NSƯT Trịnh Kim Chi, đạo diễn Hữu Tiến và NSƯT Tuyết Thu (từ trái sang)
Họ đề xuất điều gì trước những thử thách về doanh thu từ phòng vé? Từ tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa? Trong bối cảnh cần đổi mới của các nhà hát tại TP HCM, diện mạo của sân khấu năm 2023 cần đi vào những tác phẩm mang tính thử nghiệm. Từ hình thức dàn dựng cho đến diễn xuất, cần có sức bật để thu hút khán giả đến với vở diễn.
Theo NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM quan trọng nhất vẫn là nguồn kịch bản. Trại sáng tác kịch bản của Hội Sân khấu TP HCM hàng năm đã cố gắng thay đổi, năm 2022 đã có nhiều tín hiệu tích cực, khi trại tổ chức tại Phan Thiết, đạt thành tựu khả quan, và tác phẩm đoạt giải A của tác giả Trần Đăng Nhân là kịch bản "Đơn xin tự tử" đã được Hội phối hợp cùng Sân khấu Sài Gòn Phẳng - Nhà hát Thế giới Trẻ dàn dựng, công diễn dịp Tết nguyên đán Quý Mão rất thành công.
"Tôi kỳ vọng năm 2023 sẽ là năm có nhiều trại sáng tác, khi bên cạnh Chi hội tác giả hiện nay có một CLB Tác giả trẻ đã hiện hữu, đồng hành để hướng tới việc đầu tư cho sàn diễn chất liệu tốt nhất" - NSƯT Trịnh Kim Chi phấn khởi.
NSƯT Trịnh Kim Chi
Đạo diễn Hữu Tiến cho rằng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu trong năm 2023 cần được quan tâm sâu sắc hơn, để các diễn viên trẻ ra nghề có kiến thức vững vàng, góp phần tạo sức trẻ cho các sàn diễn.
Đạo diễn Chánh Trực cho rằng, sân khấu thử nghiệm rất cần thiết để hướng đến cái mới, chuyển tải được nội dung phản ảnh đời sống thực. Vì thế người đạo diễn phải có đầy đủ tư duy, có góc nhìn bao quát và tìm tòi cách thể hiện hình thức mới mẻ.
"Theo tôi, sân khấu năm 2023 phải thể hiện được cách dàn dựng mới, cách trang trí mới, chuyển tải được những vấn đề tiếp cận được với khán giả trẻ" - đạo diễn Chánh Trực bày tỏ.
Đạo diễn Chánh Trực
NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM kỳ vọng vào Liên hoan Sân khấu TP HCM mà Sở Văn hóa Thể thao TP HCM và Hội Sân khấu TP HCM tổ chức; đây sẽ là sân chơi để các đơn vị nghệ thuật công lập, ngoài công lập, từ cải lương đến kịch nói có thể mang những tác phẩm mới trong năm 2023 tham dự.
"Tôi mong qua liên hoan khán giả sẽ tiếp nhận được hình thức thử nghiệm mới trong từng tác phẩm dự thi. Mỗi vở diễn khi đưa ra tiêu chí thử nghiệm cái mới, cần có hội thảo đúc kết những thử nghiệm sẽ hướng đến điều gì cho sàn diễn. Cốt lõi nhất trong từng tác phẩm vẫn là yếu tố nhân văn tác động vào đời sống cộng đồng" - NSƯT Mỹ Uyên nhấn mạnh.
NSƯT Hạnh Thúy và NSƯT Mỹ Uyên
Trên thực tế, sàn diễn tại TP HCM sau đại dịch đặt ra nhiều thách thức, không còn chuyện khán giả khát kịch, mê cải lương sau thời gian dài nên dễ dàng đến rạp, mà năm 2023 sàn diễn cần có những khởi sắc về chất lượng mới hy vọng thu hút được khán giả.
Nghệ sĩ Quốc Thảo cho rằng, sàn diễn xã hội hóa đang cần một sự đột phá để khán giả cảm thấy hấp dẫn khi đến nhà hát. "Tôi đề xuất Sở Văn hóa Thể thao TP HCM nên chú trọng đến việc tổ chức quảng bá những tác phẩm hay, xuất sắc tại Nhà hát TP, để các đơn vị xã hội hóa có cơ hội diễn các tác phẩm của mình trên sàn diễn lớn với cơ chế hỗ trợ. Giá thuê Nhà hát TP hiện nay quá cao, sân khấu kịch Quốc Thảo không dám nghĩ đến việc đưa tác phẩm ra Nhà hát TP, do giá thuê cao, buộc lòng phải tăng giá vé, điều này sẽ gây thiệt thòi cho không ít khán giả" - nghệ sĩ Quốc Thảo tâm sự.
Soạn giả Hoàng Song Việt và NSƯT Lê Hồng Thắm
Tác giả Hoàng Song Việt cho rằng, hãy nhìn lại lịch sử của sân khấu nước nhà, sàn diễn đã có những nhà văn, nhà viết kịch tên tuổi, như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ…hoặc bên sân khấu cải lương có: Năm Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, Thu An, Kiên Giang, Viễn Châu, Nhị Kiều…Vì sao tác phẩm của các cụ lại có sức sống bền bỉ, bởi những vấn đề đặt ra đều mang giá trị hướng đến nhân văn, giải quyết những vấn đề đương đại …
"Tôi cho rằng các trại sáng tác cần thiết phải đặt hẳn đề tài về cuộc sống đương đại, nói đến những vấn đề thời sự hôm nay. Có như vậy những tác phẩm mới có tầm ảnh hưởng lớn và sống mãi với thời gian" - soạn giả Hoàng Song Việt nêu ý kiến.
NSƯT Phượng Loan
Thực tế cho thấy hiện nay sàn diễn cải lương gần như hiếm có vở nói về cuộc sống hôm nay, đề tài hiện đại đang là "khoảng trống" trên sân khấu cải lương, ngược lại quá nhiều vở nói về quá khứ, hay sa đà vào những vấn đề đã cũ.
"Mong rằng trong năm 2023 sân khấu cải lương sẽ vận dụng hồn cốt của nghệ thuật có tuổi đời hơn 100 năm để nói về đời sống đương đại" - NSƯT Phượng Loan kỳ vọng.
NSND Lệ Thủy
"TP HCM có lực lượng nghệ sĩ rất đông, các cuộc thi hàng năm như Tài năng Diễn viên sân khấu cải lương chuyên nghiệp Trần Hữu Trang, Liên hoan sân khấu Thủ đô, Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc... song nhiều nghệ sĩ đoạt HCV, HCB rồi không có đất diễn" - NSND Lệ Thủy trăn trở.
NSND Lệ Thủy đề xuất: "Sở Văn hóa Thể thao TP HCM phải "đặt hàng" những kịch bản có định hướng để thúc đẩy sự phát triển của sân khấu cải lương. Cần có sự đầu tư để các diễn viên có đất diễn, nâng cao tay nghề".
Bình luận (0)