Gió, mưa, sấm chớp đều có những dấu hiệu báo trước của đất trời; chỉ có yêu đương là "cú sét" của hai trái tim mà máu nóng làm mụ mị xác thân và lý trí.
Yêu đương khác với sáng tạo, nhất là sáng tạo bằng chữ nghĩa. Một tản văn, một truyện ngắn, một tiểu thuyết, một vở kịch đều phải được ấp ủ, ấp ủ khi ý tưởng manh nha hình thành và phải trải qua quá trình thai nghén.
Giá trị và tuổi thọ không giống nhau nhưng đều giống nhau là phải được ấp ủ và dưỡng nuôi (Ảnh minh họa từ Internet)
Thai nghén một hài nhi, một sinh linh nhiều khi không nhọc nhằn như thai nghén một tác phẩm tinh thần. Cứ 9 tháng 10 ngày, có thể sớm hơn hay muộn hơn một chút, đứa con mong đợi quẫy đạp thoát khỏi bào thai, nơi nó hút hết dưỡng chất máu thịt yêu thương để cất tiếng khóc chào đời. Một tác phẩm tinh thần, dù độ dày mỏng khác nhau, giá trị và tuổi thọ không giống nhau nhưng đều giống nhau là phải được ấp ủ và dưỡng nuôi. Ấp ủ bằng tâm trí, dưỡng nuôi cũng bằng tâm trí.
Nhiều năm trước, tôi đọc tập truyện ngắn của nhà văn Ý Dino Buzzati (sinh ngày 16-10-1906 tại Belluno, mất ngày 28-1-1972 tại Rome) do dịch giả, nhà văn Trương Văn Dân chuyển ngữ từ tiếng Ý. Tôi thích lối viết giàu ý tưởng, phong phú tình tiết và táo bạo về tư tưởng của nhà văn được sinh ra hơn trăm năm trước này.
Trong những truyện ngắn này, tôi đặc biệt thích "Kẻ chết giả" - chỉ hơn một ngàn từ nhưng chứa đựng tư tưởng và triết lý nhân sinh có thể kéo dài hơn một ngàn năm nữa. Ngay từ khi thấm cái thông điệp mà Dino Buzzati gửi gắm từ "Kẻ chết giả", tôi tự hứa sẽ viết thành kịch, một vở bi hài kịch về cuộc đời, về kiếp người.
Tuy nhiên, dù kịch bản văn học được cảm tác từ truyện ngắn hơn một ngàn từ, thậm chí là một từ, cũng phải xin phép tác giả của nó. Nhưng Dino Buzzati đã mất và tôi không thể xin phép bản quyền của người đã thành tro bụi.
Thế là tôi chờ. Theo luật bản quyền, sau 50 năm (một ít quốc gia là 70 năm) kể từ ngày tác giả qua đời, tác phẩm đó mới được phép sử dụng và tuân thủ mọi quy định của luật pháp về bản quyền.
Rồi tình cờ, trong bữa ăn trưa, tôi có nói ý định viết kịch bản sân khấu từ truyện ngắn "Kẻ chết giả" với một đạo diễn mà tôi quý mến. Bạn ấy khích lệ "Chị viết đi!".
Viết văn đã không dễ. Viết kịch, cũng là thể loại của văn chương, lại càng khó. Bởi, khác với các loại hình khác của văn chương, kịch phải được diễn trên sân khấu.
Và trên sân khấu, vai diễn phải lột tả được tính cách, số phận, triết lý nhân sinh mà tác giả ấp ủ, thai nghén, dưỡng nuôi và gửi gắm.
Bình luận (0)