Cuộc cạnh tranh của các sản phẩm âm nhạc ngày càng gay cấn và thú vị bởi sự đầu tư nâng cao chất lượng cùng nội dung độc đáo. Bất chấp doanh thu và vốn đầu tư trong từng sản phẩm đang chênh lệch khá lớn, ca sĩ vẫn không hề bận tâm vì thực tế, sản phẩm của họ đã có "đại gia" thương mại điện tử chống lưng.
Dự án "Đi cùng sao Việt"
Dù ca sĩ Trúc Nhân khẳng định "dốc toàn lực, chơi khô máu" cho các sản phẩm tâm huyết của mình nhưng khán giả không khó nhận ra người dốc tiền cho MV (video ca nhạc) "Sáng mắt chưa" của anh là Tiki, khi thương hiệu bán hàng qua mạng này xuất hiện "rõ đến từng chi tiết" trong MV. Nhưng điều đó cũng không hề gì bởi cuối cùng, sản phẩm "Sáng mắt chưa" vẫn được đánh giá cao về chất lượng, vượt lên vị trí dẫn đầu tốp trending (xu hướng thịnh hành) của YouTube Việt Nam. Với khán giả, chất lượng sản phẩm mới là điều quan trọng nhất.
"Sáng mắt chưa" là một trong những sản phẩm nằm trong dự án "Tiki đi cùng sao Việt" - dự án tài trợ dành cho những sản phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt ở nhiều lĩnh vực, nổi bật là âm nhạc. Dự án này được mở đầu bằng sản phẩm âm nhạc "Lửng lơ" của 2 giọng ca tên tuổi thuộc thế giới "underground" là Masew và BRay. Sau đó là hàng loạt sản phẩm: "Rước đèn tháng tám" (Hồ Hoài Anh - Lưu Hương Giang; nhóm The Voice Kids; R.Tee), "Bạc phận" (K-ICM và Jack), "Đừng yêu nữa, em mệt rồi" (Min), "Anh ơi ở lại" (Chi Pu), "Yêu được không" (Đức Phúc), "Sáng mắt chưa" (Trúc Nhân)…
Với sự đón nhận nhiệt tình của khán giả, những MV này đã nhanh chóng góp mặt vào tốp trending YouTube. Thậm chí, nhiều sản phẩm âm nhạc của Đức Phúc, Min, Chi Pu, K-ICM và Jack, Trúc Nhân... đều từng chiếm lĩnh vị trí đầu tốp trending YouTube Việt Nam. Ông Bùi Ngọc Hiển, Giám đốc truyền thông và thương hiệu Tiki, xác nhận dự án "Đi cùng sao Việt" sẽ tài trợ cho 100 sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ Việt. "Đúng là việc tài trợ làm MV ca nhạc thì các nhãn hàng khác làm rồi, chúng tôi không phải tiên phong. Nhưng chúng tôi sẽ có cách làm khác. Là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, việc khuyến mãi như nhiều đơn vị khác là chưa đủ. Vậy nên, Tiki quyết định đầu tư cho âm nhạc, chúng tôi muốn "đánh" vào một yếu tố quan trọng đó là tinh thần, mà âm nhạc chính là cách chăm sóc tinh thần" - ông Bùi Ngọc Hiển nói.
Thực tế, việc tài trợ tiền làm MV ca nhạc không mới. Nhưng phần lớn các nhãn hàng chỉ tài trợ cho những nghệ sĩ thương hiệu theo hình thức tài trợ cho gương mặt đại diện của sản phẩm là chính. Như Oppo cho Hồ Ngọc Hà, Biti’s cho Sơn Tùng M-TP, Audi cho Noo Phước Thịnh... Bên cạnh đó, giới ca sĩ cũng khẳng định nhãn hiệu ngày càng khó khăn trong việc chi tài trợ cho sản phẩm nghệ thuật. Nhiều dự án âm nhạc chỉ nằm trên giấy vì không thể tìm được nhà tài trợ. Tính theo giá thị trường hiện nay, một MV cần phải đầu tư vài tỉ đồng, ít nhất cũng 500-700 triệu đồng là bình thường. Doanh thu từ YouTube (dù mỗi sản phẩm đều đạt từ vài chục đến vài trăm triệu view) vẫn không thể bù chi. Thế nên, việc có "ông lớn" chống đỡ tài chính như Tiki là điều may mắn cho ca sĩ. Khi không bị chi phối bởi áp lực tài chính, những sản phẩm âm nhạc được thực hiện đều bay bổng hơn về ý tưởng, nhiều sáng tạo và táo bạo hơn về nội dung. Điều đó góp phần nâng tầm chất lượng cho thị trường MV Việt. Suy cho cùng, khán giả cần sản phẩm chất lượng và nghệ sĩ cũng cần có sản phẩm được ghi nhận để tồn tại.
