Ngọc Trinh tố cáo về những bất công mà Nhà hát Kịch TP HCM - cụ thể là nghệ sĩ Khánh Hoàng, nguyên giám đốc, vừa rời khỏi chức vụ với lý do sức khỏe - đã gây ra cho mình trong việc liên kết tổ chức biểu diễn giữa nhóm kịch của cô và nhà hát này thời gian qua.
Theo đơn của nghệ sĩ Ngọc Trinh, cô phối hợp với Nhà hát Kịch TP HCM tổ chức biểu diễn tại rạp Công Nhân - trụ sở và cũng là sân khấu biểu diễn của Nhà hát Kịch TP - 6 vở kịch: “Chỉ có thể là yêu”, “Kẻ nói dối đa tình”, “Cặp đôi hoàn cảnh”, “A... ma... ma”, “Mắt âm dương” và “49 ngày yêu”. Thế nhưng, 6 vở này chỉ diễn được vài tháng, đến tháng 10-2014 đã phải tạm ngưng vì những vấn đề khuất tất trong việc phối hợp tổ chức biểu diễn giữa hai bên đối tác.
Theo thỏa thuận, nghệ sĩ Ngọc Trinh đầu tư thực hiện 6 vở diễn nhằm kích thích hoạt động biểu diễn vốn chưa khởi sắc tại rạp Công Nhân. Tuy nhiên, đến tháng 10-2014, ông Trần Khánh Hoàng xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Phó giám đốc Trần Quý Bình tạm thời điều hành nhà hát này thay cho giám đốc Trần Khánh Hoàng. Một tháng sau đó, ông Trần Quý Bình thông báo chấm dứt hợp tác với nhóm Ngọc Trinh khiến cô và ê-kíp chới với. Tiền đầu tư vở diễn trên 600 triệu đồng chưa thu được mà cả nhóm còn mất việc.
“Theo đề nghị của ông Hoàng, các hợp đồng của tôi - gồm hợp đồng biểu diễn với diễn viên, hợp đồng bán vé qua mạng - thì nhà hát đứng tên nhằm có số liệu báo cáo Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM. Thế nhưng, số tiền bán vé qua mạng của nhóm tôi khán giả trả vào tài khoản của nhà hát, nhà hát tạm giữ và được nhận 4 triệu đồng trên mỗi đêm diễn từ nguồn tiền này. Theo giải thích của ông Hoàng là để trả chi phí điện nước và bồi dưỡng nhân viên của nhà hát” - Ngọc Trinh bức xúc.
Trao đổi phóng viên, ông Khánh Hoàng cho biết: “Ngọc Trinh chưa hề ký kết hợp đồng nên những gì Nhà hát Kịch TP HCM thông báo với cô đều theo đúng pháp luật”.
Nghệ sĩ Ngọc Trinh khẳng định khi xây dựng nhóm và hợp tác với Nhà hát Kịch TP HCM, cô đã làm việc bằng sự đam mê. Cô tin vào sự cam kết hợp tác lâu dài với ông Trần Khánh Hoàng. Việc bị ông Trần Quý Bình đột ngột chấm dứt hoạt động đã đẩy nhóm của cô vào đường cùng một cách bất ngờ, không kịp chuẩn bị. Điều này làm tổn thương danh dự cá nhân Ngọc Trinh, ảnh hưởng đến thu nhập, cuộc sống của hàng loạt người, hàng loạt gia đình.
Qua sự kiện này cho thấy sự liên kết tổ chức biểu diễn giữa một đơn vị xã hội hóa và một đơn vị công lập đã không được tiến hành đúng nguyên tắc luật pháp. Trước đây, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM từng mở rộng cửa chào đón các cá nhân, đơn vị tham gia phối hợp tổ chức biểu diễn, đầu tư vốn dàn dựng vở diễn. Nhiều mối liên kết đã đạt được hiệu quả, cho ra đời nhiều tác phẩm hay phục vụ công chúng. NSƯT Mỹ Uyên, nghệ sĩ Cát Tường, nghệ sĩ Tuyết Thu là 3 “bà bầu” thực hiện theo mô hình xã hội hóa và làm việc đúng nguyên tắc trong ký kết hợp đồng để đôi bên cùng có lợi. Rất tiếc, sự liên kết giữa Nhà hát Kịch TP HCM và nhóm nghệ sĩ Ngọc Trinh đã không tuân thủ nguyên tắc luật pháp quy định để xảy ra những điều đáng tiếc.
Nghệ sĩ Ngọc Trinh kiến nghị: “Phải có cuộc đối chất giữa tôi và các ông Trần Khánh Hoàng, Trần Quý Bình trước những yêu cầu cần làm sáng tỏ của tôi, trả lại công bằng cho tôi”.
Sự việc sẽ được cơ quan chức năng xem xét giải quyết nhưng điều đáng nói ở đây là bài học kinh nghiệm trong liên kết giữa công và tư. Khi sự việc được truyền thông đăng tải, công chúng đưa ra nhiều lời bình phẩm thì danh dự của những nghệ sĩ tên tuổi liên quan ít nhiều đã bị tổn hại.
Bình luận (0)