Nhằm khẳng định “vai trò của văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước”, sáng 28-9, hàng trăm đại biểu từ mọi lĩnh vực nghệ thuật của TP HCM đã hội thảo sôi nổi vấn đề này bằng những ý kiến nhìn nhận, đánh giá khoa học.
Anh hùng ca bất khuất
Văn nghệ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định xưa, nay là TP HCM là một bộ phận của dòng chảy văn học nghệ thuật Việt Nam nhưng là một nhánh thể hiện tập trung, cô đọng khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Giai đoạn kháng chiến, văn nghệ yêu nước cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, xung trận hào hùng. “Chiến trường” văn nghệ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có sự góp mặt và góp xương máu của các văn nghệ sĩ quân giải phóng.
PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh khẳng định: “Văn nghệ sĩ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã viết nên bản anh hùng ca bất khuất, trung dũng, kiên cường. Nhiều nghệ sĩ, chiến sĩ đã ngã xuống trong những năm tháng ấy như Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân). Nhiều người đã chịu tù đày như nhà văn Viễn Phương, Vũ Hạnh... Chỉ khi nào văn nghệ sĩ hòa mình với cuộc sống, dấn thân cho lý tưởng cao đẹp, dồn tâm huyết sáng tạo để cống hiến thì mới có sức lan tỏa mạnh mẽ, được công chúng đón nhận”.
“Tác phẩm “Hòn đất” của nhà văn Anh Đức đã trở thành sự kiện lớn không chỉ của văn học mà còn của đời sống tinh thần cả nước” - GS-TS Đinh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật trung ương - khẳng định. “Nhà văn Sơn Nam nổi bật như một nhà Nam Bộ học. Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Sơn Nam qua văn học và khảo cứu là những nỗ lực truy nguyên toàn bộ bức tranh đời sống xã hội miền Nam” - ThS Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TP HCM, ghi nhận.
Trong sự sục sôi của văn nghệ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, các họa sĩ Diệp Minh Châu, Huỳnh Công Nhân... cũng xách ba lô lên đường ra trận; các đoàn làm phim của điện ảnh cách mạng cũng lăn xả cùng lính trinh sát ngoài trận địa, tận dụng pháo sáng của địch để quay phim. Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã khơi dậy phong trào đấu tranh hừng hực, đầy khí phách với nhiều ca khúc nổi tiếng một thời như “Dậy mà đi”, “Tự nguyện”... Dòng nhạc đặc biệt này đã thu hút rất nhiều nhạc sĩ tham gia sáng tác như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh...
Chưa bao giờ cải lương tập hợp được một lực lượng hùng hậu về hoạt động tại Sài Gòn. Mặc dù là loại hình sinh sau đẻ muộn nhưng với số lượng các tác phẩm đồ sộ và soạn giả đông đảo, cải lương đã thể hiện vai trò quan trọng với văn hóa đại chúng, như một phương tiện hữu hiệu chuyển tải lòng yêu nước. “Sài Gòn thời gian đó tập trung các đoàn cải lương như Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Việt Kịch Năm Châu, Phước Chung, Thống Nhứt... dàn dựng nhiều đề tài, thể loại như dã sử, lịch sử, xã hội, hương xa” - NSƯT Trần Minh Ngọc hồi ức.
Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM, khẳng định: “Điện ảnh có tác động vô cùng to lớn đối với đồng bào, chiến sĩ. “Trận Mộc Hóa” là sản phẩm điện ảnh đầu tiên của điện ảnh giải phóng, đội chiếu bóng đầu tiên được thành lập năm 1962. Hoạt động của điện ảnh Sài Gòn - Gia Định kéo dài khắp các tỉnh miền Nam, bám trận địa mang phim ảnh đến phục vụ bà con, chiến sĩ. Phim “Đồng Xoài rực lửa” sản xuất theo kiểu phải đọc thuyết minh riêng. Hồi những năm từ 1968 đến 1971, thường giữa buổi chiếu bị pháo kích nhưng bà con nói “các con dám chiếu thì bà con dám coi”, vậy là thương binh và đồng bào cùng ở lại đến hết phim mới về”.
“Có nhiều người hỏi tôi sao hay nghĩ về quá khứ nhưng tất cả những người làm điện ảnh kháng chiến đều không cho phép mình quên những ngày làm phim ở chiến khu Y4 hay còn gọi là T4. Điện ảnh Việt Nam đã góp phần xương máu để làm nên chiến thắng của 2 cuộc kháng chiến oanh liệt” - bà Dương Cẩm Thúy nói.
Trăn trở đương đại
Nhiều đại biểu đồng thuận với nhận định văn học nghệ thuật Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định từng có khối lượng đồ sộ các tác phẩm văn học, âm nhạc, cải lương, kịch nói, múa, nhiếp ảnh, điện ảnh, mỹ thuật... có sức mạnh rất to lớn, có khả năng dẫn dắt, đưa con người đến những đỉnh cao của phẩm giá, trí tuệ và đức hạnh.
Truyền thống của văn nghệ Sài Gòn - Gia Định là sự năng động, sáng tạo, không ngừng đổi mới. Nhưng, “Văn nghệ Sài Gòn hiện tại còn nhiều vấn đề ngổn ngang, trăn trở, tác phẩm thì làng nhàng, thiếu triết lý, thiếu thẩm mỹ, thậm chí có cả tào lao tầm phào, thiếu đỉnh cao, văn hóa đọc chưa thực sự phổ cập” - bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, bức xúc.
Giáo sư Mai Quốc Liên than món ăn tinh thần âm nhạc thiếu thốn đến mức phải đưa cả dòng nhạc bolero lên truyền hình để công chúng giải trí. Theo giáo sư Mai Quốc Liên, loại nhạc đó có thể phù hợp với thị trường và thu được rất nhiều tiền nhưng nghe mãi loại nhạc đó chẳng thể làm cho tri thức đại chúng tăng lên.
Theo giáo sư Mai Quốc Liên: “Văn nghệ hiện nay khủng hoảng sâu sắc và gay gắt về đường lối sáng tác. Những văn nghệ sĩ làm ra các tác phẩm kỳ vĩ thời chiến tranh đã già yếu hoặc đã mất, chúng ta đã không truyền được ngọn lửa lý tưởng nhiệt huyết vào giới trẻ nên sẽ không sinh ra được các tài năng văn học, văn nghệ như thế hệ trước”.
PGS-TS Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP HCM, trăn trở: “Trong quá khứ, giai điệu của những ca khúc mang âm hưởng dân ca, khôi phục âm nhạc nghệ thuật dân tộc truyền thống đã gắn với phong trào yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, được đông đảo mọi tầng lớp đồng bào miền Nam ủng hộ. Nhưng ngày nay, giới trẻ chưa phát huy được truyền thống đó, ca khúc hiện dễ nghe, dễ hát nhưng không có đỉnh cao, thiếu chiều sâu, giá trị”.
“Không hoang mang, dao động; cần bình tĩnh nhìn nhận những giá trị quá khứ, những sai lầm thế kỷ và tìm hướng khắc phục” - giáo sư Mai Quốc Liên nhấn mạnh.
“Nhìn lại cũng là đi. Suốt những năm chiến tranh ác liệt, mặt trận văn học nghệ thuật ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thực sự “chia lửa” với các chiến trường, góp phần quan trọng tôn vinh văn hóa dân tộc. Bài học rút ra trong những năm ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị, suy cho cùng vẫn phải lấy tinh hoa văn hóa dân tộc làm gốc” - nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, khẳng định.
Bình luận (0)