xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"1917": Chiến tranh chưa bao giờ là câu chuyện cũ

Trước thềm lễ trao giải Oscar 92, phim "1917" được xem là phim sáng giá nhất cho giải Phim xuất sắc nhất, sau khi phim này giành được nhiều giải thưởng quan trọng của các giải được nhìn nhận là tiền Oscar

Ra rạp vào cuối mùa phim năm 2019, "1917" gây bất ngờ khi giành chiến thắng ở các hạng mục quan trọng như Phim chính kịch xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất cho Sam Mendes tại lễ trao giải Quả cầu vàng 2019. Ngày 2-2-2020, phim này tiếp tục được BAFTA vinh danh ở hạng mục Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất cũng như các hạng mục về âm thanh, thiết kế sản xuất, hiệu ứng hình ảnh đặc biệt…

1917: Chiến tranh chưa bao giờ là câu chuyện cũ - Ảnh 1.

Cảnh trong phim “1917” Ảnh: OSCAR

Không bằng tên gọi hấp dẫn, dàn minh tinh nóng bỏng hay một đề tài mới lạ mà bằng tài năng của mình, Sam Mendes đã biến đề tài chiến tranh thế giới trở thành câu chuyện về cuộc hành trình riêng tư của con người đơn độc băng qua chiến địa để sống sót và kể lại.

Chuyện phim bắt đầu trong không khí ngơi nghỉ giữa nhịp điên loạn của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Hai chàng lính là hạ sĩ Blake (Dean-Charles Chapman đóng) và hạ sĩ Schofield (George MacKay đóng) lãnh sứ mệnh quan trọng, chuyển bức thư hoãn kế hoạch tiến công của quân đội Anh. Đó là ngày 6-4-1917 (cũng là ngày Mỹ tham chiến).

Trước đó, hai chàng trẻ tuổi gần như chưa giáp mặt cái chết. Họ bị ru ngủ bởi chiến thắng cận kề được loan bởi quân Đồng minh, rằng quân Đức đang triệt thoái, dọn đường cho phe Đồng minh phản công giành chiến thắng quyết định. Nhưng đó chỉ là kế nghi binh của lính Đức, trong khi giờ tấn công sắp điểm và trong tình thế đường dây điện thoại đã bị cắt đứt hoàn toàn, Tướng quân (do diễn viên đoạt giải Oscar Colin Firth đóng) nhận được tin tất cả chỉ là cái bẫy, rằng quân của ông đang bị dụ vào một trận phục kích.

Dựa trên lời kể của Alfred Mendes, cựu chiến binh Đệ nhất Thế chiến, cháu trai của ông, tức đạo diễn Sam Mendes, đã tái dựng đoạn hồi ức đó bằng những thước phim hoành tráng, điều không thể thiếu trong các bộ phim chiến tranh.

"1917" kể một câu chuyện nhiều người biết, bối cảnh chiến tranh, những người anh hùng thầm lặng… Nhưng thứ khiến "1917" thành công chính là việc nó buộc khán giả soi tỏ quá khứ bằng chính đôi mắt của mình. Tài năng của Sam Mendes thể hiện ở chỗ ông đã khắc họa được cảnh địa ngục trần gian thông qua những thước phim công phu tái dựng một sự kiện chìm khuất trong những biến động lịch sử mà chiến tranh thế giới gây ra.

Xem "1917" có cảm giác như đang xem một vở kịch hơn là bộ phim, do những cảnh trí được dựng lên với không gian bao la rộng khắp, ở đó 2 người lính di chuyển nhưng không thoát ra ngoài không gian đó, tạo cảm giác con người mắc kẹt trong chiến tranh, loay hoay tìm lối thoát ra. Không gian được phân tầng, càng về sau càng có cảm giác đi xuống mãi, như con đường vào địa ngục. Chuyển đổi từ đại cảnh mênh mông của thiên nhiên với gam màu sáng sang những đô thị đổ nát, những cây cầu gãy với ánh lửa lập lòe, le lói trên nền đen sẫm của đêm.

Những thước phim liên tục, không cắt cảnh với các cú máy dài (long take) xuyên suốt trở thành đặc trưng của phim, gây được ấn tượng mạnh cho khán giả, nhất là cú "one-shot" ở gần cuối phim, khi giờ xuất quân đã điểm, nhân vật Schofield lao đi giữa chiến tuyến trong làn đạn của kẻ thù lẫn đồng đội để kịp báo tin dừng bắn. Anh va vào đồng đội, ngã, rồi đứng dậy, lại va vào đồng đội… tất cả được thực hiện bởi cú máy duy nhất, như thể chỉ ít phút nữa thôi, anh cũng sẽ lao ra khỏi màn hình, như thể giờ phút sinh tử sắp thoát ra khỏi không gian hư cấu điện ảnh để tiến thẳng vào hiện thực.

Bất chấp sự đơn giản của cốt truyện, "1917" vẫn đủ khả năng đưa khán giả đến tận cùng của cảm xúc, với tất cả sự nghiệt ngã của chiến tranh, làn ranh mong manh giữa sống và chết.

Bộ phim thực sự chứng minh rằng trong nghệ thuật, không có đề tài nào là cũ kỹ, nhất là những sự kiện lịch sử lớn, ảnh hưởng và thay đổi toàn thế giới như chiến tranh. Với "1917", Sam Mendes tìm lại được ánh hào quang của mình, sau những ồn ào tranh cãi với tác phẩm trước đó của ông.

Huỳnh Trọng Khang

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo