Sau Tết Mậu Tuất, giới nghệ sĩ cải lương nhận tín hiệu vui khi hàng loạt chương trình cải lương do bầu sô tổ chức tại sân bãi các tỉnh miền Tây bất ngờ thắng lớn. Nghệ sĩ ngôi sao phấn khởi ùa về các tỉnh, mở rộng thị phần biểu diễn.
Nhờ làm mới bài vọng cổ
Người đắt sô là Khôi nguyên vọng cổ Minh Vương, với chùm tiết mục mới mà ông đặt hàng soạn giả Đăng Minh sáng tác gồm: "Vợ người ta", "Chí Phèo", "Bạc trắng tình đời", "Con bướm xinh"… Kế đến là "Chi bảo cải lương" Bạch Tuyết với phiên bản vọng cổ dành cho tuổi teen: "Em gái mưa", "Người lạ ơi"… Các nghệ sĩ ngôi sao thuộc thế hệ "Chuông vàng vọng cổ" cũng "đổi gu" khi chọn nhiều ca khúc đang được giới trẻ yêu thích để sáng tác tân cổ giao duyên, tạo hiệu ứng mới cho sàn diễn sân bãi. NSƯT Kim Tiểu Long cho biết: "Sân bãi ở miền Tây rộ lên những sô thắng lớn vì bầu sô nhanh nhẹn, yêu cầu nghệ sĩ đầu tư tiết mục theo sự yêu thích của giới trẻ thế hệ 9X, 10X. Những bài hát "hot" như: "Nơi này có anh" của Sơn Tùng M-TP, "Em gái mưa" của Hương Tràm, "Đắp mộ cuộc tình" của Vũ Thanh, "Đi để trở về" của Soobin Hoàng Sơn… đã trở nên ăn khách một cách lạ kỳ".
NSƯT Kim Tiểu Long được khán giả cải lương sân bãi yêu thích với những bài tân cổ giao duyên mới
Làm mới các tiết mục ca cổ còn là một cách để các đôi song ca lâu nay chỉ dừng lại ở những bài ca cổ của soạn giả Viễn Châu, Loan Thảo… nay thử thách mình qua các ca khúc nhạc pop, tạo nên những hoạt cảnh duyên dáng. Hút khách nhất hiện nay là các cặp đôi: Chung Tử Long - Hồng Hạnh, Lê Tứ - Hà Như, Minh Trường - Nhã Thy, Ngọc Nhung - Trung Khánh, Khánh Tuấn - Tâm Tâm…
Các bầu sô sân bãi phấn khởi khi tình hình biểu diễn có phần khả quan so với năm ngoái. Bầu Chí Thông (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: "Bà con nông dân thích xem trích đoạn cải lương có đổi mới, kéo theo đó thanh thiếu niên cũng thích những bài hát đang ăn khách được lồng ghép một cách khéo léo kiểu như "kịch cùng boléro" vậy, do đó tôi đã yêu cầu các nghệ sĩ sân khấu thay đổi "món ăn", tạo được hiệu ứng từ khán giả mới có lợi nhuận phòng vé. Hồi trước chỉ dám kéo màn một điểm mỗi tỉnh, bây giờ có thể tự tin kéo màn 3 điểm trong một đêm, ngôi sao tăng cường chạy luân phiên cả 3 điểm. Khả quan lắm!". Ngoài bầu Chí Thông còn có Phương Tường, Trường Giang, Út Khén, Lâm Nghị, Bầu Oanh, Phụng Vỹ… chia nhau "hùng cứ" các tỉnh miền Tây.
Giữ nghề không dễ
NSƯT Minh Vương nói: "Tôi nghĩ đã đến lúc cải lương phải làm mới nếu muốn được khán giả trẻ đón nhận. Tân cổ giao duyên bây giờ chỉ ba câu vọng cổ thôi, lồng vào đó là nhạc trẻ, thậm chí đọc rap để có sự trẻ trung nhưng phải phù hợp với nội dung bài hát. Tôi đã nghĩ ra việc đưa cả chất liệu ca trù vào bài ca cổ "Chí Phèo" để làm cho tiết mục sinh động hơn. Thực tế cho thấy ở các sân bãi miền Tây, giới trẻ đã đón nhận. Rõ ràng giới trẻ luôn thích được đổi mới "món ăn" liên tục".
