Trong khi một bộ phận tỏ ra hài lòng, không ít người lại có thái độ phẫn nộ vì thiếu vắng những diễn viên da màu và đạo diễn nữ trong danh sách đề cử.
Vai diễn vũ nữ thoát y của Jennifer Lopez trong phim “Hustlers” cực kỳ xuất sắc nhưng không có mặt trong danh sách đề cử Oscar 92 khiến nhiều người bức xúcẢnh: HOLLYWOOD REPORTER
Làn sóng tẩy chay với hashtag #OscarsSoWhite (Oscars toàn người da trắng) tràn ngập mạng xã hội. Phần đông bức xúc vì những diễn viên tài năng người Mỹ gốc Phi và châu Á như Jennifer Lopez (trong phim "Hustlers"), Lupita Nyong’o (phim "US"), Awkwafina (phim "The Farewell"), Park So Dam (phim "Parasite"), Song Kang Ho (phim "Parasite"), Eddie Murphy (phim "Dolemite Is My Name")... không có mặt trong danh sách đề cử Giải Oscar năm nay. Tiếc nuối lớn nhất của họ là vai diễn xuất sắc của Jennifer Lopez, vũ công thoát y trong "Hustlers". Từ năm ngoái, cô đã được giới chuyên môn ca ngợi bởi vai diễn xuất sắc này của mình, thậm chí còn được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Song, sau đề cử tại Quả cầu vàng và SAG, Jennifer Lopez không có tên ở cuộc đua Oscar 92. Beyoncé cũng không được trao cơ hội tranh giải dù trước đó, nhiều fan của "Queen Bee" nghĩ rằng ca khúc "Spirit" trong "The Lion King" sẽ nhận được đề cử hạng mục Ca khúc chủ đề xuất sắc.
Giống như giải Quả cầu vàng vừa qua, hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất của giải Oscar lần này cũng không có "bóng hồng" nào được đề cử. Thậm chí, 2 gương mặt sáng giá của nền điện ảnh thế giới trong năm qua là Greta Gerwig (phim "Little Women") và Lulu Wang (phim "The Farewell") cũng không được đề cử. Ở hạng mục Phim hay nhất, các ý kiến chỉ trích chỉ ra ngoại trừ "Parasite", các tác phẩm được đề cử Phim hay nhất đều nói về người da trắng. Chỉ có một đề cử cho diễn viên da màu, bất chấp một loạt màn trình diễn tuyệt vời từ các diễn viên gốc Phi, Latin và châu Á trong năm.
Dù vậy, những tranh cãi ở các giải thưởng, đặc biệt là Oscar, từ trước đến nay đều xuất phát từ cảm nhận mang tính suy đoán cá nhân. Vậy nên, sự phản đối, thậm chí hằn học, đôi khi cũng chỉ bắt nguồn từ tình yêu quá lớn của một bộ phận khán giả dành cho thần tượng hay vai diễn nào đấy. Trong khi đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ luôn ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh của mình. Đó là uy tín và danh dự của họ. Vì thế, chất lượng tác phẩm luôn được đặt lên trên hết. Dù đâu đó vẫn có ý kiến cho rằng chính trị đang chi phối nghệ thuật nhưng hãy cứ tin rằng bất cứ màu sắc chính trị nào cũng phải dựa trên chất lượng có thật của một tác phẩm để xem xét. Không thể nào có chuyện một tác phẩm dở tệ lại được lựa chọn cho giải thưởng chỉ vì phục vụ tốt cho mục đích khác ngoài nghệ thuật. Điều này cho thấy phong trào đòi quyền lợi hay chỉ trích Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ ưu ái diễn viên da trắng hơn da màu, coi trọng nghệ sĩ nam hơn nữ vẫn chỉ là suy diễn, còn thể hiện phần nào suy nghĩ phân biệt. "Trắng" hay "đen" đều sẽ trở nên lu mờ trước chất lượng của một tác phẩm. Đó là sứ mệnh mà người làm nghệ thuật đều muốn theo đuổi, nhà tổ chức Giải Oscar cũng vậy.
Bình luận (0)