Tròn một năm kể từ khi phát động, cùng với cuộc thi ảnh "Nét đẹp lao động", cuộc thi viết phóng sự - ký sự 2019-2020 do Báo Người Lao Động tổ chức đã khép lại với lễ trao giải diễn ra chiều nay (23-7).
Gần 300 tác phẩm dự thi
Cuộc thi lần này tổ chức trong bối cảnh báo chí gặp nhiều khó khăn do cùng cả nước phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Hơn nữa, trên mặt bằng chung, báo chí trong nước đang thưa vắng thể loại phóng sự - ký sự, do đây là thể loại rất khó thể hiện và cần đầu tư lớn cả về công sức lẫn nội lực chữ nghĩa.
Dù vậy, rất đáng mừng là với sự đồng hành của các mạnh thường quân, Báo Người Lao Động vẫn bảo đảm hành trình cuộc thi trọn vẹn với những giải thưởng hơn hẳn cuộc thi năm 2017-2018. Điều đáng mừng hơn nữa, chính là sự tham gia của đội ngũ tác giả trong và ngoài nước với gần 300 tác phẩm dự thi. Điều đó cho thấy cuộc thi đã có sức lan tỏa và thu hút rộng rãi.
Tác giả Võ Quý Cầu lần này tham gia bằng 3 tác phẩm: "Tình biển Hoàng Sa", "Ra đi để trở về", "Vua thợ cày xứ Quảng". Vẫn với tính phát hiện đề tài rất thời sự, lối kể chuyện mộc mạc nhưng sâu sắc của người xứ Quảng, anh đã chứng tỏ đẳng cấp của mình trong thể loại này khi trước đó đã đoạt giải đặc biệt của cuộc thi phóng sự - ký sự năm 2017-2018 và tiếp tục đoạt giải cao nhất của cuộc thi lần này cho tác phẩm "Tình biển Hoàng Sa".
Một số tác phẩm tham gia cuộc thi viết phóng sự - ký sự 2019-2020 đã đăng trên Báo Người Lao Động Ảnh: QUANG LIÊM
"Tình biển Hoàng Sa" viết về một làng biển ở Quảng Ngãi, nơi có những ngư dân "ăn sóng nói gió", đã nhiều thế hệ neo đời mình vào vùng biển Hoàng Sa. Với họ, Hoàng Sa không chỉ là vùng biển rất giàu có hải sản để khai thác mà còn là chủ quyền thiêng liêng về biển đảo của Tổ quốc, cha ông đã ủy thác cho hậu sinh. Khi già cả, không còn sức để chinh phục gió to sóng cả, họ trở về, thành những trợ thủ đắc lực cho lớp trẻ tiếp tục vươn khơi. Ký ức về những chuyến xa khơi được họ lưu giữ như một thứ bảo tàng quý́, gây nhiều xúc động. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi tác phẩm thuyết phục tuyệt đối cả giám khảo sơ khảo và chung khảo.
Nhà báo Phạm Xuân Dũng, cây bút xông xáo của miền đất nắng gió Quảng Trị, tham gia với tác phẩm "Người từ giới tuyến", viết về ông Phạm Quyến - người con của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nơi cuối thập niên 1960, người Mỹ dựng lên hàng rào điện tử McNamara ngăn chia hai miền. Dù tuổi cao sức yếu, con cháu đề huề, tiền bạc đủ sống ở Mỹ, ông Quyến vẫn đi về Việt Nam như con thoi chỉ để thực hiện một ước mơ cháy bỏng trong lòng là mở dự án "du lịch hoài niệm" cho vùng đất nơi ông đã sinh ra, nhằm góp công sức mình vào công cuộc tái thiết sau chiến tranh và giúp dân nghèo đổi đời. Ý tưởng của ông đã nhận được sự đồng tình của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và sự ủng hộ của rất nhiều cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở vùng đất này.
Những tác giả từng đoạt giải cao trong các cuộc thi phóng sự - ký sự trước đây của Báo Người Lao Động như Văn Công Hùng (Gia Lai), Trương Điện Thắng (Đà Nẵng), Vu Gia (TP HCM), Uông Thị Bích Ngọc (Hà Nội)... vẫn tiếp tục tham gia giải lần này. Tác phẩm của họ, dù đoạt giải hay không, vẫn là những thiên phóng sự - ký sự đẳng cấp, có chiều sâu thuyết phục trong việc chọn đề tài và tinh tế trong câu chữ.
