Từng là Trưởng Ban Thời sự báo Lao Động, nhà báo Trịnh Xuân Quang được đánh giá là một trong những cây bút phóng sự xuất sắc của làng báo chí hiện đại. Nhà báo Trần Đức Chính, nguyên Uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Lao Động, nhận xét đội ngũ các cây bút phóng sự trong làng báo chí không ít, nhưng Xuân Quang xứng đáng xếp vào "top ten".
Nhà báo Trịnh Xuân Quang
"Xuân Quang thuộc nhóm nhà báo "chân dài", đôi lúc tung bờm như ngựa hoang, rồi lại suy tư, dằn vặt với sự đời còn lắm éo le" - nguyên Tổng Biên tập Báo Lao Động đánh giá
"Khóc ở Thiên đường" gồm 70 phóng sự, ghi chép đưa theo thứ tự thời gian, trải dài trong 25 năm làm báo của tác giả. Gần một nửa phóng sự của anh là những hành trình "lao vào điểm nóng", từ biên cương đến hải đảo, từ động đất đến sóng thần… Bước chân anh đã trải hầu khắp dải đất hình chữ S cũng như hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng Báo chí Quốc gia, trong số đó có phóng sự "Vượt sóng dữ Trường Sa" in trong tập sách này.
Nhà báo Trần Nhật Minh, Trưởng ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), nhận định nhà báo Xuân Quang có "thương hiệu" riêng với 3 lợi điểm: Gen gia đình (chú ruột anh là nhà báo nổi tiếng Xuân Ba), môi trường đại học và đặc biệt là có thời gian dài làm việc tại tờ báo Lao Động với trùng trùng điệp điệp đội quân viết "có số má".
"Hồi ấy Lao động khổ to, riêng phóng sự được "rành rành định phận" nửa trang lớn, thành một trong những "địa chỉ" đọc không thể bỏ. Trang báo đó nuôi lớn những Vĩnh Quyền, Đức Chính, Đặng Bá Tiến, Huỳnh Dũng Nhân, Trần Đăng, Nguyễn Quang Vinh, Lưu Quang Định, Ngô Mai Phong, Đỗ Quang Hạnh, Lê Thanh Phong… Và đương nhiên lứa trẻ có những Xuân Quang, Hoàng Văn Minh, Nhật Anh, Đỗ Doãn Hoàng, Tri Thức, Quảng Hà, Thanh Hải… Bút pháp của Xuân Quang như ảnh hưởng từ đàn anh chung báo mà anh trân quý: Huỳnh Dũng Nhân với những "Con đường bia bọt", "Tôi đi bán tôi"...
Tập phóng sự của nhà báo Trịnh Xuân Quang
Quang "giam" người đọc lại ngay từ những cái tít ấn tượng, kiểu như: "Ngư Lộc góa bụa", "Mai Châu chân đất", "Trôi cả Mường Lay", "Tom chát Phủ Giầy", "Thày trò cùng… hít"… khiến người đọc ngó tít không thể không đọc nội dung!"- nhà báo Trần Nhật Minh tâm sự.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Dân Việt, cho hay anh rất nhớ những phóng sự hào hoa và xông pha của nhà báo Xuân Quang độ ấy, từ "Mai Châu chân đất", đến "Trôi cả Mường Lay", rồi khắp xứ sở mây mù Sa Pa, nơi cuối trời Tây Bắc có Lai Châu, miền địa đầu nồng say Lào Cai… Những chỗ hoang thẳm, quyến rũ với các cộng đồng người muôn đời thương mến - hình như nơi nào bước chân anh cũng đã trải.
"Sau này, đi làm báo, trở lại hầu khắp các miền đất Xuân Quang từng đi, tôi đã chứng kiến có người già bật khóc khi nhắc đến phóng sự "Trôi cả Mường Lay" của Xuân Quang khi anh viết về quê họ với thảm họa lũ bùn, lũ quét, lũ ống kinh hoàng. Cơn lũ đã làm cả trăm người thiệt mạng, trong đó có nhiều người ruột thịt của ông. Đúng là nước ta ít có cái "Mường…" nào bị "Trôi cả" trong chớp mắt như thế. Cái anh nhà báo đến kịp thời, mang hàng cứu trợ đến và nhìn thảm họa bằng cái nhìn của người dân ven sông Nậm Na, Nậm He và Nậm Tè (sông Đà thượng du) quê ông. Chúng tôi vẫn gọi "tếu" Xuân Quang là người có tâm, có nghề đi viết về… thảm họa. Viết để độc giả khóc chân thành, người bị thảm họa cũng khóc chân thành được, mười năm sau đọc lại vẫn thích, khó lắm"’ – nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhận xét.
Bình luận (0)