Chuyện một số nhạc sĩ gặp vấn đề về bản quyền khi đăng tải chính những tác phẩm của mình lên trang YouTube đang trở thành chủ đề "nóng" trong giới những ngày qua. Điều đáng nói là tình trạng này còn xảy ra với rất nhiều sản phẩm nghệ thuật dân gian và của nhà nước.
Điển hình như ca khúc "Tiến quân ca - Quốc ca" đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam nhưng lại bị Công ty BH Media xác nhận sở hữu bản quyền. Tác phẩm quan họ Bắc Ninh "Giã bạn" khi đăng tải lên YouTube cũng bị BH Media khiếu nại bản quyền.
"Chiếc gậy" BH Media
Trước đó, nhạc sĩ Giáng Son không khỏi bức xúc khi tác phẩm "Giấc mơ trưa" (do ca sĩ Khánh Linh thể hiện) đăng trên kênh YouTube của riêng mình nhưng nhận thông báo khiếu nại bản quyền từ BH Media. "Tôi vô cùng sốc. Giống như con mình đẻ ra mà lại bị người ta kiện giành sở hữu vậy" - nhạc sĩ Giáng Son cho biết.
Tác phẩm quan họ Bắc Ninh “Giã bạn” bị khiếu nại bản quyền sau khi đăng tải lên YouTube. (Ảnh chụp màn hình)
Thực tế, chuyện nhạc sĩ, ca sĩ bị "ăn gậy" bản quyền của BH Media không có gì mới. Nhạc sĩ Ngọc Khuê chia sẻ mới đây, khi ông cần lấy một ca khúc từ kênh YouTube cá nhân để làm việc thì lập tức bị báo là vi phạm bản quyền. Ông mở tài khoản kiểm tra thì thấy có 37 video trong tổng số 269 video trong kênh của ông bị đánh dấu vi phạm bản quyền.
Từng bị BH Media cảnh báo vi phạm bản quyền chính những tác phẩm do mình sáng tác, nhạc sĩ Minh Châu cho biết: "Cảm giác đầu tiên khi bị "tố" là tôi thấy mình bị xúc phạm. Ngay sau khi tôi phản ứng thì đại diện BH Media đã gặp gỡ, xin lỗi và sau đó đã gỡ cảnh báo trên YouTube của tôi". Ca sĩ Akira Phan cũng bị BH Media đánh bản quyền nhiều ca khúc "hot" như: "Mùa đông không lạnh", "Lời nguyền", "Giây phút êm đềm"… "Sự việc này đã khiến tôi bức xúc mấy năm nay" - Akira Phan nói. Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thì đã nhắc đến việc này từ tháng 8-2020.
Phản hồi bức xúc của nhạc sĩ Giáng Son, BH Media cho biết do trên YouTube có nhiều bản ghi "Giấc mơ trưa" của nhiều chủ sở hữu khác nữa nên khi phát hiện bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son hơi giống với bản ghi "Giấc mơ trưa" của nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã đăng tải lên trước đó, YouTube tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son.
"Đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube. Nhạc sĩ Giáng Son nhận thông báo từ YouTube chứ không phải từ BH Media. Thông báo đó nhằm để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau và thông báo đó không làm ảnh hưởng đến quyền up bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son. Chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son làm thao tác phản hồi là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ xác minh lại và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video" - đại diện BH Media giải thích.
Trục lợi từ kẽ hở
BH Media nói thêm rằng mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành sẽ chứa 2 loại quyền tách biệt là: quyền bản ghi - liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi; quyền tác giả - liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm. Theo Luật Bản quyền, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần quyền bản ghi, còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ quyền tác giả hay còn gọi là tác quyền.
"Tại Việt Nam, có rất nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác về hai loại quyền nói trên. Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình. Ví dụ một nhạc sĩ chuyên sáng tác các ca khúc cho các show truyền hình của VTV, HTV nhưng không có nghĩa nhạc sĩ được quyền đăng tải các chương trình này lên kênh YouTube của nhạc sĩ bởi VTV, HTV mới là chủ sở hữu thực sự" - BH Media nhấn mạnh.
Lập luận của BH Media dù không được giới nghệ sĩ chấp nhận nhưng không hẳn vô lý. Bởi như lý giải của người trong giới, cơ chế bảo vệ bản quyền tác giả của YouTube đang được vận hành một cách máy móc. Theo đó, YouTube sẽ bảo vệ tác quyền cho những sản phẩm được đăng tải đầu tiên. Vô hình trung, những tác phẩm được đăng tải sau đó, dù của chính chủ, vẫn bị đánh bản quyền. Nhiều đơn vị đã kinh doanh thu lợi nhuận dựa trên kẽ hở này của YouTube.
Hành vi xâm phạm quyền tác giả âm nhạc diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những "chiêu trò" khó lường, đặc biệt là trên nền tảng số. Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đánh tráo khái niệm và lách luật để xâm phạm bản quyền. Nếu các tác giả không am hiểu về công nghệ thì không thể biết và khiếu nại. Bộ phận Pháp chế của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết đã nhận được khá nhiều đơn thư của các nhạc sĩ, đề nghị và ủy quyền VCPMC tiến hành các thủ tục theo trình tự pháp luật để lấy lại sự công bằng, bảo đảm lợi ích hợp pháp đối với các tác phẩm bị xâm hại bản quyền.
Cũng theo đại diện bộ phận pháp chế của VCPMC, những nội dung phản ánh và đề nghị tư vấn của các nhạc sĩ cho thấy nhiều người do chưa nắm rõ các điều khoản thỏa thuận và thuật ngữ pháp lý nên khi ký kết đã không lường trước được những tình huống rủi ro.
Bình luận (0)