Ngày 10-3, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã có văn bản đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm soát nội dung các chương trình liên kết nhằm bảo đảm hoạt động liên kết được thực hiện đúng pháp luật, khắc phục tình trạng để xảy ra sai phạm. Trước mắt, tạm dừng cấp giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết của VTV với đối tác mà trước đó đã để xảy ra sai phạm nhiều lần. Việc tạm dừng cấp giấy chứng nhận đăng ký các chương trình liên kết dự kiến phát sóng trên kênh VTV3 này của Bộ TT-TT được nêu rõ là để VTV tập trung có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm soát nội dung các chương trình trước khi phát sóng.
Chấn chỉnh cách nào?
Tính thực tế trong những chương trình truyền hình thực tế đặc biệt được coi trọng. Đó là “điểm đặc trưng tạo nên sức hút cho người xem và nó cũng tiềm ẩn những hiểm họa khó lường”, như nhà báo Minh Đức nhận định. Vì vậy, theo anh: “Xì-căng-đan rõ ràng là một phần của cuộc chơi truyền hình thực tế. Một chương trình “sạch” sẽ thua xa những chương trình lắm chiêu trò về độ quan tâm của công chúng. Xì-căng-đan ra đời đáp ứng đúng nhu cầu tò mò và cả sự nhạy cảm hơi quá đà của công chúng. Hay nói cách khác, những chương trình truyền hình thực tế có xì-căng- đan có thể lớn mạnh chính là sự tiếp tay, đồng lõa của công chúng”.
Theo ông Trương Văn Minh, Trưởng Ban chương trình Đài Truyền hình TP HCM, trong 3 nhóm chương trình truyền hình thực tế hiện nay, nhóm nghiêng về văn hóa phương Tây ít nhiều mang đặc trưng đề cao giá trị cá nhân, phóng khoáng trong vấn đề giới tính… đang được ưa chuộng. Nhóm các chương trình này đã xuất hiện trên một số kênh truyền hình ở Việt Nam và nhìn chung, phản ứng của khán giả là khá tiêu cực. Nguyên tắc của HTV là thẩm định và chọn các định dạng thuộc nhóm chương trình phù hợp với văn hóa Việt Nam (tài liệu nhiều tập vì đối tượng phản ánh là thực tế diễn ra hằng ngày trong cuộc sống với các nhân vật là những người bình thường trong xã hội, vì vậy nội dung chương trình vừa mang tính tài liệu vừa mang tính kích thích sự tò mò theo dõi nhiều kỳ của khán giả) và nhóm chương trình trung tính, tức các chương trình tuyển chọn tài năng ca, múa, thời trang, người có năng lực đặc biệt… thường được các nhà sản xuất nước ngoài thiết kế sao cho phù hợp với văn hóa ở mọi quốc gia. Về mặt tổng thể, các định dạng chương trình trung tính thường dễ được chấp nhận ở mọi nơi trên thế giới nhờ những giá trị phổ quát của nghệ thuật và tinh thần nhân văn”.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Phương Uyên - Giám đốc âm nhạc của nhiều chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát thời gian qua: “Điều không thể phủ nhận là những xì-căng-đan có trong các chương trình truyền hình thực tế xuất hiện cả vô tình và cố ý. Có những sự cố xảy ra mà người thực hiện chương trình rất khó tránh, bởi thí sinh chủ động tạo nên nhằm giúp họ dễ được chú ý hơn. Là người trong cuộc nhưng đôi khi tôi cũng không thể làm chủ được tình huống”.
Chấn chỉnh một thực trạng đang hết sức bê bối là vấn đề nan giải, bởi như đại diện một đài truyền hình chia sẻ: “Dù có theo sát quá trình sản xuất, khắt khe kiểm duyệt thì khi lên sóng trực tiếp, xì-căng-đan cũng có thể diễn ra”.
Với nhạc sĩ Lê Quang: “Sự tồn tại của xì-căng-đan gần như tất yếu trong các chương trình truyền hình thực tế giải trí hiện nay. Đó là những chuyện thực tế hay dàn dựng thì chỉ có những người làm chương trình mới biết. Nhưng rõ ràng, xì-căng-đan đang chi phối các chương trình truyền hình thực tế giải trí mà không ai quản lý được”.
