Tôi mạo muội nghĩ rằng từ xa xưa, thành ngữ đã có câu "Hỗn như gấu", "Ăn tham như gấu"… "Việt Nam từ điển" (1970) của Lê Văn Đức ghi nhận ở miền Nam còn có tiếng lóng "Đồ gấu ngựa" - chỉ hạng "Đàn bà hung dữ".
Liệu chừng con gấu có tính cách dữ dằn ấy liên quan gì đến từ "gấu ó" - hiểu theo nghĩa la ó, la vang, làm ầm ĩ, om sòm? Từ điển của Huình Tịnh Paulus Của (1895) giải thích "gấu ó" chính là con gấu, con ó: "Người ta thường nói trại "khấu ó", chỉ nghĩa là gây gổ, rầy rạc". Với các hàm nghĩa trên, chỉ cần nghe ai đó nói: "Vợ tớ gấu lắm", ta hiểu là cô ấy rất dữ dằn khiến anh chồng trở thành "anh hùng râu quặp". Còn "Uống mật gấu" là chỉ hành động táo tợn, khiến người khác lè lưỡi lắc đầu: "Chà, hắn ta uống mật gấu hay sao mà bữa nay dám cãi đốp chát với sếp?".
Đọc sử nước nhà, chúng ta khâm phục Anh hùng Út Tịch với câu nói để đời: "Còn cái lai quần cũng đánh". "Lai" ở đây cùng nghĩa với "gấu" tức phần mép dưới cùng của thân áo, ống quần. "Nhác trông gấu áo chân quần/ Tương tư mười phần, dẽ bảy còn ba". "Gấu" là từ đồng âm, hiểu theo nghĩa "Giựt gấu vá vai", quần sổ gấu... Thế nhưng, "lai" lại còn có nghĩa là chắp thêm, nối thêm vào cho dài như "lai gấu quần".
Về tên gọi các loại gấu, thật lạ khi có lúc lại gọi bằng một từ mà nay nghe rất lạ tai: "Gụ", chẳng hạn, gụ chó tức gấu chó. Có người nọ nổ vang trời: "Lần nọ đi phượt, trong lúc nguy cấp, một mình tớ dám đánh tay đôi và bắt sống được một con gấu đen to kềnh". "Gấu đen" đích thị "gấu ngựa/ gụ ngựa".
Có phải "gụ" là cách phát âm riêng biệt của vùng miền nào chăng? Không, đây là cách nói phổ thông, bằng chứng là "Từ điển Việt-Bồ-La" (1651) của A. de Rhodes ghi nhận: "Gụ: Con gấu". "Gụ" còn là tên một loại gỗ quý màu nâu sẫm, vân đen.
Bình luận (0)