Theo Nhà báo Bùi Phan Thảo, Thư ký Tòa soạn, Thường trực Ban tổ chức cuộc thi, dù chỉ triển khai trong hơn 3 tháng song cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" của Báo Người Lao Động đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của đông đảo bạn đọc với hơn 750 bài dự thi gửi về. Các tác giả đến từ nhiều nơi, từ các lĩnh vực khác nhau, với góc nhìn đa chiều, nhưng đều gặp nhau ở sự chân thành trong câu chữ, hấp dẫn trong câu chuyện và những tìm tòi thể hiện đầy thuyết phục. Phía sau các con chữ là đầy ắp ân tình với thành phố phương Nam đầy hào sảng, bao dung, với những câu chuyện xúc động về tình người, về tình thương và nghị lực, là niềm tự hào về thành phố mang tên Bác, nỗi lòng của người đi xa luôn nhớ về, trân trọng.
Cuộc thi Thơ và Tạp bút “45 năm rực rỡ tên vàng” tạo được tiếng vang lớn, thu hút sự tham gia sôi nổi của các cây bút chuyên và không chuyên ở khắp nơi. Clip: Xuân Huy - Quốc Thắng - Nghĩa Huỳnh
Nhà báo Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, nhận định: "Cuộc thi đã chạm vào trái tim của bạn đọc. Những câu chuyện được kể rất cụ thể, rất chân thực và cảm động. Các tác giả có cách tiếp cận đa dạng, lối viết tinh tế, lắng sâu. Phải sống lâu, thấu hiểu, hòa mình, phải gắn bó yêu thương thành phố mới cảm nhận về thành phố với nhiều dấu ấn, sắc màu đến vậy. Những mô tả về tình người, những sinh hoạt thân thuộc đã thành yêu thương, những con người đời thường giản dị mà lấp lánh vẻ đẹp tâm hồn... đi vào trang viết rất xúc động".
Một thành viên khác của Hội đồng chung khảo là nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, nói: "Thành phần tham gia cuộc thi này của Báo Người Lao Động rất đa dạng phong phú, thu hút được các cây bút chuyên nghiệp (là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nhà văn TP HCM lẫn các Hội Văn học - Nghệ thuật từ các tỉnh bạn. Bên cạnh đó là những cây bút không chuyên, có cả các tác giả đang sinh sống và học tập ở nước ngoài. Điều đó nói lên uy tín và tầm phủ rộng của tờ báo đến với bạn đọc. Vì thành phần đa dạng nên đề tài dự thi cũng rất đa dạng từ chiến tranh cho đến cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Có máu lửa hy sinh của cuộc chiến vĩ đại vừa qua mà chúng ta không thể nào quên, có những nét đẹp đời sống bình thường của người dân Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó toát lên những nét đẹp dung dị của những con người thành phố hôm qua và hôm nay."
Tác giả Trầm Hương, cây bút quen thuộc với nhiều bạn đọc yêu văn chương cả nước, cho biết: "Tôi đến với cuộc thi này như trách nhiệm của một người cầm bút, mong hưởng ứng một hoạt động thật hay của Báo Người Lao động, nơi tạo cơ hội cho mọi người gửi gắm những suy nghĩ, trăn trở, cảm xúc về thành phố yêu thương. Thật xúc động khi cuộc thi được trao giải giữa lúc thành phố yêu thương của chúng ta, thành phố anh hùng phải gồng mình chống dịch, suốt nhiều đợt giãn cách. Tôi xin được gởi lời tri ân đến những người anh hùng thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch; tri ân những tấm lòng giúp nhau qua đại dịch bằng tình người, bằng nghĩa khí hào sảng của thành phố phương Nam. Xin được cúi đầu tiễn biệt những người thầy, người anh, người chị ra đi trong lặng lẽ trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát".
Không giấu được niềm hạnh phúc, tác giả Nguyễn Ngân cho biết sẽ dành toàn bộ hiện kim của giải thưởng cuộc thi ủng hộ cho một hoạt động mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, đó là chiến dịch 1000 +1, sẻ chia khó khăn với các giáo viên mầm non chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
Cô gái 9x cho biết mình đã là độc giả thân quen của Báo Người Lao Động từ lâu và biết đến thông tin cuộc thi ngay từ khi báo đăng thể lệ vào tháng Tư. Song vì không phải là một cây bút chuyên nghiệp, cũng chẳng giỏi làm thơ, nên khi đó Nguyễn Ngân chỉ chia sẻ thông tin cuộc thi tới những người bạn khác mà thôi. Rồi một ngày cuối tháng 6, trong những ngày thành phố thấm mệt, chứng kiến những câu chuyện đời thường thấm đẫm tính nhân văn từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân của mình, cô nhận ra rằng, ai hình như ở TP HCM rồi cũng đều giữ mãi những điều thân thương về thành phố này. Đó là những cảm hứng để Nguyễn Ngân chắp bút viết lên tác phẩm "Thành phố của mẹ và con".
