NSƯT Minh Vương và Mỹ Châu
Trong cuộc đời ca diễn, NSƯT Minh Vương may mắn có được nhiều nữ bạn diễn ăn ý. Nếu các vở tâm lý xã hội, khán giả yêu thích ông diễn với NSND Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Ngọc Giàu..., thì cải lương tuồng cổ ông say mê với "ngũ nương võ lâm".
Năm cô đào võ đó là ai?
Ông chia sẻ: "Đào võ có xuất phát điểm từ những tuồng thầy dựa theo tích truyện từ sân khấu hát bội. Trước 1968, khi hai nghệ sĩ tiền bối là NSND Thành Tôn và NS Khánh Hồng chưa sửa lại tên gọi cải lương tuồng cổ thì dân trong nghề vẫn gọi là "cải lương Hồ Quảng". Đến khi đất nước thống nhất, có một thế hệ nữ nghệ sĩ trưởng thành từ đồng ấu Minh Tơ, đồng ấu Hoa thế hệ, Kim Chưởng, Kim Chung, Thống Nhất… đã sáng tạo phong cách diễn đào võ. Tôi say đắm 5 nữ đào võ xuất sắc gồm: Mỹ Châu, Thanh Thế, Diệu Hiền, Phượng Mai và Bạch Lê".
Các nữ nghệ sĩ của sân khấu cải lương tuồng cổ có nhiều vai đào võ hay như: Bạch Mai, Bo Bo Hoàng, Thanh Thế, Thanh Hoàng...
Theo NSƯT Minh Vương, sân khấu cải lương với cái vai diễn đào võ in đậm dấu ấn các nghệ sĩ tên tuổi như: Xuân Yến, Thanh Loan, Lệ Thủy, Đỗ Quyên, Bạch Mai, Ngọc Đáng, Bo Bo Hoàng... và sau này là Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ, Trinh Trinh, Quế Trân, Tú Sương, Bình Tinh, Lê Thanh Thảo. Thế nhưng, ông chọn 5 nữ nghệ sĩ trên vì họ được đánh giá cao và có nhiều vai đào võ để đời. Ông từng đóng chung từ sàn diễn cho đến cải lương video với 5 cô đào này.
NS Thanh Thế và NSND Bạch Tuyết
"NSUT Mỹ Châu là một trường hợp đặc biệt của sân khấu cải lương tuồng cổ. Xuất thân từ sàn diễn chuyên hát thể loại hương xa, giả sử nên khi Mỹ Châu diễn đào võ trong các vở, như: "Sở Vân cứu giá", "Sở Vân cưới vợ", "Kiếm sĩ dơi", "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn"… đã in sâu vào tâm trí người xem về khả năng ứng biến tài tình" – ông nhận xét.
NSƯT Diệu Hiền lúc trẻ
Nói về NSUT Diệu Hiền, một "khôi nguyên vọng cổ", NSƯT Minh Vương thổ lộ: "Hiếm có nữ nghệ sĩ nào lại diễn đạt những vai tính cách mạnh mẽ, vượt qua sự yếu đuối vốn có của một phụ nữ như chị Diệu Hiền".
Quả nhiên, nhắc đến nữ nghệ sĩ này phải nói đến các vai đào võ nổi bật, như: Bùi Thị Xuân (vở cùng tên), Triệu Thị Trinh ("Nhụy Kiều tướng quân"), Trưng Trắc ("Mê Linh tụ hội"), Lê Chân ("Nữ tướng Lê Chân")…
NS Thanh Thế và NSƯT Bửu Truyện lúc trẻ
Còn NS Bạch Lê (chị ruột của NSƯT Thành Lộc), NSƯT Minh Vương nói đó là sự kết hợp tuyệt đẹp giữa nội tâm và vũ đạo. Theo ông, nhắc đến những vai đào võ của Bạch Lê, không thể quên các vai, như: Đào Tam Xuân, Thần nữ, Phàn Lê Huê, Phi Long…
NS Bạch Lê - Thanh Bạch
Hiện nay Bạch Lê đang định cư tại Pháp, dù làm công việc ở một hãng sản xuất nước hoa nhưng cô và chồng là NS Thanh Bạch (em ruột NS Bạch Mai – đoàn Huỳnh Long) vẫn khao khát nhớ nghề.
Cũng phải xa sàn diễn trong nước, sống định cư ở hải ngoại, NS Phượng Mai vẫn miệt mài truyền nghề cho lớp diễn viên trẻ. "Phượng Mai nổi tiếng sớm nhờ ý thức theo gia tộc. Cô nổi lên từ những vai đồng ấu, để lại dấu ấn sâu đậm qua các vai: Đào Tam Xuân, Phàn Lê Huê, Thần nữ, Sở Vân…. Nét diễn mang tính mạnh bạo, đôi lúc uyển chuyển tạo được nét thanh xuân cho mỗi vai diễn mà cô thể hiện" - Minh Vương nhìn nhận.
NS Phượng Mai
Riêng NS Thanh Thế là cô đào tài sắc của giai đoạn "cải lương tuồng cổ" rực rỡ thời hoàng kim. "Chị và ông xã – NSUT Bửu Truyện, đã hết lòng dìu dắt đàn em đến với nghề. Thanh Thế học bên cánh gà những nữ tài danh đi trước như: Năm Đồ, Ba Út, Phùng Há, Bảy Sự…nên cách ca diễn của chị phần nào được tích lũy từ những tinh hoa mà người lớn đi trước đã truyền dạy" - danh ca Minh Vương đánh giá.
Nhắc lại 5 nữ đào võ tài sắc, NSƯT Minh Vương mong mỏi "Ngũ nương võ lâm" 5 sẽ mãi tỏa sáng trong lòng khán giả mộ điệu và là tấm gương lao động nghệ thuật đối với diễn viên trẻ.
NSƯT Mỹ Châu và NS Phượng Mai
Bình luận (0)