Ngày Tết cổ truyền dân tộc, đi trên các đường phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, không khó để gặp hình ảnh phụ nữ mặc áo dài du Xuân. Còn ở các miền quê, tà áo dài cũng được các chị, các mẹ mặc khi đến lễ chùa đầu năm hay các bô lão khăn đóng áo dài đến nhà thờ họ.
Phục hưng một di sản
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết áo dài đúng nghĩa - áo ngũ thân được sinh ra tại Huế từ nửa đầu thế kỷ 18, gắn liền với vai trò đặc biệt của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Tên gọi Áo dài Huế có lẽ cũng bắt đầu từ đây. Đến giữa thế kỷ ấy, áo ngũ thân đã phổ biến ở toàn bộ Đàng Trong, và sang giữa thế kỷ 19, loại trang phục này đã phổ biến rộng khắp trên toàn cõi Đại Nam, trở thành quốc phục của người Việt, với cả nam và nữ.
Trang phục áo dài nam được phục dựng trong lễ tri ân Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát
Thời Nguyễn, Huế xứng danh là Kinh đô áo dài của đất nước bởi là nơi tập trung các loại hình trang phục áo dài phong phú và đẹp nhất, từ các loại triều phục, phẩm phục dành cho vua chúa, hoàng gia, quan lại quý tộc; nhung phục dành cho võ quan, binh lính; tế phục, tang phục và thường phục dành cho mọi tầng lớn nhân dân. Nghĩa là áo dài đã sinh ra từ Huế, tỏa sáng ở Huế, trở thành biểu trưng của một chế độ văn minh "Y quan rực rỡ", biểu tượng cho sự thống nhất về văn hóa của dân tộc.
Ông Hải khẳng định rằng việc xây dựng thương hiệu "Huế- Kinh đô áo dài Việt Nam" là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, để nó tỏa sáng như trước đây. Đặc biệt, sự tỏa sáng của "Kinh đô áo dài" không chỉ là thương hiệu về văn hóa mà còn vì sự phát triển bền vững của chính Thừa Thiên Huế, một vùng đất rất giàu có về di sản.
Nam nữ áo dài trong lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát
"Phục hưng áo dài để mỗi khi nghĩ đến Huế là người ta phải nghĩ đến xứ sở của áo dài. Như vậy để tạo cảm giác cho du khách phải khát khao được đến Huế để nhìn ngắm, trải nghiệm mặc áo dài, may áo dài cho bản thân và làm quà tặng cho bạn bè, người thân" – ông Hải nhấn mạnh. Với mục tiêu đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã giao cho Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì triển khai Đề án Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam.
Tà áo dài thướt tha
Theo ông Hải, Phục hưng áo dài là để từng bước đào tạo, bồi đắp, nâng tầm các nghệ nhân áo dài của Huế, để Huế có một đội ngũ nghệ nhân tài hoa, nổi tiếng, góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu văn hóa Huế. Tuy nhiên, việc phục hưng Huế - kinh đô áo dài không phải là vấn đề dễ dàng. Nếu chiếc áo dài nữ may mắn được nhìn nhận và phục hưng một cách ngoạn mục, thậm chí đã trở thành biểu tượng về vẻ đẹp trang phục của người phụ nữ Việt Nam, thì chiếc áo dài nam lại có "số phận" trái ngược.
Áo dài ngũ thân trong lễ hội áo dài và lễ hội ẩm thực Huế 2020
Cho đến nay, trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ người Việt, áo dài nam vẫn bị gán ghép, đánh đồng với những gì được xem là cổ hủ, lạc hậu. Rất may là trong vài năm trở lại đây, áo dài nam đã từng bước được "giải oan", được đối xử bình đẳng với áo dài nữ. Phong trào nghiên cứu, phục hồi cổ phục bao gồm cả áo dài nam và nữ, đưa di sản này vào cuộc sống đương đại đã được đông đảo giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Và Huế là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào này.
Hướng tới di sản của thế giới
Nhằm từng bước phục hưng lại tà áo dài nam, trong năm 2020, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thử nghiệm, ra mắt bộ áo dài ngũ thân được công chức mặc đến công sở làm việc tại ngày thứ hai đầu tiên của tháng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế, người đã có nhiều nghiên cứu về áo dài truyền thống Huế, đánh giá rất cao về hoạt động này. Ông cho rằng đó là điều đáng khuyến khích bởi Việt Nam cần nỗ lực rất lớn nhằm chấn hưng văn hóa dân tộc khi rất nhiều hình thức mang giá trị bị mai một.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng thường xuyên mặc áo dài trong những dịp đặc biệt
Ông Hoa khẳng định rằng áo dài nam ở Huế có những đặc trưng khác hơn những vùng miền khác bởi từng là kinh đô nên trang phục kinh kỳ dành cho vua quan, một trong những nét đẹp truyền thống, quốc phục Việt Nam một thời.
Trong năm 2021, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế đặt ra mục tiêu khẳng định giá trị, vị trí của áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất cố đô và văn hóa Việt Nam. Tôn vinh nét đẹp văn hóa của áo dài Huế, tôn vinh những người khai sáng và phát triển áo dài Huế, áo dài Việt Nam trong lịch sử hình thành và phát triển Việt Nam. Đồng thời khai thác, phát huy vị thế áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với Áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hình ảnh các nữ sinh mặc áo dài truyền thống tại lễ tuyên dương học sinh danh dự toàn trường năm học 2019-2020
Định hướng năm 2021, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội áo dài, phối hợp tổ chức lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát, lồng ghép quảng bá hình ảnh áo dài vào dịp tổ chức Festival nghề truyền thống Huế, tổ chức các hoạt động trong liên hoan phim Việt Nam vào tháng 9...
Ông Phan Thanh Hải, khẳng định: "Chúng tôi đã và đang tiến hành xây dựng thương hiệu Huế - kinh đô áo dài để đăng ký nhãn hiệu ở Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh. Mặt khác còn xúc tiến lập hồ sơ đưa nghề may áo dài vào di sản phi vật thể quốc gia, xa hơn có thể trình UNESCO công nhân di sản phi vật thể của nhân loại".
Bình luận (0)