xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bên cội mai rừng

PHẠM HỒ

1. Quê tôi Đức Linh, thượng nguồn dòng La Ngà kiêu hãnh vươn mình qua các dãy núi. Từng nhánh suối đổ về sông thăm thẳm dưới tán rừng.

Suối Ba Thê dẫn nước từ biển Lạc - người dân thường gọi là biển lạc giữa rừng. Thực ra đây là hồ lớn gom nước suối từ bạt ngàn rừng đổ về. Mùa nắng trữ nước, mùa mưa ồ ạt trườn ra sông La Ngà.

Hầu như ngày xưa chỉ vào biển Lạc được bằng ghe qua các con suối. Biển đẹp đến mộng mị. Đi theo cánh thợ săn vào đây chỉ thấy mây trời là quen mắt. Trên hồ, từng trảng lục bình ngun ngút, nở hoa tím loang cả chiều. Cận Tết, trời se lạnh, cánh thợ săn len rừng, bàng hoàng thấy từng tràng hoa vàng rực. Mai, cả một khoảnh rừng toàn mai. Cành chen cành, hoa chen hoa. Mà cũng nghiệt ngã, mùa mai trải vàng cũng rùng rục kéo về từng bầy rắn lục xanh rợn. Chúng ngầy ngật với mùi hương, lừ đừ bò qua cành lá. Thợ săn không dám đứng lâu vì mùi hương hoa dễ làm con người lạc lối. Trở ra suối Ba Thê thì không còn mai vàng nhưng lại rặt mai chiếu thủy. Tựa bên bờ lau, hoa trắng soi bóng xuống dòng nước thơm ngát.

Rừng dần mất, làng lên phố, cả thiên hạ có chút dư dả rộ lên trồng mai kiểng. Mai vàng ngơ ngác từ rừng về phố chôn chân trong chậu. Mai chiếu thủy hoang mang xa suối đứng cạnh hiên nhà. Buồn cả rừng, sầu cả sông.

2. Mỗi lúc về quê tôi hay sang thăm lão Khứ gần nhà. Tuổi ông đã qua 80, nhà núp tận mé suối Ba Thê. Bao người gọi ông, gọi bác, lão đều gạt, bảo gọi bằng lão cho nó thật.

Thời trẻ binh lửa, lão giẫm qua nhiều chiến trường, đường binh nghiệp thênh thang. Trong một cuộc chiến, phát hiện thằng bạn nối khố cầm súng ở phía bên kia, thế là lão tìm cách gặp, 2 thằng kẹp cổ nhau cười trào nước mắt rồi bỏ về quê. Phá rừng dựng nhà, lão thấy một cây mai côi cút dưới tán bằng lăng. Không nỡ chặt, lão dọn cỏ để nó tự lớn. Không bón phân, chẳng tưới nước, lão khề khà "không lớn nổi, chẳng phải là mai". Thế mà cây cứ lớn, từ dạo ấy lão xem cây như bạn. Gốc nay lớn cả một vòng tay, cành như giáo, hoa như mộng. Bày cuộc rượu dưới cây không lấn bóng quá hai cành.

Thế sự đổi dời, vợ mất sớm, con cái lớn lên và từng đứa xa nhà. May mắn được học hành, lên

TP HCM nên nghiệp. Trai lớn là Hai Phong bon chen bao năm làm đến cán bộ gộc của một sở. Ba đứa kế được anh tạo đà, lập nghiệp sống đời thừa mứa. Hai đứa khác dạy học tận bên Lào, có của ăn của để. Bạn chí cốt của lão súng đạn không chết nhưng lại bỏ mình dưới sông vì ráng cứu một phụ nữ bị nước cuốn. Khi nhớ bạn, lão thường kể: "Nó bơi như rái, lao xuống nước cứu người nhưng không kịp cởi áo mưa. Hà Bá ghét, kéo xuống làm bạn".

Sau tai nạn ấy, lão Khứ mang cả vợ và 2 con của bạn về dựng nhà sau vườn cưu mang. Người đời đàm tiếu, cán bộ xã mời lên giáo dục văn hóa. Lão Khứ to tiếng: "Tao mới dựng nhà cho cổ ở thì đầu óc tụi bây đã chui vào giường người ta rồi". Lúc nhỏ, các con thường chọc: "Cha phải nói rõ đứa nào con ruột, đứa nào con nuôi". Lão cười: "Tụi bây đói ăn như nhau, cha không nhớ nổi". Lũ con cười ngặt nghẽo, cười mãi đến lớn. Mỗi lúc vậy, vợ bạn lại quệt nước mắt, làm mấy món cho lão rủ chòm xóm uống rượu dưới cội mai rừng.

Bẵng qua thời cuộc, rừng bị cạo trọc, trống lốc kéo dài tới tận Phan Thiết, khô khốc tới Phan Rang. Vùng rừng rú oai thiêng "cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận" giờ ma còn không dám tới. La Ngà cạn dòng đỏ quạch. Suối Ba Thê, lê thê dòng nước mọn, đôi bờ cỏ dại vàng hoe. Rừng mai chiếu thủy bị máy cày xới tung mất tích từ đời nào, còn chăng chỉ loe hoe trảng mắc mèo giơ gai dưới chiều nắng đổ. Biển Lạc - biển lạc giữa rừng ngày nào - nằm tênh hênh một vùng nước đọng. Rừng mai vàng mất bóng, thay vào đó là đồn điền cao su ngay hàng thẳng lối. Lũ chim cú tinh ranh cũng chán phèo, chẳng buồn làm tổ.

Bên cội mai rừng - Ảnh 1.

