Tác giả Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của tác giả Lưu Quang Vũ, Nhà hát Tuổi Trẻ tổ chức biểu diễn những vở nổi tiếng của ông như: "Lời nói dối cuối cùng", "Hoa cúc xanh trên đầm lầy", "Ai là thủ phạm?", "Lời thề thứ 9" từ ngày 4-8 đến 1-9 tại Hà Nội.
NSND Đoàn Dũng trăn trở: "Sự ra đi của Lưu Quang Vũ đã để lại một khoảng trống lớn cho văn học, nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là lĩnh vực sân khấu và thơ - nơi mà anh và Xuân Quỳnh đã có những thành công chói sáng. Theo tôi, sân khấu mất Lưu Quang Vũ nhưng vẫn chưa giữ được tinh thần sáng tác của anh. Bằng tài năng và sức làm việc phi thường, anh đã sáng tạo các kịch bản xuất sắc, tạo nên một thời kỳ thăng hoa của sân khấu Việt Nam. Sân khấu kịch và cải lương rất cần những tác phẩm như tinh thần chiến đấu mang tính chất xây dựng của Lưu Quang Vũ. Chúng ta chạy theo thành tích hội diễn, liên hoan quá nhiều mà không xây dựng đội ngũ sáng tác thật tâm đặt vào ngòi bút những vấn đề bức xúc của cuộc sống, xã hội. Ta tốn tiền tỷ để đầu tư cho hội diễn, liên hoan nhưng có bao nhiêu tác phẩm chạm đến nỗi niềm của người dân hôm nay như Lưu Quang Vũ?".
Cảnh trong vở "Bệnh sĩ" của tác giả Lưu Quang Vũ
Theo NSND Kim Cương, đã có nhiều bài viết, hồi ức, công trình nghiên cứu về Lưu Quang Vũ nhưng cần triển khai những tác phẩm còn dở dang của tác giả này. "Bút pháp của Lưu Quang Vũ đa dạng, đầy sự biến tấu. Chất thơ và sự tinh tế trong cảm nhận thấm đẫm của truyện ngắn mà Lưu Quang Vũ đã viết cũng có thể chuyển thể thành kịch, thành phim" - NSND Kim Cương nhận xét.
NSND Kim Cương cho rằng những truyện ngắn đầu tay thì người đọc nhận thấy tình quê hương, tình người thấm đẫm qua cái nhìn hết sức trong sáng của Lưu Quang Vũ; còn những truyện ngắn ông sáng tác những năm sau này, trước khi xảy ra vụ tai nạn, đã có sự thay đổi đáng chú ý, đó là phản ảnh trăn trở, suy tư của con người trong đời sống đổi mới của xã hội.
PGS-TS Trần Yến Chi kỳ vọng: "Hàng loạt công trình, vở diễn liên quan đến Lưu Quang Vũ sẽ là kho tàng quý nếu lưu trữ tốt. Việc ghi hình lại không khó và các nhân vật sống, những nghệ sĩ, đạo diễn từng làm việc và chung sức làm nên những tác phẩm sân khấu của Lưu Quang Vũ vẫn còn. Họ sẽ nói về những khuôn mẫu mà mình đã có phần đóng góp để làm công tác đào tạo nguồn diễn viên, đạo diễn trẻ. Tinh thần chiến đấu, phản biện cuộc sống, lên án sự quan liêu, tham nhũng, những rào cản khiến cuộc sống đạo đức bị băng hoại trong kịch bản của Lưu Quang Vũ rất cao. Tôi kỳ vọng vào sự lưu trữ để tiếp sức cho công tác đào tạo hiện nay và sau này".
Cảnh trong vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của tác giả Lưu Quang Vũ
Theo NSND Hồng Vân, sức hấp dẫn và khả năng thu hút của kịch Lưu Quang Vũ trước hết là ở tính phản biện cuộc sống. NSND Hồng Vân đặt kỳ vọng vào đội ngũ sáng tác trẻ hiện nay. Họ rất cần sự dấn thân, đưa vào kịch bản tính dự báo, đối thoại và khát vọng đổi mới.
Trong khi đó, NSƯT Nguyễn Công Ninh cho rằng những tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng nhất của cuộc sống đương đại. Điều này đem đến cho khán giả ngọn lửa yêu sân khấu vì những vở mà họ được xem đã có sự khát vọng, buộc họ phải suy nghĩ, phải hành động và dám vượt lên mọi khó khăn, thử thách để đổi mới.
"Kịch Lưu Quang Vũ không dừng lại ở những thuyết lý, khẩu hiệu mà làm bật lên quy luật phát triển của đời sống thông qua những xung đột, những chi tiết sống động và đắt giá. Hiện nay, nhiều tác giả sân khấu trẻ đã học theo cách này để sáng tác. Tuy nhiên, rất phí phạm nếu cứ duy trì những trại sáng tác tốn kém mà kịch bản, đề cương không đạt hiệu quả. Trong khi đó, sân khấu hôm nay đòi hỏi phải có thật nhiều ngòi bút dám nói thẳng, nói thật với đề tài tham nhũng như Lưu Quang Vũ đã sáng tác" - người thầy của nhiều diễn viên trẻ hiện nay kỳ vọng.
Cảnh trong vở "Trái tim trong trắng" của tác giả Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ sinh ngày 17-4-1948 tại Phú Thọ, quê gốc ở Đà Nẵng. Ông nổi tiếng trên văn đàn từ năm 20 tuổi, khi đang tham gia quân ngũ, với tập thơ "Hương cây - Bếp lửa" (in cùng Bằng Việt).
Không chỉ tài hoa, độc đáo trong lĩnh vực thi ca, văn xuôi, Lưu Quang Vũ còn viết báo, sáng tác kịch bản. Đầu những năm 1980, Lưu Quang Vũ chuyển hướng và nhanh chóng trở thành một hiện tượng nổi bật trong lĩnh vực sân khấu. Trong khoảng thời gian gần 10 năm, ông đã sáng tác hơn 50 vở kịch - một khối lượng đồ sộ khiến các nghệ sĩ cùng thời kinh ngạc.
Bình luận (0)