Tối 22-11, trong chương trình giao lưu với khán giả truyền hình HTV, NSND Ngọc Giàu đã tâm sự về người sáng tác bài "Dạ cổ hoài lang" - nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
NSND Ngọc Giàu và nhạc sĩ Cao Văn Lầu
"Từ lúc còn nhỏ, tôi đã nghe bài hát này do các nghệ sĩ tiền bối ca như cô Năm Phỉ, cô Sáu Bê… Bài hát nói về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc canh thâu. Từ bản "Dạ cổ hoài lang" mỗi câu 2 nhịp, các nghệ sĩ sau này chuyển lên 4 nhịp rồi 8 nhịp và thành bài vọng cổ đầu tiên" - NSND Ngọc Giàu cho biết.
Theo NSND Ngọc Giàu, 10 năm trước, khi tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo 90 năm bài "Dạ cổ hoài lang", bà gặp ông Cao Văn Bỉnh, con trai út của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bày tỏ: "Giới cổ nhạc và nghệ sĩ sân khấu cải lương cả nước nhớ ơn bác Sáu Lầu. Không có "Dạ cổ hoài lang" của bác Sáu thì không có bài vọng cổ ngày nay".
Nỗi niềm của người nghệ sĩ nhớ ơn tiền nhân đã nhiều lần được bà thổ lộ khi giao lưu với sinh viên, học sinh, trước khi ca bài "Dạ cổ hoài lang".
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu
NSND Ngọc Giàu kể hồi đó, nhạc sĩ Cao Văn Lầu cưới vợ được 3 năm mà không có con. "Tiếng ra, tiếng vào của gia đình buộc ông phải thôi vợ nhưng ông không đành. Ông gởi vợ đến một gia đình có tấm lòng nhân hậu, xót thương cho vợ chồng gặp phải cảnh đau lòng mà cho ở đậu qua ngày" – NSND Ngọc Giàu nhớ lại.
NSND Ngọc Giàu trong vở "Tình mẫu tử" của soạn giả Viễn Châu
Theo NSND Ngọc Giàu, bài "Dạ cổ hoài lang" khởi điểm từ nhịp 2. Song, khi hòa nhập đời sống sân khấu cải lương, bản nhạc được chuyển dần thành nhiều nhịp: Năm 1924 tăng lên nhịp 4, từ 1934 - 1944 lên nhịp 8, từ 1944 - 1954 lên nhịp 16, từ 1955 - 1964 tăng lên nhịp 32 rồi 64 nhịp từ năm 1965 đến nay.
Nhiều soạn giả, nhạc sĩ lấy cảm hứng từ bản nhạc này để sáng tác như: NSND Viễn Châu (tân cổ giao duyên), Vũ Đức Sao Biển ("Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang")...
""Dạ cổ hoài lang" thực sự trở thành một di sản mang tính cộng đồng và chúng ta mang ơn bác Sáu Lầu" – NSND Ngọc Giàu nhận định.
Bình luận (0)