Thầy Nguyễn Ngọc Ký tại buổi ra mắt sách tự truyện: "Tâm huyết trao đời"
Tấm gương vượt khó để học tập của thầy Nguyễn Ngọc Ký từ trang sách giáo khoa đã lan tỏa và truyền động lực cho nhiều thế hệ thanh niên, học sinh ở Việt Nam. Mấy chục năm qua cũng là quãng thời gian mà cậu học sinh viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký kiên trì, vượt qua nhiều khó khăn của cuộc sống tật nguyền để trở thành nhà giáo giàu tri thức, giàu tâm huyết.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký không chỉ thắp sáng cuộc đời mình bằng ý chí, nghị lực mà còn thắp sáng cho bao nhiêu thế hệ học sinh bằng tất cả tâm huyết của mình. Bây giờ bước vào tuổi "thất thập cổ lai hy" tuy không còn lên lớp giảng bài nhưng thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn miệt mài truyền lửa bằng ngòi bút của ông.
Bìa cuốn sách “Tâm huyết trao đời”
Gần 50 câu chuyện, cuốn tự truyện "Tâm huyết trao đời" kể lại khoảng thời gian từ lúc chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, theo lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về quê dạy học, trở thành giáo viên dạy giỏi của toàn ngành, đến khi là cán bộ xuất sắc trong ngành giáo dục ở TP HCM... Bạn đọc sẽ thêm ngưỡng mộ một con người tuy bị tàn tật về thân thể nhưng mạnh mẽ về ý chí, nghị lực; giàu trí tuệ, tinh thần; yêu đời, yêu nghề; kiên cường vượt lên thử thách nghiệt ngã của số phận đã làm nên những điều tuyệt vời mà không phải ai cũng có thể làm được. "Tâm huyết trao đời" là tập cuối của bộ ba hồi ký cuộc đời nhà văn - nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký.
Nhân dịp này, thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi nhà văn - nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký viết: "Mấy chục năm qua, tấm gương Nguyễn Ngọc Ký đã được các thế hệ thanh niên, học sinh ở nước ta trân trọng, cảm phục như một trong những điển hình sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận tật nguyền, để sống có ích và giúp ích cho mọi người, cho đất nước... Với tâm huyết cháy bỏng của mình, thông qua mỗi câu chuyện kể, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký cũng "trao đời" những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đúc rút từ chính cuộc đời mình - người thầy dạy học, viết văn bằng chân đầu tiên ở Việt Nam, với tư duy đổi mới về dạy và học, về đào tạo phát triển toàn diện con người. Đó không chỉ là những chắt lọc mang tính chuyên môn mà còn là tâm hồn, tình cảm, nhân cách cao đẹp của một nhà giáo chân chính, có sức lan tỏa tích cực trong xã hội...".
Bình luận (0)