Đừng để “rating” chi phối
Việc loại bỏ chương trình truyền hình thực tế ra khỏi sóng truyền hình là điều khó, khi “truyền hình thực tế đang là một trong những thể loại thu hút khán giả nhiều nhất hiện nay bởi cảm xúc thực và không thể đoán trước do không được định sẵn trong kịch bản. Điều đó tác động đến khán giả rất lớn” - ông Trương Văn Minh nhận định.
Theo giới chuyên môn, không thể dẹp bỏ nhưng chấn chỉnh là điều cần làm và có thể làm được. Biên tập viên Quỳnh Hương, từng tham gia thực hiện nhiều chương trình truyền hình thực tế xã hội hóa, chia sẻ: “Thực sự thấy buồn vì giờ đây cả xã hội dường như mặc nhiên chấp nhận sự “hot”, “hấp dẫn”, “thu hút” bất chấp đi lối nào hay bằng cách nào. Khi đưa một chương trình đi tìm tài trợ, câu đầu tiên các nhà tài trợ đặt ra thường là “rating (tỉ lệ người xem) thế nào?”. Giữa một rừng chương trình đang diễn ra cùng ngày, cùng giờ, chỉ hay về nội dung mà không xì-căng-đan... chắc chắn chương trình ấy khó đạt rating cao nên sẽ khó có được tài trợ ở những mùa sau... Tôi nghĩ đó là một trong những lý do then chốt để đẩy một số đơn vị tìm đủ “chiêu trò” câu khách bất chấp hậu quả cho những người trong cuộc hoặc uy tín của chương trình”.
Theo nhạc sĩ Lê Quang, lợi nhuận là đích đến của các nhà kinh doanh nên thật khó buộc họ từ bỏ. Vì vậy, theo anh: “Những người làm nghề sẽ phải chịu trách nhiệm gấp đôi cho việc “làm sạch” sóng truyền hình. Điều này đòi hỏi những người làm chuyên môn phải kiên định lập trường nhằm định hướng không chỉ công chúng mà còn thuyết phục nhà sản xuất, nhà tài trợ đồng hành cho mục tiêu tập trung xây dựng chất lượng chương trình bằng chuyên môn thay vì tạo chiêu trò thỏa mãn trí tò mò của mọi người”.
Biên tập viên Quỳnh Hương cho rằng: “Trên hết, các nhà đài và cả những đơn vị sản xuất xã hội hóa, các doanh nghiệp tài trợ cũng cần có ý thức hơn trong việc ưu tiên cho những chương trình mang tính nhân văn, xã hội cao. Ngày nào chúng ta còn để “chỉ số người xem” thao túng, tôi e rằng các ví dụ tiếp theo về nạn chiêu trò, xì-căng-đan... vẫn tiếp tục là những bài toán khó giải, cho dù chúng ta viết bao nhiêu bài báo, tổ chức bao nhiêu hội thảo về việc này”.
Tạo sự cạnh tranh công bằng
Động thái chấn chỉnh mạnh tay của Bộ TT-TT đối với một số chương trình truyền hình giải trí trên VTV3 nhận được phản ứng tích cực của dư luận. Đây được xem là bước chấn chỉnh ban đầu của cơ quan quản lý nhà nước nhằm cải thiện tình trạng để xảy ra nhiều sai sót trong các chương trình giải trí trên truyền hình thời gian qua, gây ra những phản ứng tiêu cực trong dư luận xã hội.
Nhưng theo nhiều người, việc này đáng lý phải được làm từ lâu, thậm chí ngay từ những chương trình đầu chứ không phải đến bây giờ. Vì cơ quan quản lý nhà nước chỉ xử lý nhắc nhở, dù sai phạm nhiều lần nên tình trạng sai phạm trong các chương trình ngày càng gia tăng. Chấn chỉnh các sai phạm bằng biện pháp mạnh, kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các đài, các đơn vị sản xuất và giữa các chương trình với nhau.
Bình luận (0)