là để phân biệt với Phi Thanh Vân.
Ông Lê Minh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý biểu diễn Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết nghệ danh là quyền cá nhân của mỗi nghệ sĩ và hiện tại chưa có quy định nào để phân xử những trường hợp trùng nghệ danh như kể trên. Ông Nguyễn Thu Đông, Trưởng Phòng Quản lý ca nhạc băng đĩa Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nhấn mạnh rằng ngay cả trên thế giới cũng không có quy định nào quản lý nghệ danh của nghệ sĩ. Hoạt động nghệ thuật chân chính, rất cần các nghệ sĩ đề cao giá trị bản thân, đề cao thương hiệu nghệ danh của mình. Việc “ăn theo” sự nổi tiếng của người khác để kiếm danh lợi nhanh hơn là thuộc phạm trù đạo đức, lòng tự trọng nghề nghiệp, người nghệ sĩ chân chính không bao giờ làm.
Đăng ký nghệ nhân như nhãn hàng
Nghệ danh phải chăng là thương hiệu? Liệu có thể đăng ký “thương hiệu” nghệ danh như đăng ký nhãn hàng ở lĩnh vực thương mại hay không? Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết các nghệ sĩ có thể làm hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ xin cấp chứng nhận độc quyền nghệ danh của mình như một thương hiệu. Nếu đã có hồ sơ này, những người khác cố tình mạo danh đều có thể bị khởi kiện ra tòa. Theo các luật sư, tội mạo danh người khác có thể bị xử phạt ở những mức rất cao.
Bình luận (0)