Nằm hoành tráng giữa trung tâm TP Đà Nẵng nhưng Nhà hát Trưng Vương lại hoạt động khá ì ạch, phần lớn chỉ phục vụ công tác tuyên truyền, chính trị cho TP. Mỗi năm, Đà Nẵng phải chi hàng tỉ đồng cho nhà hát này hoạt động và lãnh đạo TP không muốn điều đó tiếp diễn.
Thu không đủ chi
Nhà hát Trưng Vương là một đơn vị sự nghiệp hoạt động về lĩnh vực nghệ thuật trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng. Đây là đơn vị sự nghiệp có thu, được thành lập trên cơ sở hợp nhất Đoàn Ca múa nhạc TP Đà Nẵng và Công ty Tổ chức biểu diễn Đà Nẵng.
Theo tìm hiểu, năm 2015, ngân sách TP Đà Nẵng cấp cho Nhà hát Trưng Vương 11,4 tỉ đồng. Trong đó, chi trả lương cho cán bộ, diễn viên, nhân viên là hơn 3,5 tỉ đồng, kinh phí không tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hơn 2,2 tỉ đồng, kinh phí bổ sung các nhiệm vụ đột xuất trong năm hơn 3,7 tỉ đồng…
Nhà hát đã sử dụng kinh phí trên để đầu tư vào các chương trình nghệ thuật kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm của TP Đà Nẵng, đồng thời phục vụ nhiệm vụ chính trị cho TP.
Cũng trong năm 2015, doanh thu từ dịch vụ của Nhà hát Trưng Vương chỉ ước đạt 5 tỉ đồng. Trong đó, thu biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc hơn 2,4 tỉ đồng, thu tổ chức biểu diễn - sự kiện hơn 2,3 tỉ đồng, thu cho thuê mặt bằng tầng hầm 240 triệu đồng.
Ông Hoàng Ngọc Chiến, Phó Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, cho biết năm 2016, ngân sách TP Đà Nẵng chi cho nhà hát chỉ còn 4 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, nhà hát mới nhận được hơn 1 tỉ đồng.
Theo ông Hoàng Ngọc Chiến, các chương trình tổ chức ở Nhà hát Trưng Vương có giá vé cao (1-2 triệu đồng) nên rất kén người xem. “Đơn cử mới đây, chương trình ca nhạc có ca sĩ Lệ Quyên trình diễn giá vé cao nhất đến 2 triệu đồng và chỉ bán được khoảng 60%-70%” - ông dẫn chứng.
Ông Hoàng Ngọc Chiến nhìn nhận tâm lý khán giả là vẫn muốn đến nhà hát xem nhưng chỉ chương trình giá vé rẻ mới có thể bán hết, còn giá cao thì hầu như vắng khách. Bình quân mỗi tháng, Nhà hát Trưng Vương chỉ đỏ đèn được khoảng 12-13 đêm. “Như vậy là đã mừng lắm rồi, khó kiếm đâu ra chương trình để nhà hát sáng đèn suốt tháng được” - ông tâm sự.
Ông Nguyễn Đình Thậm, nguyên Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, cho rằng sở dĩ các nhà hát rơi vào tình trạng ế ẩm một phần là do tiền thù lao của ca sĩ ngôi sao hiện quá cao. “Trước đây, những ông bầu nổi tiếng thường xuyên tổ chức chương trình, thuê nhà hát làm nơi biểu diễn nhưng các năm gần đây thì tần suất ít lại. Chi phí cho ca sĩ cao cộng với việc đầu tư âm thanh, ánh sáng nên số tiền lãi từ bán vé thu về không còn nhiều” - ông Thậm lý giải.