Cảnh trong MV trăm triệu view có Tiki tài trợ “Bạc phận” của K-ICM và Jack. (Ảnh cắt từ MV)
Ý tưởng quảng bá "khôn ngoan"
Trong cuộc đua không hồi kết giữa các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo…, việc tạo nên sự khác biệt như Tiki đang làm được người trong giới đánh giá là "khôn ngoan". Thực tế, bộ ba dẫn đầu thị trường thương mại điện tử (Shopee, Tiki và Lazada) đều tận dụng người nổi tiếng để thu hút khách hàng theo những cách khác nhau. Shopee nhờ các gương mặt ăn khách trong nghệ thuật, thể thao làm đại diện quảng cáo, viết lời lại ca khúc "Baby Shark" thì Lazada thuê người có ảnh hưởng để tổ chức các buổi livestream bán hàng.
Theo thống kê gần đây của YouTube, Việt Nam là một trong 5 thị trường lớn nhất của YouTube. Trung bình, người Việt dành hơn 100 phút/ngày trên YouTube để xem các nội dung giải trí, trong đó, các MV là phổ biến nhất. Thay vì chỉ chạy quảng cáo và dễ dàng bị khách hàng bấm nút bỏ qua, thậm chí là khó chịu, việc đưa thương hiệu vào hàng trăm MV thuộc nhóm được yêu thích với các nghệ sĩ có đông người hâm mộ dường như là cách làm khôn ngoan hơn. Cách làm triệt để của Tiki với chiến lược "độc quyền" và trải trên diện rộng đã mang lại hiệu quả khác biệt.
Tất nhiên, nhãn hàng có tác động vào lượt view của sản phẩm vì việc đồng hành với sản phẩm ăn khách cũng là cách quảng bá hiệu quả thương hiệu của mình. Nhưng không thể khẳng định có hay không chuyện chạy view trong những MV trăm triệu view có Tiki tài trợ. Thực tế, nhãn hàng luôn có kế hoạch quảng bá và truyền thông cho sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ bằng nhiều hình thức, từ phát ca khúc liên tục trong hệ thống cửa hàng bán lẻ (cũng là một cách tăng view) tới việc làm quà tặng khuyến mãi sản phẩm cho khách hàng như USB, CD, DVD...
Cũng không ít ý kiến phàn nàn về sự xuất hiện lộ liễu của những gói hàng có dán nhãn Tiki trong các sản phẩm âm nhạc nói trên. Điểm chung của các MV này là có cảnh nhân viên giao kiện hàng đóng logo Tiki, cuối ca khúc là thông tin thương hiệu. Ngay khi sản phẩm âm nhạc có bối cảnh xuyên không như "Anh ơi ở lại" của Chi Pu lại xuất hiện anh shipper gửi hộp quà Tiki thì quả thật lộ liễu và có phần phản cảm. Trước phàn nàn này, phía Tiki khẳng định: "Để hướng tới tính nghệ thuật cao hơn, chúng tôi sẽ cố gắng để thương hiệu xuất hiện tinh tế hơn".
Chiến lược giành khách mới
Theo báo cáo thường niên của VNG năm 2018, Tiki lỗ 757 tỉ đồng, nâng lỗ lũy kế lên khoảng 1.300 tỉ đồng. Vậy nên, việc đầu tư vào hàng trăm sản phẩm âm nhạc chính là chiến lược quảng cáo, phát triển khách hàng mới trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán hàng trực tuyến. Trong các MV có sự đầu tư của Tiki, hầu hết các nghệ sĩ đều sở hữu lượng lớn khán giả trẻ. Lượng khán giả này bắt đầu làm chủ tài chính và quan tâm đến việc chi tiêu, mua sắm. Đây chính là cách tạo lập lượng khách hàng mới tiềm năng để phát triển trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử những năm qua chấp nhận lỗ liên tục để kéo khách.
Bình luận (0)