"Đọc báo cho thương binh" của họa sĩ Trần Hữu Tê được hoàn thành năm 1975, khắc họa khung cảnh bên trong một lán cứu thương thời chiến, những chiến sĩ như quên đi sự đau đớn của vết thương khi chú ý lắng nghe người nữ quân y đọc tin tức về các mặt trận. Còn tác phẩm "Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch" được họa sĩ Trần Đông Lương sáng tác năm 1958. Bức tranh được nhiều người đánh giá là tác phẩm để đời của ông, "cho thấy khả năng bố cục và sự xuất sắc về hình họa của họa sĩ". Tác phẩm tái hiện khung cảnh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, với gương mặt hiền hậu, nụ cười ấm áp đang ân cần khám cho bệnh nhân. Xung quanh ông là các y - bác sĩ đang tập trung làm công việc theo dõi, ghi chép, xử lý phim chụp X-quang... Tinh thần làm việc hăng say, hết lòng vì sức khỏe người dân của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cùng các cộng sự nói riêng, của các y - bác sĩ, những chiến sĩ trên mặt trận y tế nói chung được người xem cảm nhận rõ rét trong tác phẩm này.
Tác phẩm “Đọc báo cho thương binh” của họa sĩ Trần Hữu Tê. (Ảnh do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp)
Việc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mở triển lãm trực tuyến phục vụ công chúng trong lúc cả xã hội tập trung chống Covid-19 được coi như một hướng đi thích hợp, không chỉ giúp những người thường đến tham quan bảo tàng có điều kiện thưởng lãm hiện vật qua online mà còn thu hút thêm lượng người xem lâu nay chưa có điều kiện đến bảo tàng.
Nhà văn - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều cho rằng trong thách thức không nhỏ phòng chống Covid-19, mọi người vẫn muốn thưởng thức nghệ thuật. Những triển lãm trực tuyến qua mạng trong lúc này mới thực sự phát huy hiệu quả của nó. "Tất nhiên về hiệu ứng thị giác, việc xem triển lãm online không bằng trực tiếp, nhưng khi chúng ta buộc phải ngồi nhà, chúng ta vẫn cần đọc sách, xem phim giải trí, cần những thông tin văn hóa nghệ thuật" - nhà văn - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Tác phẩm “Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch” của họa sĩ Trần Đông Lương. (Ảnh do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cung cấp)
Trên thực tế, nhiều bảo tàng trên thế giới cũng đã "mở cửa" trực tuyến giúp người xem tiếp cận những tác phẩm nổi tiếng thế giới mà không cần ra khỏi nhà, trong số này có thể kể đến Bảo tàng Guggenheim (New York, Mỹ), Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia (Washington, Mỹ), Bảo tàng Orsay (Paris, Pháp), Bảo tàng nghệ thuật đương đại quốc gia (Seoul, Hàn Quốc), Bảo tàng Pergamon (Berlin, Đức)… Với sự trợ giúp của công nghệ, người xem hoàn toàn có thể dành thời gian khám phá những nơi mà không phải ai cũng có điều kiện đến tận nơi và thưởng ngoạn trọn vẹn. Những kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật từ chuyến du lịch trực tuyến này cũng đem đến cho người xem những trải nghiệm thú vị không kém gì các chuyến tham quan trực tiếp.
Rất tiếc nhiều bảo tàng của Việt Nam chưa bắt nhịp kịp.
Bình luận (0)