Cắt dần bao cấp đến năm 2020
Chính vì mỗi năm phải chi ngân sách cho hoạt động của Nhà hát Trưng Vương hàng tỉ đồng nên Thành ủy TP Đà Nẵng đã quyết định thí điểm xã hội hóa nhà hát này. Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng đã thông báo rộng rãi việc tuyển chọn chức vụ giám đốc Nhà hát Trưng Vương. Theo đó, ứng viên tham gia tuyển chọn phải tốt nghiệp các chuyên ngành về biểu diễn nghệ thuật và có kinh nghiệm 2 năm trong quản lý biểu diễn.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng, cho biết đến nay, đã có 4 hồ sơ tham gia ứng tuyển phụ trách Nhà hát Trưng Vương. Trong đó, 2 hồ sơ tham gia ứng tuyển vị trí giám đốc; 2 hồ sơ là doanh nghiệp, đơn vị tham gia ứng tuyển đảm nhận toàn bộ hoạt động của Nhà hát Trưng Vương.
Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng sẽ xem xét các đề án phát triển nhà hát. Sở sẽ thành lập hội đồng để nghe các ứng viên trình bày đề án phát triển nhà hát của mình và lựa chọn đề án khả thi nhất.
Để đáp ứng nhu cầu xã hội hóa, ứng viên ứng cử chức vụ giám đốc sẽ phải có đề án phát triển Nhà hát Trưng Vương trên cơ sở tự chủ về tài chính. Từ nay đến năm 2020, ban đầu TP sẽ bao cấp nhưng mỗi năm sẽ cắt 20%. Đến năm 2020, giám đốc phải điều hành nhà hát hoạt động mà không còn phụ thuộc vào ngân sách TP.
Đối với các hồ sơ là doanh nghiệp tham gia xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương, TP sẽ giao hoàn toàn nhà hát. Doanh nghiệp phải có kế hoạch phát triển, bảo đảm thu chi cho toàn bộ, kể cả Đoàn Ca múa nhạc TP Đà Nẵng, để phục vụ nhiệm vụ chính trị của TP và nộp ngân sách.
Ông Nguyễn Hữu Chiến cho rằng ứng viên được chọn lựa phải thực sự giỏi để bảo đảm cho nhà hát hoạt động. “Nếu đã tuyển chọn được giám đốc hoặc đơn vị quản lý rồi mà thực tế vẫn khó khăn, nhà hát vẫn ế ẩm thì có thể phải tính phương án khác chứ biết làm sao” - ông băn khoăn.
Theo ông Hoàng Ngọc Chiến, xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương là chủ trương đúng đắn. Ông cũng thừa nhận hiện nay, Nhà hát Trưng Vương cũng như các nhà hát trên cả nước đều rơi vào tình trạng ế ẩm, khó bán vé, doanh thu thấp. Tuy nhiên, do nhu cầu bảo tồn nhà hát và bảo đảm hoạt động của Đoàn Ca múa nhạc TP Đà Nẵng nên phải xã hội hóa.
Xây thêm nhà hát chỉ là dự định
Tại TP Đà Nẵng, ngoài Nhà hát Trưng Vương còn có Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Cung Thể thao Tiên Sơn… Các đơn vị này cũng hoạt động cầm chừng. Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, nhà hát tuồng thuộc về văn hóa cần được bảo tồn nên cơ bản là được bao cấp. Vấn đề thu của nhà hát này cũng được đặt ra nhưng chỉ một phần, còn lại sẽ được nhà nước nuôi.
Cách đây vài năm, lãnh đạo TP Đà Nẵng dự định xây nhà hát đa năng tầm cỡ quốc tế gần cầu Thuận Phước với quy mô 3.000 chỗ ngồi. “Tuy nhiên, chắc chắn lãnh đạo TP cũng đã thấy thực tế ế ẩm của nhà hát hiện nay nên dự định đó còn ở thì tương lai. Lộ trình là sẽ xây dựng, để dành đất lại đó nhưng trước mắt chưa thực hiện vì xây thêm nhà hát lúc này chỉ lãng phí” - ông Chiến nhận định.
Bình luận (0)