Thật xúc động với những ký ức và nỗi đau đáu với tình quê trong "Đi chợ Nồi Rang" của nhà văn - nhà báo Trương Điện Thắng hay những tấm lòng thiện lương, day dứt trước nỗi đau nhân thế trong "Trại điên nhà Phước Hạt" của nhà văn Văn Công Hùng. Thật trân trọng trước những giá trị nhân bản như GS-NGND Lê Trí Viễn trong "Người cắm choái" của nhà văn Vu Gia khi GS-NGND Lê Trí Viễn không chỉ là tấm gương sáng về đạo đức, trí tuệ, lao động mà còn là người kiên trì với việc duy trì những giá trị thuần Việt của gia đình, dòng họ, quê hương, dẫn dắt nhiều thế hệ trí thức nước ta. Thật ngưỡng mộ khi một bà lão tuổi ngoài thất thập vẫn đi lại như con thoi giữa Việt Nam và Lào chỉ với một mục đích trọn đời là gắn bó tình nghĩa giữa hai nước Việt - Lào trong "Bà Việt lại đi Lào" của Uông Thị Bích Ngọc.
Như những viên ngọc quý
Một trong những chủ đề trọng tâm của cuộc thi được nhiều tác giả tham gia viết chính là "phát hiện nhân tố điển hình xuất sắc trong mọi lĩnh vực, gương người tốt, việc tốt, cá nhân nổi bật với sáng kiến hoặc mô hình làm ăn kinh tế - lao động sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực cho bản thân và cho đời sống cộng đồng".
Nhóm đề tài này cũng là nơi ghi nhận sự phát hiện đề tài rất tinh tế của nhiều tác giả. Qua đó, chân dung của những người yêu lao động và lao động giỏi được khắc họa sâu đậm, sáng rỡ như những viên ngọc quý giữa cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thật đáng yêu những chàng trai trẻ của tuyến lửa Quảng Bình đang quyết tâm làm sống lại những cây sâm Bố Chính danh truyền trong "Sống lại một vùng sâm" (Đỗ Thành Đồng - Quảng Bình). Cũng không thể tiếc một lời khen thật trang trọng cho vị cán bộ quân đội luôn đau đáu với sự nghiệp xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc ở vùng biên cương trong "Ông sáng kiến ở vùng biên" (Lê Quang Hồi - Gia Lai), những cán bộ khoa học kỹ thuật ngày đêm trăn trở với quyết tâm làm xanh một vùng khô hạn trong "Xanh một vùng cao" (Nguyễn Như Thừa - Ninh Thuận)...
Trong một cuộc thi tập hợp rất nhiều những tác phẩm chất lượng như thế, thật khó khăn cho các giám khảo khi phải cân nhắc trước quyết định 25 tác phẩm cho vòng chung khảo, từ đó chọn ra 6 tác phẩm để trao giải.
"Nét đẹp lao động" - ngày càng chuyên nghiệp
So với lần 1 - chỉ trong vòng 3 tháng - cuộc thi ảnh "Nét đẹp lao động" 2019-2020 diễn ra với thời gian dài hơn. Trong 1 năm, cuộc thi đã nhận được 720 tác phẩm của 98 tác giả gửi tham gia. So với lần 1 (105 tác giả - 510 tác phẩm), dù số lượng người tham gia lần này giảm nhẹ nhưng ảnh dự thi tăng khá nhiều.
Từ một "cuộc chơi" chủ yếu dành cho CNVC và người lao động (phần lớn là các tay máy không chuyên), "Nét đẹp lao động" lần này ghi nhận sự tham gia đông đảo hơn của các tác giả chuyên nghiệp. Có người còn đầu tư cả flycam để sáng tác.
Người tham gia cuộc thi ở khắp mọi miền đất nước; ảnh chụp cũng đa dạng chủ đề: Từ ảnh chân dung đến ảnh lột tả công việc của công nhân, nông dân, giáo viên, ngư dân, diêm dân, thợ mỏ, tiểu thương, nhân viên y tế, lao động phổ thông, chiến sĩ PCCC...
Hôm nay, trao giải 2 cuộc thi
Chiều nay (23-7), Báo Người Lao Động sẽ tổ chức trao giải cuộc thi viết phóng sự - ký sự và cuộc thi ảnh "Nét đẹp lao động" 2019-2020.
Với cuộc thi viết phóng sự - ký sự 2019-2020, trong 25 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, Ban Tổ chức đã chọn ra 6 tác phẩm vượt trội để trao giải gồm: 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích.
Với cuộc thi ảnh "Nét đẹp lao động" 2019-2020, trong 51 tác phẩm vào vòng chung khảo, Ban Tổ chức chọn ra 11 tác phẩm để trao giải gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích.
Bình luận (0)