Văn bản do Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp ký nêu rõ ngày 21-1-2022 và 21-2-2022, Viện nhận được đơn đề nghị "về việc giải quyết vi phạm bản quyền trong nghiên cứu khoa học" của TS Đỗ Hải Ninh liên quan đến đề tài khoa học "Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam đương đại sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học" do TS Vũ Thị Trang chủ nhiệm, thực hiện trong thời gian từ 2017 đến 2019.
Cuốn sách "Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam đương đại sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học" bị tố vi phạm bản quyền
Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã có công văn giao Viện Văn học giải quyết đơn của TS Đỗ Hải Ninh theo thẩm quyền. Học viện Khoa học xã hội và Nhà xuất bản Khoa học phối hợp với Viện Văn học theo quy định.
Thực hiện chỉ đạo của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tại cuộc họp toàn cơ quan ngày 5-5, Viện trưởng Viện Văn học đã giao TS Trần Thiện Khanh, Phó Viện trưởng Viện Văn học, trực tiếp giải quyết đơn thư của TS Đỗ Hải Ninh.
Ngày 16-9, TS Trần Thiện Khanh đã gửi công văn báo cáo Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (Qua Ban Tổ chức cán bộ) về quá trình giải quyết đơn thư của TS Đỗ Hải Ninh. Tuy nhiên, trước khi gửi báo cáo cho Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, TS Trần Thiện Khanh đã không báo cáo với Viện trưởng Viện Văn học về nội dung công văn.
"Báo cáo này sau đó bị rò rỉ ra ngoài khiến dư luận nhầm lẫn đó là kết luận của Viện Văn học trong khi vụ việc vẫn đang trong quá trình xử lý mà chưa hề có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền" - văn bản của Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp nêu rõ.
Ngày 28-10, Viện trưởng Viện Văn học đã có công văn gửi lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trả lời công văn của Viện và báo cáo toàn bộ quá trình xem xét, giải quyết đơn thư của TS Đỗ Hải Ninh.
Trả lời chính thức TS Đỗ Hải Ninh, lãnh đạo Viện Văn học khẳng định nội dung đơn đề nghị và kiến nghị vào ngày 21-1 và 21-2 đề cập đến việc tranh chấp quyền tác giả giữa chị Ninh và TS Vũ Thị Trang liên quan đến đề tài cấp Bộ do TS Vũ Thị Trang làm chủ nhiệm và sau đó được xuất bản thành sách là có thật. Vì là sự việc có thật nên nội dung đơn kiến nghị, đề nghị của chị Ninh có cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Viện Văn học cũng khẳng định việc thực hiện đề tài khoa học và xuất bản công trình mà TS Đỗ Hải Ninh đề cập trong đơn đề nghị/ kiến nghị không thuộc quyền quản lý và giám sát của Viện Văn học.
Thời điểm diễn ra, vụ việc này thuộc phạm vi quản lý của hai đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Việt Nam là Học viện khoa học xã hội (cơ quan chủ trì đề tài) và nhà xuất bản khoa học xã hội (cơ quan xuất bản).
Kinh phí cấp cho đề tài và kinh phí cấp cho xuất bản đều do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phê duyệt.
"Vì thế, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chính là cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền trả lời đơn kiến nghị của TS Đỗ Hải Ninh"- lãnh đạo Viện Văn học khẳng định.
Lãnh đạo viện này cũng đề nghị bà Ninh trực tiếp gửi đơn kiến nghị lên Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam để xem xét, giải quyết. Trong quá trình xem xét, giải quyết vụ việc, nếu viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam có nhu cầu trưng cầu ý kiến của Viện Văn học, Viện sẵn sàng cử các chuyên gia, các thành viên trong Hội đồng khoa học tham dự và có nhận xét trung thực, khách quan về mặt chuyên môn.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, sau khi được trao giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, cuốn "Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của TS Vũ Thị Trang (Viện Văn học) đã bị "tố" vi phạm bản quyền.
Theo phản ánh của TS Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học) trên mạng xã hội, TS Vũ Thị Trang đã "đạo" 1 chương trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ "Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học" thuộc Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) mà TS Vũ Thị Trang chủ nhiệm đề tài, làm cùng với 5 người khác trong đó có TS Đỗ Hải Ninh.
Bình luận (0)