Sau những chỉ trích mạnh mẽ của công luận và sự chấn chỉnh của các nhà đài, cơ quan quản lý, tình trạng tạo xì-căng-đan, phát ngôn gây sốc trong các chương trình truyền hình giải trí tạm lắng một thời gian. Gần đây, tình trạng này bắt đầu tái diễn khi rating (chỉ số người xem) các chương trình giải trí trên truyền hình đang xuống sát đáy. Bài toán vực dậy rating của các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình giải trí xem chừng đang bế tắc. Vì thế, chiêu trò được tận dụng triệt để, thậm chí là chiêu trò phản cảm.
Lặng lẽ trôi qua
Thật khó để biết rating chính xác của một chương trình truyền hình giải trí dù đơn vị sản xuất rất nhiệt tình cung cấp số liệu nếu cần. Số liệu này được cho là mua lại từ đơn vị đo rating các chương trình truyền hình hiện nay. Dù vậy, không khó để nhận ra lượng rating của các chương trình giải trí trên sóng truyền hình hiện nay đều giảm sút đáng kể, xét ở góc độ hiệu ứng khán giả và lượng view chia sẻ của công chúng trên các diễn đàn.
Thực tế, các “ông lớn” truyền thông: Cát Tiên Sa, BHD, Đông Tây Promotion, K Media… đều đang gặp khó khi các chương trình ra mắt đều không đạt được hiệu quả về sức hút người xem như mong đợi. Trong đó, Cát Tiên Sa gần như thua trắng với chương trình “The X Factor - Nhân tố bí ẩn” có dàn giám khảo Thanh Lam - Tùng Dương - Dương Khắc Linh - Hồ Quỳnh Hương.
Dù họ là những tên tuổi “bảo chứng” về mặt chất lượng chuyên môn với cương vị ca sĩ và nhạc sĩ nhưng trên các diễn đàn mạng, nhiều người đánh giá rằng bộ tứ giám khảo “X Factor” mùa thứ hai là “sai lầm” của nhà sản xuất. Mỗi người mỗi cá tính trên sân khấu biểu diễn nhưng ở vị trí giám khảo, họ có chung một điểm: “Không có yếu tố giải trí để thu hút khán giả” - như bình luận của một người trong giới. Ngay từ đầu chương trình, ca sĩ Tùng Dương đã tuyên bố: “Chúng tôi đi tìm người thực tài chứ không có hột xoàn, kim cương để dụ thí sinh, dụ khán giả”. Quả thật, suốt hành trình tìm kiếm tài năng của họ, chương trình gần như âm thầm trôi qua trong đời sống giải trí của công chúng truyền hình.
“The X Factor - Nhân tố bí ẩn” năm nay có bóng dáng của nhiều chương trình cộng lại, một chút “Sao Mai - Điểm hẹn”, “Tiếng hát truyền hình”, một chút “Giọng hát Việt”, “Vietnam Idol”... Vì vậy, chương trình diễn ra không có bản sắc riêng. Điều đó khiến người xem cảm thấy không theo dõi được cũng không có gì đáng tiếc” - nhạc sĩ Thanh Bùi nhận xét.
Trong khi đó, so với “Vietnam Idol kids” vừa kết thúc, “Vietnam Idol” 2016 dù đang diễn ra nhưng không gây sức hút với khán giả như mùa trước. Nguyên nhân chính là thiếu thí sinh nổi trội như Trọng Hiếu của mùa trước. Dù ban giám khảo đã cố tâng bốc thí sinh nhưng khán giả thừa sức nhận diện năng lực của thí sinh.
Hài đang “chiếm sóng” truyền hình nhưng sức hút của các chương trình cũng đang giảm dần khi các đơn vị sản xuất đua nhau làm hài đến mức giẫm chân nhau - từ hài người lớn, hài nhí đến diễn hài thông qua hình thức hát nhép… Chưa kể, thí sinh chạy sô thi hết chương trình này sang chương trình khác thành chuyên nghiệp. “Khán giả xem không thấy chán mới lạ” - một nghệ sĩ hài thẳng thắn.