Với những nghệ sĩ sân khấu cải lương, việc giữ nghề bằng ca diễn đúng chuẩn chuyên nghiệp dù sao vẫn là nếp nghĩ, nếp làm của họ. Do đó, trình diễn một số bài tân cổ giao duyên nhằm thay đổi "món ăn" cũng chỉ là phần mở đầu một chương trình biểu diễn tại sân bãi, còn lại vẫn là những trích đoạn vở diễn được dàn dựng dạng biến đoạn theo những bài hát đang được yêu thích trên mạng. NSND Lệ Thủy cho biết thêm khán giả trẻ thích trong trích đoạn có hát những bài đang hút khách song vẫn phải thêm tình tiết, câu chuyện mang tính trữ tình, đúng chất cải lương.
NSƯT Thanh Ngân nhận định: "Trong những trích đoạn, ca cảnh được đầu tư mới, hình thức biểu diễn quan trọng. Khán giả trẻ bây giờ tiếp cận với những sô diễn hiện đại, cải lương muốn chinh phục họ rất cần đổi mới từ ca diễn cho đến trang phục và đầu tư cả dàn vũ công điêu luyện".
Từ tháng 5-2017, vào ngày 17 hằng tháng, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang đều tổ chức chương trình "Dạ cổ tri âm" tại rạp hát Thầy Năm Tú (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Tại rạp hát cải lương đầu tiên của nước ta này, những trích đoạn: "Lá sầu riêng", "Tiếng trống Mê Linh"… đã được các nghệ sĩ thế hệ hôm nay biểu diễn một cách trân quý, trong sự say sưa của khán giả. Bên cạnh đó là những sáng tác mới mang tính chất trẻ trung, các ca cảnh có lồng ghép một cách hợp lý những bài hát tân nhạc, tạo sinh động cho sàn diễn. NSƯT Đào Vũ Thanh (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang) nói: "Với nội dung như vậy, chúng tôi đưa ra sân bãi biểu diễn, mời thêm các nghệ sĩ ngôi sao tăng cường, thu hút hàng ngàn khán giả mỗi suất. Điều này cho thấy cải lương nếu biết làm mới sẽ hồi sinh".
Hồi sinh từ sự ăn theo bài hát ăn khách của ca sĩ ngôi sao cũng chưa hẳn là điều đáng mừng, khi nội dung và hình thức cải lương sân bãi muốn bền vững phải thật sự được đầu tư nghiêm túc. Niềm vui có sô diễn đều đặn hằng tuần nhưng nghệ sĩ vẫn còn đó nỗi lo rồi vài tháng nữa hiện tượng này có còn hút khách?
Nói theo lời NSƯT Thanh Kim Huệ "Cứ vui với hiện tại, còn tới đâu hay tới đó", phải chăng đây là vấn đề của sân khấu cải lương sân bãi hiện nay?
Không để bầu sô làm ẩu
"Thực tế cho thấy một số sân bãi tạo được hiệu quả cũng nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương đã kiểm soát không để các bầu sô làm ẩu" - NSƯT Minh Vương tâm sự. Ông phân tích: "Một thời gian dài, bầu sô các tỉnh chạy theo lợi nhuận làm cho sàn diễn bị đóng băng vì cải lương pha tấu hài, ca nhạc tạp kỹ loạn xạ, không giữ đúng chất nên khán giả quay lưng. Thấy được điểm yếu đó, các ông/bà bầu đã bắt đầu biết đầu tư, chăm chút cho chương trình, nghệ sĩ chúng tôi cũng không để mình ra khỏi quỹ đạo đó".
Bình luận (0)