Phim trường Hòa Phú (huyện Củ Chi, TP HCM), do Đài Truyền hình TP HCM đầu tư, bước đầu đi vào khai thác được kỳ vọng sẽ tạo nhiều bối cảnh đa dạng cho phim. Ông Lý Quang Trung, Giám đốc Hãng phim TFS - Đài Truyền hình TP HCM, cho rằng việc ra đời phim trường này rất cần thiết, thỏa mãn “cơn khát” thiếu phim trường đã và đang tồn tại lâu nay ở Việt Nam.
Cái gọi là “phim trường”...
Với diện tích 49,5 ha, phim trường Hòa Phú sẽ được xây dựng các hạng mục phim trường nội cảnh, ngoại cảnh, hướng tới việc đáp ứng cho mọi cảnh quay cần bối cảnh xưa đến hiện đại, từ đề tài nông thôn, thành thị đến chiến tranh, cách mạng... Tuy nhiên, khi đề cập đến những bối cảnh được xây dựng khá tạm bợ và thiếu kiên cố tại phim trường, một đạo diễn thừa nhận: “Phim trường ở Việt Nam là vậy! Không được xây dựng kiên cố và lâu dài như nước ngoài được. Thực tế đó phải chấp nhận”.
Đây không phải là thực trạng mới mẻ. Ngay cả những phim trường quy mô tầm cỡ quốc gia ở phía Bắc như Cổ Loa được đầu tư hàng trăm tỉ đồng cũng chỉ đáp ứng cho vài ba cảnh quay trong mấy bộ phim cổ trang rồi rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát vì vật liệu sử dụng xây cất kém bền, dễ bị mưa nắng và thời gian tàn phá. Vậy nên, có thêm một phim trường mới là “tin vui” nhưng không ít người tỏ ra chẳng trông chờ gì vào những dự án phim trường ở Việt Nam. Nói như một đạo diễn: “Có phim trường hay không cũng vậy thôi. Đã có rất nhiều phim trường được bày ra nhưng hiệu quả mang lại chẳng là bao, chỉ lãng phí tiền bạc và công sức”.
Với các đoàn làm phim ở phía Nam, để tìm một phim trường đúng nghĩa là hầu như không có. Theo đạo diễn Xuân Cường, cái gọi là “phim trường” chỉ là những bãi đất trống, được dựng lên vài ba bối cảnh tạm bợ, đoàn phim nào muốn quay phải tự dựng bối cảnh phù hợp cho phim, xong lại bỏ hoang. Đạo diễn Đinh Thái Thụy nói vui: “Phim trường Việt Nam không phải thiếu mà là quá thiếu, không phải không chuyên nghiệp mà là quá không chuyên nghiệp. Khi bắt tay thực hiện một phim, dù có muốn vào phim trường song tìm đỏ mắt cũng không ra”.
Đạo diễn Xuân Cường cho biết có đến 99% số phim anh làm đều quay ở ngoài vì không có phim trường nào đáp ứng được các bối cảnh trong phim. “Trong tư duy của tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ vào phim trường mà quay” - anh nói. Đạo diễn Võ Việt Hùng cũng thừa nhận: “So với điện ảnh thế giới, chúng ta quá lạc hậu, ngay cả phim trường đàng hoàng cũng không có. Dòng phim xưa của tôi làm rất cần có phim trường để dựng cảnh nhưng đa số phải tự tìm”.
Giấc mơ xa xỉ
Tại hội thảo về triển khai đề án quy hoạch, phát triển điện ảnh của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch năm ngoái, dự định xây dựng 3 trường quay tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng khiến nhiều người boăn khoăn. Dù việc đầu tư xây dựng phim trường là điều cần thiết, có một phim trường chuyên nghiệp là mong mỏi của các nhà làm phim, đạo diễn song đây có phải là điều thực sự cần làm không hay chỉ là những giấc mơ xa xỉ.
Thực tế, phim trường chuyên nghiệp xây dựng hầu như chỉ phục vụ cho một vài phim. Ví dụ phim trường Yên Tử chủ yếu phục vụ quay phim cổ trang, phim trường Hòa Phú chủ yếu phục vụ cho các phim của TFS. Những đoàn phim khác muốn quay tất nhiên phải thuê và chi phí không hề rẻ. Trong khi đó, phim Việt hiện nay được làm với kinh phí rẻ mạt, chuyện thuê phim trường để quay khó được chọn lựa, trừ những trường hợp cần thiết không thể tận dụng bối cảnh sẵn có.
Đạo diễn Đinh Thái Thụy cho hay: “Nếu phim trường có sẵn cảnh thì chi phí thuê sẽ rất cao, còn nếu phải vào dựng bối cảnh, chi phí có khi còn cao hơn. Thay vì dựng ngôi nhà cổ trong phim trường quá tốn kém, đoàn làm phim sẽ kiếm tìm một ngôi nhà cổ đang có trong các khu dân cư để thực hiện cảnh quay với một khoản chi phí thuê nhà rất nhỏ”. Vì vậy, đã từ lâu, trong suy nghĩ của nhiều đạo diễn và nhà sản xuất phim truyền hình giá rẻ không còn nghĩ đến chuyện phải dựng cảnh quay ở phim trường nữa. Đạo diễn Võ Việt Hùng nói thêm: “Một tập phim hiện nay chi phí chỉ khoảng 130-180 triệu đồng, cao lắm là 200 triệu đồng thì chúng tôi phải liệu cơm gắp mắm, chủ yếu chọn bối cảnh sẵn có để tiết kiệm chi phí chứ không thể vào phim trường (nếu có phim trường hoàn chỉnh)”.
Rốt cuộc, những phim trường được bày ra chỉ có lác đác vài đoàn làm phim sử dụng. Đó là lý do nhiều phim trường được xây dựng tốn kém tiền bạc rồi bỏ hoang, lãng phí mà không mang lại hiệu quả. “Có lẽ chưa nơi nào như ở Việt Nam, làm phim không cần phim trường là thực trạng đã tồn tại từ lâu và sẽ còn tiếp diễn dài dài. Do đó, có phim trường cũng chưa hẳn phim Việt Nam được nâng cao chất lượng” - một đạo diễn phim truyền hình nói.
Chỉ là mơ thôi!
Theo ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP HCM, kết hợp thêm những khu dịch vụ và công viên, hướng tới việc thu hút du khách là hướng khai thác và sử dụng hiệu quả phim trường Hòa Phú.
Phim trường Yên Tử lớn nhất Việt Nam cũng được định hướng sẽ trở thành một Công viên Văn hóa - Lịch sử, khu du lịch chuyên đề dành cho du khách trong nước và ngoài nước tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Đây là cách làm của các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, một khi xây dựng thiếu chuyên nghiệp, thiếu tính toán độ bền, khai thác sử dụng lâu dài thì xem chừng khó khả thi, trường hợp của phim trường Cổ Loa là một bài học điển hình.
Bình luận (0)