3. Bạn tôi - Bốn Minh - cũng là bạn uống trà của lão Khứ, dù nhỏ hơn gần 30 tuổi. Dân gốc Quảng Ngãi di cư vào Đức Linh từ đời cha. Học chưa qua cấp 2, nhà nghèo hai đời, gia sản chỉ có hơn trăm cuốn sách lẫn lộn đủ loại. Kiếm hiệp của Kim Dung vài bộ in giấy vàng rơm. Triết học phương Tây gần chục cuốn bìa vẽ tranh trừu tượng. Tiểu thuyết Pháp rách bìa... Buồn cười nhất là chẳng có gì chơi, lũ con chỉ học cấp 1, vừa nhai khoai lang vừa nghêu ngao thơ Bùi Giáng:

"... Môi cười ở cuối sân ga

Phố nào cố quận xưa là tiễn nhau

Lệ vàng xanh mắt mai sau

Chùm bông tuyết mỏng pha màu vĩnh ly".

Bốn Minh vốn mau nước mắt. Cả trăm lần đọc "Những người khốn khổ" nhưng lần nào đến đoạn Fantine bán thân trên phố Paris để nuôi Cosette cũng khóc. Những lúc như thế, vợ Bốn Minh lại lầm bầm: "Bị Bun Bốt (Pol Pot) bắn không sợ mà thương khóc cô nào ở đâu đâu!".

Bốn Minh kể: Đi lính Campuchia bị Pol Pot bắn thủng bụng, dùng dây kẽm trói tay, bắt nhốt 2 tháng, chẳng sợ chết khỉ gì. Mình bắn nó, nó bắn mình. Khi được cứu, tay Bốn Minh còn mang vòng kẽm. Từ đó trở đi, Bốn Minh không cởi vòng kẽm ấy khỏi tay, càng ngày nó càng sáng bóng. Rượu say, hắn nói: "Vật ở cùng mình trong lúc hiểm nghèo tự dưng thân thiết".

Hắn trồng 4 cây mai cao vút trước nhà. Lúc túng quẫn, có người ở Sài Gòn về trả giá 50 triệu đồng một cây. Con lớn vào đại học, lo đủ thứ nên đồng ý bán nhưng mặt buồn thiu. Hôm đầu, người ta về cắt cành tỉa lá một cây. Họ dùng dây đồng quấn quanh, uốn cây mai thành hình tháp, bảo rằng mấy đại gia khoái kiểu này. Bốn Minh xám mặt nhìn họ chở mai đi. Hôm sau, họ lại đến, con gái nhỏ Bốn Minh ra nói: "Ba con không có ở nhà". Cầm bọc ni-lông 150 triệu trả lại người ta, xe quay đầu, con gái Bốn Minh bụm miệng cười khúc khích.

4. Hai Phong chỉ có mỗi một đứa con gái, khi sinh suýt chết trong bụng mẹ nên nhờ ông nội đặt tên. Lão Khứ đặt tên Tuyết Mai. Học xong bách khoa, Tuyết Mai chẳng chịu vô cơ quan của cha làm việc. Hai Phong đe nẹt kiểu gì cũng cứ khinh khỉnh "mặc mãi áo cha đo, chán chết". Thế rồi bỏ về quê, bảo "pha trà cho nội một năm rồi tự tìm việc làm".

Dịp rồi, Hai Phong đưa sếp về quê chơi, thấy cây mai cội ưng ý quá liền mời lão Khứ cùng vào Sài Gòn lựa mua một cây mai lớn. Vào vườn cả buổi chẳng lựa được cây mai ưng ý, lão Khứ chặc lưỡi: "Mai gì mà cành ngang phè yếu nhớt, rễ quẩn quanh trong chậu, cây uốn éo đủ kiểu long phụng cúi đầu...".

Theo lão, mai phải đứng; thân như trụ kình thiên; cành rậm, xiên cứng như mũi thương xé gió; gốc choãi như núi, rễ rút sâu suối nguồn. Từ vùng trong Bình Thuận trở sang Lâm Đồng, mai hưởng một phần thổ nhưỡng của cao nguyên Lâm Viên nên tán ngang, thể đậm. Nụ thường tròn mỡ màng, hoa vàng nhẹ nhàng kiều mị. Từ Phan Thiết đổ ra miền Trung, hưởng gió biển, mai thế đứng xương khâu. Nụ nhọn như đao hoa vàng gắt, đậm đà. Càng xa núi, thân mai càng nhẹ.

Về nhà vài bữa, Hai Phong cứ buồn buồn rủ Bốn Minh ra vườn uống rượu. Lão Khứ dọ hỏi thì Tuyết Mai cho biết sếp của Hai Phong muốn sở hữu cây mai cội sau vườn nhà mình để trồng trước sân biệt thự mới xây gần biển của ông ấy. Sáng, trước khi Hai Phong trở lại Sài Gòn, lão Khứ bảo: "Vài bữa kêu thợ về bứng cây mai đi tặng sếp".

Tết năm ấy, con cháu về nhà đông đủ, lão Khứ vui ra mặt. Lão hỏi Hai Phong sao không bứng cây mai. Hai Phong cười ngượng: "Con nghỉ việc rồi. Từ rày phụ giúp mấy em làm ăn". Tuyết Mai trố mắt hỏi: "Cha chán? Con thi đậu học bổng ngành cơ khí ở Úc. Học xong ra trường ở luôn bên đó làm việc. Còn chuyện chồng con thì tùy. Trắng, đen, vàng, đỏ gì cũng được. Ai thích tên con thì cưới". Cả nhà cười vang, Hai Phong vỗ vai lão Khứ: "Con pha trà lá sen, cả nhà ra cội mai đón giao thừa".

Ngoài kia, cội mai đã nở vàng rực…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo