xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Áng mây vàng" bay vào cõi thiên thu

Nguyễn Thụy Kha

Không chỉ mang kiến thức bác học vào sáng tác giai điệu, vào phối khí, nhạc sĩ Hoàng Vân còn sừng sững những tác phẩm phối khí, nhạc múa, nhạc phim

Tin nhạc sĩ Hoàng Vân từ trần vào giờ chính Dần (4 giờ) ngày 4-2 loan nhanh trong một bình minh giá lạnh của ngày cuối đông Hà Nội không ngăn nổi một thoáng rưng rưng, bùi ngùi thương tiếc.

Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ. Ông sinh vào mùa hè năm 1930 tại phố cổ Hà Nội. Giữa lúc chàng trai 16 tuổi đang ôm mộng họa sĩ khi tham gia dự thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì chiến tranh ập tới ngay phố cổ Hà Nội. Giũ bỏ ước ao với sắc màu và đường nét, Hoàng Vân lao vào những chiến lũy Hà Nội với đôi chân liên lạc viên.

Có lẽ cuộc trường kỳ kháng chiến thần thánh đã buộc chàng trai phố cổ đa tài phải hát lên những lời ca ngợi. Ngay từ năm 1951 cho đến khi Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Vân đã có những ca khúc nóng hổi hơi thở chiến tranh như "Chiến thắng Hòa Bình", "Tin chiến thắng", "Chiến thắng Tây Bắc", đặc biệt là điệu hò mới: "Hò kéo pháo". Ngay từ những sáng tạo đầu tiên, người nghe đã nhận ở ông một âm hưởng tráng ca riêng biệt thường vút lên trong một khoảng tám đúng như "chiều xuống trên cánh đồng trên phố phường vang vang tiếng hát" hay "Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo"…

Áng mây vàng bay vào cõi thiên thu - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Hoàng Vân Ảnh: TƯ LIỆU

Nhận ra tài năng âm nhạc của Hoàng Vân, sau khi giải phóng thủ đô, nhà nước đã cử ông đi tu nghiệp âm nhạc tại Nhạc viện Bắc Kinh - Trung Quốc. Năm 1960, khi trở về, Hoàng Vân trở thành chỉ huy kiêm phối khí, chỉ đạo nghệ thuật Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và làm giảng viên dạy sáng tác, phối khí tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trong thời kỳ này, nhiều ca khúc của các tác giả ở chiến trường Việt Nam như Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn, Hoàng Việt, Lưu Hữu Phước… đều qua bàn tay phối khí và chỉ huy dàn dựng của Hoàng Vân.

Cũng trong những năm tháng ấy, Hoàng Vân bắt đầu dâng hiến cuộc đời cho cuộc chiến đấu thống nhất đất nước qua những tác phẩm âm nhạc đầy cá tính sáng tạo của mình. Người nghe lại thấy những khoảng tám đúng trong giai điệu của ông qua trường ca "Tôi là người thợ lò": "Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ", qua hợp xướng "Hồi tưởng": "Tổ quốc đời đời con ghi nhớ công ơn"… Những khoảng tám đúng như những cột trụ trong lâu đài âm nhạc Hoàng Vân. Không gian sáng tạo âm nhạc Hoàng Vân cũng thật rộng mở.

Vừa thấy giai điệu tuyến lửa của ông vang lên trong "Bài ca giao thông vận tải", lại thấy ông da diết với "Quảng Bình quê ta" và bất ngờ ngược lên miền núi cao qua "Nổi trống lên rừng núi ơi!". Thoắt một chút là lại về quê lúa đồng bằng châu thổ Bắc với "Cô gái Thái Bình - Cô gái Việt Nam". Âm thanh chiến tranh tràn ngập trong giai điệu Hoàng Vân thời chống Mỹ, khi thì "Bài ca pháo kích", "Bài ca sau tay lái" với bút danh Hoàng Vân; lúc là "Tiếng cồng giải phóng - Tiếng cồng chiến thắng", "Trên đường tiếp vận" với bút danh Y Na.

Tôi không rõ bút danh Hoàng Vân được ông lấy cho mình từ cơn cớ nào nhưng Y Na thì chính xác là ba chữ đầu ghép của cụm từ "Yêu Ngọc Anh". Ngọc Anh là nữ bác sĩ và là người vợ thân yêu của ông.

Hoàng Vân viết ca khúc thiếu nhi và ca khúc phổ thơ cũng rất đặc biệt. Tuổi thơ thời chống Mỹ ai mà không nhớ "Mùa hoa phượng nở": "Tu hú kêu - tu hú kêu - hoa phượng nở - hoa gạo nở đầy ước mơ hy vọng". Còn ca khúc phổ thơ, ai mà chả từng nghêu ngao "Hà Nội - Huế - Sài Gòn": "Trên đất mẹ nắng hồng như lụa"... Câu thơ Lê Nguyên (nhà thơ họ hàng với nhạc sĩ) qua giai điệu Hoàng Vân bay bổng khắp xứ sở những ngày chia cách. Bên cạnh đấy là "Những cánh buồm" (thơ: Hoàng Trung Thông), "Nhớ" (Nguyễn Đình Thi), "Bài ca tâm tình người thủy thủ" (thơ: Hà Nhật)…

Không chỉ mang kiến thức bác học vào sáng tác giai điệu, vào phối khí, Hoàng Vân còn sừng sững những tác phẩm phối khí, nhạc múa, nhạc phim. Giao hưởng "Thành đồng Tổ quốc" của ông được ấn hành ở Cộng hòa Dân chủ Đức và Bulgaria. Còn "Hành khúc con voi" viết cho kèn basson thì ấn hành ở Moscow - Nga.

Sáng tạo của Hoàng Vân luôn lấy tinh chất từ những làn điệu dân ca cổ truyền của dân tộc ta. Nó lại được cấu trúc, phát triển bằng tư duy kinh viện trong phóng khoáng, tung tẩy của một tài năng âm nhạc lớn, rất cập nhật với thời đại. Ấn tượng ấy thật rõ ràng, nhất là sau khi Hoàng Vân đi thực tập ở nhạc viện Sofia (Bulgaria) trở về những năm đầu thống nhất đất nước. Ái Vân nhờ "Bài ca xây dựng" của ông mà đoạt giải Liên hoan Nhạc nhẹ tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông đã thăng hoa từ "Tiếng cồng giải phóng - Tiếng cồng chiến thắng" khi xưa đến "Tình ca Tây Nguyên" đầy duyên dáng và đằm thắm thời hậu chiến.

Vừa dâng hiến trong những sáng tạo âm nhạc của riêng mình, Hoàng Vân còn góp phần không nhỏ đào tạo các thế hệ nhạc sĩ. Một Trần Tiến vạm vỡ hôm nay không thể nào không nhớ tới thầy Hoàng Vân. Ngay cả trong một lớp bồi dưỡng sáng tác ca khúc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức mà Hoàng Vân phụ trách cũng mang tới thành công cho Lê Vinh qua "Hà Nội và tôi", Trương Quý Hải với "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" (thơ: Bùi Thanh Tuấn)… Ở hội, ông là một trưởng ban sáng tác thanh nhạc mà! Nối nghiệp chỉ huy của ông là cậu con trai Lê Phi Phi - nhạc trưởng dàn nhạc Macedonia. Còn cô gái Lê Y Linh thì lại ngoặt sang nghiên cứu âm nhạc cổ truyền.

Hoàng Vân với tài năng âm nhạc của mình đã được tôn vinh qua Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Ở tuổi 89, "áng mây vàng" đã bay vào cõi thiên thu, để lại bao tiếc thương...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo