Ngày 24-8, tại thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”. Hội thảo thu hút hàng trăm học giả, nhà sử học, ngôn ngữ học, quản lý di sản văn hóa, chuyên gia bảo tồn - bảo tàng ở Quảng Nam và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hội thảo cũng có các học giả quốc tế, các vị linh mục và giáo dân Công giáo địa phương, vốn là những người đã dành thời gian nghiên cứu về vùng đất Quảng Nam, dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ.
Nơi khai sinh chữ Quốc ngữ
Có tất cả 69 tham luận được trình bày tại hội thảo, tập trung làm rõ vai trò và vị trí của dinh trấn Thanh Chiêm đối với chính trị, xã hội, quốc phòng và kinh tế của vùng đất Quảng Nam và xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVII-XVIII. Xác định dinh trấn Quảng Nam có phải là nơi đầu tiên khai sinh ra chữ Quốc ngữ hay không? Ai là “cha đẻ” thực sự của Quốc ngữ và vai trò của các vị giáo sĩ trong việc sáng tạo và hoàn thiện chữ Quốc ngữ như thế nào.
Theo các nhà nghiên cứu, với việc đặt dinh Quảng Nam (còn gọi là dinh trấn Thanh Chiêm, nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vào năm 1602; sai con trai Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ dinh này và cắt vùng đất Nam Hải Vân nhập vào dinh Quảng Nam vào năm 1604, chúa Nguyễn Hoàng đã mở ra một chương mới trong lịch sử mở cõi của Đại Việt, biến Quảng Nam từ vùng đất trù phú “ngoài biên ải” trở thành trung tâm chính trị, kinh tế lớn, kinh đô thứ 2 của xứ Đàng Trong (sau Phú Xuân) trong thế kỷ XVII-XVIII.
Thông qua thương cảng Hội An, Quảng Nam trở thành cửa ngõ trọng yếu trong chính sách đối ngoại của các chúa Nguyễn, là đầu cầu trao đổi thương mại, văn hóa bên ngoài, du nhập Thiên Chúa giáo từ phương Tây vào Đàng Trong. Cùng với Hội An, Thanh Chiêm là nơi đầu tiên ở Đàng Trong tiếp nhận các giáo sĩ ở phương Tây đến truyền giáo, tạo điều kiện cho họ tìm hiểu, sống chung và hội nhập với vùng đất và con người Đàng Trong. Đây chính là tiền đề và nguồn cội sâu xa cho việc ra đời chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII.
Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ tuy ở Quảng Nam nhưng không phải là Thanh Chiêm mà là Cần Húc. Cũng có một số ý kiến thận trọng hơn khi nói Thanh Chiêm là một trong những cái nôi đầu tiên quan trọng nhất sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Tuy thế, đa phần các nhà nghiên cứu, các học giả đưa ra các bằng chứng khẳng định chính xác Thanh Chiêm là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ.
Alexandre de Rhodes không phải là “cha đẻ”
Nhiều tham luận tại hội thảo đã chứng minh chính nhu cầu truyền giáo và giảng đạo bằng tiếng bản xứ là tiền đề thúc đẩy sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Từ đó khẳng định các giáo sĩ Thiên chúa giáo phương Tây mà đặc biệt là các tu sĩ Dòng Tên là những người có công khai sinh chữ Quốc ngữ. Các nhà nghiên cứu cho rằng Alexandre de Rhodes (người Pháp) không phải là “cha đẻ” của chữ Quốc ngữ như quan điểm của nhiều học giả kỳ cựu trước đây. Họ khẳng định vai trò tiên phong trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ chính là giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha Francisco de Pina.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng nhận thức được việc này có cả một quá trình. Thời gian sau này, khi có điều kiện nghiên cứu nhiều hơn, bạn bè quốc tế có điều kiện tiếp cận với những tư liệu rất khó tiếp cận mới thấy ông Francisco de Pina không những đi trước mà còn là thầy của Alexandre de Rhodes. “Do bị tác động không ít của nhiều yếu tố chính trị ở các thời kỳ lịch sử khác nhau, có một thời gian rất dài chúng ta nhắc nhiều đến Alexandre de Rhodes, đúng là ông có vai trò rất quan trọng với những di cảo để lại. Tuy nhiên, ngay chính trong sách ông viết có nêu là dựa vào thành quả của 2 người đi trước. Ông cũng nói rằng Francisco de Pina chính là thầy dạy ông ở ngay vùng đất này. Vì thế, chúng ta cần biết rõ để tôn vinh cho công bằng” - ông Dương Trung Quốc nói.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc hình thành một ngôn ngữ quốc gia là cả một quy trình kéo dài, công sức của cả một tập thể, trong đó vai trò những người đầu tiên là rất quan trọng. “Cho dù mục đích của họ là gì, quan trọng là người Việt Nam đã tiếp nhận nó ra sao, vì sao tiếp nhận nó và đóng góp vào thời gian nó phát triển. Có ý kiến cho rằng chữ Quốc ngữ có sự đóng góp của người Nhật, chúng ta ghi nhận tất cả những chi tiết dù nhỏ nhất để thấy rằng hình thành ngôn ngữ của một dân tộc là cả một quá trình...” - ông Dương Trung Quốc nói thêm.
Nên dựng tượng Francisco de Pina?
Một số ý kiến đề nghị tỉnh Quảng Nam làm hồ sơ để dinh trấn Thanh Chiêm (hiện là di tích cấp tỉnh) được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và đề nghị xây dựng tượng đài giáo sĩ Francisco de Pina và tượng đài chữ Quốc ngữ ở Thanh Chiêm để tôn vinh, coi đây là những biểu tượng của xứ Quảng và cũng là biểu tượng văn hóa của quốc gia đặt ở xứ Quảng.
Bình luận (0)