Công ty CP Bản quyền âm nhạc trực tuyến (MCM Online) vừa chính thức ra mắt hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM (gọi tắt là MCM), lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Theo MCM, hệ sinh thái bản quyền này giúp tác giả đo đếm chính xác số lượt sử dụng; theo dõi được việc phân phối và sử dụng tác phẩm; bảo đảm ba yếu tố là bảo vệ, minh bạch và truy vết khi cung cấp một tác phẩm âm nhạc trên môi trường internet.
Cơ hội và thách thức
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, cho biết lĩnh vực nội dung số nói chung và nhạc số nói riêng trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang chứng kiến tình trạng tác giả không được trả tác quyền. Đối với vi phạm bản quyền trên internet, chỉ có dùng công nghệ mới giải quyết được các vấn đề của công nghệ. Sự ra đời của MCM vừa là cơ hội vừa là thách thức trong quá trình bảo vệ tác phẩm âm nhạc trên mạng, nơi hàng triệu bản nhạc bị xâm phạm bản quyền hằng ngày.
Từ năm 2008 tới nay, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến chiếm toàn bộ thị phần. Ban đầu, hầu hết trang nghe nhạc trực tuyến đều sử dụng "chùa" tác phẩm âm nhạc. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, khiến cho ngành công nghiệp âm nhạc ngày càng kiệt quệ.
Sự bùng nổ của thị trường nhạc số, cùng với xu hướng phát trực tuyến, đã giúp không ít nghệ sĩ nổi tiếng trong chớp mắt khi bài hát hoặc album của họ đạt triệu view trong vài ngày, mang lại khoản doanh thu lâu dài. Song đây cũng là thử thách rất lớn cho các nhạc sĩ nếu như tác phẩm âm nhạc của họ không được bảo vệ bản quyền hữu hiệu.
Lễ ra mắt hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM. Ảnh: HỒNG NGUYÊN
Giới chuyên môn nhận định ý tưởng xây dựng một hệ sinh thái bảo vệ tác quyền âm nhạc trên không gian mạng có thể là lời giải cho những khúc mắc đang tồn tại. MCM được xây dựng bằng 2 công nghệ: Bảo vệ bản quyền Sigma DRM và đánh dấu bản quyền Sigma Watermarking. Trong đó, công nghệ Sigma DRM tiến hành mã hóa tất cả bản nhạc, cấp khóa giải mã mỗi khi sử dụng tác phẩm. Mỗi lần cấp khóa, hệ thống sẽ đếm như một lần sử dụng tác phẩm (hiện đã được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu để bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực truyền hình, xuất bản điện tử).
Việc cấp khóa cho mỗi lần sử dụng có thể ví như một lần xin phép sử dụng tác phẩm và đó là nền tảng để minh bạch số lần sử dụng khi tác phẩm được phân phối trên môi trường internet. Công nghệ DRM hiện được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu để bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực truyền hình hoặc xuất bản điện tử. Trong khi đó, công nghệ Sigma Watermarking được dùng để đánh dấu (ký số) khi muốn phân phối hoặc phái sinh một tác phẩm âm nhạc, từ đó giúp tác giả có thể truy vết để dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, hoặc theo dõi việc phân phối, sử dụng tác phẩm.
Khích lệ người sáng tác
Ngành công nghiệp âm nhạc chứng kiến sự thay đổi phương thức phát hành tới công chúng từ ghi bản nhạc lên đĩa cứng tới phát hành online và giờ là streaming. Vì thế, cơ chế quản lý bản quyền âm nhạc, quyền sáng tạo của nhạc sĩ cũng cần thay đổi cho phù hợp. Việc ứng dụng DRM vào kiểm soát bản quyền trên môi trường số nói chung và âm nhạc trực tuyến nói riêng là giải pháp không thể thiếu để chống sao chép, sử dụng tác phẩm trái phép.
Bên cạnh đó, công cụ DRM cho phép đo đếm số lần sử dụng, tải xuống một cách minh bạch, giúp nhà sở hữu tác phẩm biết rõ lượt sử dụng, tác phẩm của mình được sử dụng trên nền tảng nào, fan của mình là ai, đến từ đâu để từ đó hiểu được thị hiếu âm nhạc và có kế hoạch phát triển tác phẩm mới.
"Công nghệ mang lại sự minh bạch về lượt sử dụng tác phẩm, giúp các tác giả biết được đầy đủ các số liệu như thống kê lượt nghe, nền tảng đã phát, từ đó các nhạc sĩ/đối tác có thể dễ dàng theo dõi được chính xác lượt sử dụng và doanh thu" - nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Tổng Giám đốc MCM Online, khẳng định.
Chỉ khi nào bản quyền âm nhạc được bảo vệ trên môi trường trực tuyến thì việc sử dụng tác phẩm không cần trả phí do vi phạm bản quyền tràn lan mới được kiểm soát, giá trị sáng tạo của các nhạc sĩ mới được ghi nhận và tôn trọng. Việc quản lý tốt được bản quyền sẽ dần hình thành văn hóa sử dụng âm nhạc có bản quyền, từ đó khích lệ tinh thần người sáng tác. Bên cạnh đó, nhạc sĩ phải sống được bằng tác phẩm của mình và bên sử dụng phải trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Đó là điều tưởng như là hiển nhiên nhưng lại là mong ước lâu nay của giới nhạc sĩ.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho rằng trong thời đại công nghệ số phát triển thì vấn đề bảo vệ bản quyền cũng rất sôi động, đặc biệt câu chuyện bản quyền trong lĩnh vực số không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Chính vì sự thuận tiện trong môi trường số, các tác giả có thể đưa tác phẩm đến với công chúng nhanh chóng rộng rãi hơn. Tuy nhiên, việc bảo vệ được bản quyền mới có thể khuyến khích các tác giả tiếp tục đầu tư sáng tác.
Bình luận (0)