Ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, được xác định là người đã trực tiếp thương lượng với hãng đấu giá Millon của Pháp để mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo"
Được biết, ngay khi biết tin hãng Millon (Pháp) thông tin về việc đấu giá ấn "Hoàng đế chi bảo" giá khởi điểm từ 2-3 triệu Euro, ông Nguyễn Thế Hồng đã chủ động sang đăng ký tham dự đấu giá. Tuy nhiên, sau đó nhận thấy nếu đấu giá thì không thể mua được ấn vàng nên đã liên lạc với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Bắc Ninh đề nghị được giúp đỡ.
Nhờ sự phối hợp hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, cuộc đấu giá đã được hủy bỏ và chuyển thành đàm phán, thương lượng mua trực tiếp.
Ông Nguyễn Thế Hồng (bìa phải) đã ký kết thành công hợp đồng mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo với nhà đấu giá Millon
Kết quả sau quá trình thương lượng, ông Nguyễn Thế Hồng đã mua thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo với giá hơn 6,1 triệu euro.
Hợp đồng chuyển giao hiện vật đã được ký kết. Ấn vàng dự kiến về Việt Nam vào khoảng tháng 5 năm nay.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau khi có thông tin ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của triều Nguyễn được đấu giá tại Pháp, Bộ VH-TT-DL đã cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan tìm kiếm giải pháp hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở về đất nước.
Ông Nguyễn Thế Hồng (thứ năm từ trái sang) đã ký kết thành công hợp đồng mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo với nhà đấu giá Millon
Ngày 30-8-1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định trao lại cho ông để bàn giao cho chính quyền cách mạng.
Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn, kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9-1945.
Bình luận (0)