Chương trình “The face - Gương mặt thương hiệu” do Cát Tiên Sa sản xuất mùa đầu, phát trên sóng VTV3 vẫn không mang lại hiệu ứng khán giả như mong đợi dù có 3 người đẹp: Hồ Ngọc Hà, Phạm Hương, Lan Khuê giữ vai trò huấn luyện viên.
Phải “sống” bằng mọi giá
Vậy nên, muốn kéo khán giả, các đơn vị sản xuất phải “tính chiêu”. Khi “The X Factor - Nhân tố bí ẩn 2016” nổ ra tranh cãi của Tùng Dương và Dương Khắc Linh về ca khúc “I don’t care” mà một thí sinh tranh tài trong một đêm thi hay hành động chỉ tay chửi thẳng mặt của Thanh Lam đối với Hồ Quỳnh Hương gây cú sốc, thu hút giới truyền thông - nhất là báo mạng - vào cuộc, nhiều người trong giới nhận định: “Cát Tiên Sa vừa được cứu”.
“Nhờ nhiều báo khai thác triệt để những mâu thuẫn có ý đồ này nên công chúng mới biết “The X Factor - Nhân tố bí ẩn” mùa hai đang diễn ra” - một nhạc sĩ phân tích.
Nổi trội hơn những chương trình thi thố của các người đẹp đang diễn ra nhưng “The Face - Gương mặt thương hiệu” cũng liên tục có những cuộc cãi vã giữa 3 huấn luyện viên: Hồ Ngọc Hà, Phạm Hương, Lan Khuê trên sóng truyền hình và trên báo mạng để thu hút người xem. Chưa kể, khán giả đôi lần còn bắt được những “bài” dàn dựng tinh vi (tranh chấp đầy kịch tính của các huấn luyện viên) nhằm làm cho chương trình diễn ra gay cấn hơn.
Không ít người trong giới đã bất ngờ khi Đông Tây Promotion mời người mẫu Ngọc Trinh làm “host” (dẫn dắt chương trình) cho “Kỳ phùng địch thủ” (mua bản quyền từ chương trình Lipsyns Battle) bên cạnh MC Trấn Thành. Dù Ngọc Trinh không phải là nhân vật chính trong chuỗi chương trình này nhưng việc cất nhắc cô một cách cố ý như thế của nhà sản xuất là nhằm thu hút công chúng khi “Kỳ phùng địch thủ” ra mắt.
Nếu như “Tuyệt chiêu siêu diễn” của Công ty Điền Quân có Trường Giang làm át chủ bài thì “Kỳ phùng địch thủ” của Đông Tây Promotion phải là Trấn Thành. “Tuyệt chiêu siêu diễn” có nghệ sĩ hài Thu Trang thì “Kỳ phùng địch thủ” chọn Ngọc Trinh như một lợi thế cạnh tranh. Cả hai chương trình đều chọn những nhân vật “chịu chơi nhất”, sẵn sàng tuyên bố gây sốc, bất chấp “gạch đá” của công luận để thu hút người xem.
Áp lực rating
Bà Phạm Thị Kim Dung - Giám đốc Công ty Sen Vàng, đơn vị sản xuất chương trình “Tuyệt đỉnh song ca” - cho biết: “Ở những chương trình truyền hình mà thí sinh không phải là người nổi tiếng, không có sẵn lượng người hâm mộ đủ để làm tăng rating thì dàn giám khảo được trông chờ nhiều nhất”.
Đầu tư một khoản phí không nhỏ cho dàn huấn luyện viên tên tuổi: Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Minh Tuyết, Noo Phước Thịnh…, Sen Vàng kỳ vọng chương trình của họ sẽ có rating cao vì giám khảo “hot”. Thậm chí, chương trình “Tiếng hát mãi xanh” mùa mới cũng cần có một tên tuổi hút khách ở vai trò giám khảo sau khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời và danh ca Tuấn Ngọc đã được chọn lựa.
Bình luận (0)