Tác giả Nguyễn Thanh Mừng gởi lời cảm ơn chân thành đến Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã quan tâm đến những cảm xúc và hình tượng nghệ thuật ngôn từ của ông về Sài Gòn - TP HCM. Nếu thơ mở ra sự kiếm tìm thì với cuộc thi này, những bài thơ kiếm tìm sự đồng cảm về tình cảm của tác giả về mảnh đất Sài Gòn - TP HCM đối với người sở tại cũng như người khắp bốn phương trời.
Phát biểu tại buổi lễ, Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Chung khảo cuộc thi, nhận xét: "Đa phần các tác phẩm thơ và tạp bút thường do những người viết từ phương xa đến. Từ cảm giác xa lạ, nghi hoặc, ngạc nhiên... phút ban đầu về sự kỳ vĩ của một thành phố lớn, về tình cảm chân thành, nồng ấm, sẽ chia của người dân nơi đây dần đi đến sự yêu quý, gắn bó thành phố này. Từ sự yêu quý thành phố mà chúng ta đi đến tình cảm biết ơn thành phố và mong muốn trả ơn cho mảnh đất này. Chúng ta luôn ấp ủ tình yêu và nung nấu đáp đền ơn nghĩa của thành phố đã bao dung, nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho con người vươn lên, tỏa sáng. Chính vì vậy, cuộc thi dù kéo dài chỉ khoảng 100 ngày vẫn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình với số lượng bài dự thi kỷ lục nếu tính theo thời gian tổ chức".
Nhà báo Tô Đình Tuân,Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Chung khảo cuộc thi, phát biểu tổng kết tại buổi lễ. Ảnh: Quốc Thắng
Diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến khó lường, buổi lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" được tiến hành thông qua phần mềm họp trực tuyến Google Meet.
Ban Tổ chức chân thành cảm ơn sự đồng hành với cuộc thi của Ngân hàng TMCP Nam Á.
Tuy những người tham dự ở rất nhiều đầu cầu, từ khắp mọi miền Tổ quốc, chỉ có thể tương tác qua màn hình nhưng điều này không làm giảm đi không khí trang trọng, nghiêm túc của buổi lễ và những cảm xúc ấm áp, chân tình mọi người dành cho nhau. Ảnh: Văn Hùng
Kết quả cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
THƠ
Giải Nhất: Không có.
Giải Nhì: 01 giải, phần thưởng trị giá 15 triệu đồng:
Tác giả Nguyễn Thanh Mừng với chùm thơ "Thơ viết trên ngọn rau tháng 7-2021/Bữa cơm trưa ở quân cảng Sài Gòn/Ban công nhà mình hướng ra sân bay".
Giải Ba: 02 giải, phần thưởng trị giá 10 triệu đồng/giải:
1. Tịnh Bình với chùm thơ "Mùi phố/Tiếng rao trầm".
2. Đoàn Thị Diễm Thuyên với bài thơ "Tôi với thành phố này đâu phải người dưng".
Giải khuyến khích: 3 giải, phần thưởng trị giá 5 triệu đồng/giải:
1. Nguyễn An Bình với bài thơ "Hoa Trường Sa trong lòng thành phố".
2. Xuân Trường với bài thơ "Lời tự tình của một dòng kênh".
3. Lê Nguyệt Minh với bài thơ "Thành phố tháng Sáu".
TẠP BÚT
Giải Nhất: 01 giải, phần thưởng trị giá 20 triệu đồng:
Tác giả Trầm Hương với tác phẩm "Chạm vào đâu cũng thấy mình mắc nợ".
- Giải Nhì: 01 giải, phần thưởng trị giá 15 triệu đồng:
Tác giả Nguyễn Ngân với tác phẩm "Thành phố của mẹ và con".
- Giải Ba: 02 giải, phần thưởng trị giá 10 triệu đồng/giải.
1. Trần Nhã Thụy với tác phẩm "Sạp báo của ba tôi".
2. Nguyễn Chí Ngoan với tác phẩm "Người bạn trong thành phố".
- Giải khuyến khích: 3 giải, phần thưởng trị giá 5 triệu đồng/giải:
1. Diệp Trần với tác phẩm "Dĩa cơm tấm năm ấy".
2. Hoài Hương với tác phẩm "Chữ thương ở thành phố mang tên Bác".
3. Trúc Thiên với tác phẩm "Tình người rực sáng".
Tổng trị giá giải thưởng cuộc thi là 120 triệu đồng
Đơn vị đồng hành
Cảm ơn Ngân hàng TMCP Nam Á đã đồng hành với cuộc thi
Bình luận (0)