Tuy nhiên với câu này, tôi ngờ không chính xác, chẳng lẽ ông bà mình lại hồ đồ đến thế sao? Nếu bên vợ có "trăm mẫu ruộng" thì dứt khoát thuộc hàng cự phú, cơn cớ gì phải "ăn mày" chồng - trong khi chồng chỉ "tay không" tức tài sản không có xu teng nào sất. Vậy, phải nhờ vả vào chồng làm sao đặng?
Thật ra, câu tục ngữ này chính xác phải là "Trai tay không chẳng ăn mày vợ, gái trăm mẫu ruộng đợ phải ăn mày chồng". Có lẽ do không rõ từ "đợ" nên về sau người ta lược bỏ đi khiến người tiếp nhận hiểu sai ý vốn có của nó.
Trước hết ta tìm hiểu từ "đợ" trong một vài ngữ cảnh cụ thể, thí dụ vì lý do gì đó mình vay một khoản tiền, không có cách nào trả nổi bèn "ở đợ" - làm đày tớ cho họ để trừ nợ; hoặc "đợ con" là bắt con ở đợ/ làm mướn/ làm "con sen" cho người khác để trừ nợ cho mình - mà đợ cũng có nghĩa là cầm cố, theo "Việt Nam từ điển" (1931). Cố/ cầm cố là bằng cách gán cái gì đó cho người ta, sau đó tìm cách chuộc lại, nếu không thì mất.
Tục ngữ có câu "Cố vợ, đợ con", đơn giản là bắt vợ con ở đợ cho thiên hạ. Do từ "cố" đã phai nghĩa về sau nói trại thành "Bán vợ, đợ con", câu này không chỉ vô lý ở từ bán/ bán vợ vì luật pháp xưa nay không cho phép cũng như bị "dư luận xã hội" phê phán, lên án mà còn không đúng trong phép đối xứng về cách sử dụng từ đồng nghĩa trong tục ngữ "cố/ đợ". Tóm lại, "cố" và "đợ" là anh em song sinh, tuy hai mà một.
Vậy, "ruộng đợ" trong câu tục ngữ trên, ta hiểu thế nào?
Rằng, nếu ngoài Bắc gọi "ruộng đợ" trong Nam lại gọi "điền cố", "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895) giải thích: "Giao ruộng đất cho kẻ khác ăn hoa lợi mà trừ tiền lời, tục kêu là đồ". Từ "đồ" này, Dictionnaire Annamite - Francais (1879) của J.M.J ghi nhận: "Đồ, cố ruộng: Engager des champs". Qua giải thích của tự vị đã nêu, ta có thể suy luận ra rằng một khi đã vay nợ thì mình phải trả tiền lời/ lãi cho chủ nợ; nếu mình gán ruộng thì cách trả đó thông qua hoa màu là chủ nợ được quyền canh tác trên ruộng đất mà mình đã đem cầm cố.
Hiểu như thế, ta thấy "ruộng đợ/ điền cố" không phải của mình, mình không có quyền sở hữu vĩnh viễn hoặc lâu dài, nó tùy thuộc vào thời gian con nợ có khả năng chuộc lại. Rõ ràng, "gái trăm mẫu ruộng đợ" thì số ruộng đó chỉ có tính cách tạm thời, chứ không phải tài sản cố định đã được nhà nước thừa nhận. Tài sản của cô gái ấy chỉ tạm bợ, vậy về lâu dài phải "ăn mày" tức phải nhờ cậy vào công sức của chồng là phải rồi.
Với từ "đợ" rắc rối này, nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban cho biết còn có từ "bán đợ" là hiểu theo nghĩa: "Bán trong thời gian tạm thời, sau đó sẽ chuộc lại theo giá lúc đó. Còn gọi là cố, cầm, thế, bán lai thục".
Bình luận (0)