Câu chuyện vực dậy sân khấu cải lương chưa bao giờ nóng lên như hiện nay, khi đang có ít nhất 6 nhóm xã hội hóa đứng ra quy tụ lực lượng nghệ sĩ để cùng nhau kéo khán giả đến với sàn diễn: Hoàng Song Việt, Kim Tử Long, Lê Hoàng, Kim Ngân - Hoàng Đăng Khoa, Thanh Ngọc và Tâm Tâm.
Đông tay vỗ nên kêu
Nỗ lực cho sân khấu cải lương thì nhiều nhưng để bền sức và làm "ra ngô, ra khoai", không phải nhóm nào cũng tìm được tiếng nói chung. Âm thầm làm việc hơn 2 năm qua, soạn giả Hoàng Song Việt đã đi về giữa TP HCM - Cần Thơ gần như liên tục trong tháng, quán xuyến chương trình "Hòa điệu đất chín rồng", do VTV Cần Thơ thực hiện. Đây được xem là chương trình vực dậy cải lương quy mô, có chiến lược khi quy tụ các đoàn nghệ thuật cải lương đồng bằng sông Cửu Long: Đoàn Cải lương Tây Đô (TP Cần Thơ), Đoàn Văn công Đồng Tháp, Đoàn Cải lương Hương Tràm (tỉnh Cà Mau), Đoàn Cải lương Ánh Hồng (tỉnh Trà Vinh), Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang, Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An, Đoàn Nghệ thuật cải lương nhân dân Kiên Giang, Đoàn Cải lương Bến Tre, Đoàn Văn công Quân khu 9 và Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu). Chương trình được tổ chức định kỳ 1 số/tháng luân phiên giữa các đoàn cải lương trong khu vực và được phát trực tiếp trên kênh VTV5, VTV9.
Nghệ sĩ Chí Bảo, Kim Ngân, Công Minh trong vở "Nhiếp chính Thần Phi"
Ngoài các suất diễn phục vụ nhân dân của các đoàn trong mỗi tỉnh, chương trình này qua phát sóng truyền hình trực tiếp nên đang có sức lan tỏa trong giới mộ điệu cải lương.
"Chúng tôi nỗ lực để tạo đất diễn cho lực lượng kế thừa, đồng thời tạo chất xúc tác để cải lương sàn diễn sáng đèn" - soạn giả Hoàng Song Việt cho biết.
NSƯT Kiều Mỹ Dung (Nhà hát Cải lương Tây Đô) cho hay các diễn viên trẻ của đoàn rất phấn khởi tham gia chương trình vì đây là nơi quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất về lao động nghệ thuật của các em. "Bây giờ vở diễn sáng đèn ở đâu cũng có khán giả vì bà con quen với chương trình "Hòa điệu đất chín rồng". Nhờ đó, các em có sô diễn trong các chương trình do các nhà tổ chức trong khu vực mời" - nữ đạo diễn Kiều Mỹ Dung nói.
Soạn giả Hoàng Song Việt và ê-kíp thực hiện chương trình đã đặt mình vào vị trí người xem, tìm hiểu nhu cầu giải trí của khán giả nông thôn. "Bà con vẫn còn mê cải lương, vấn đề là hình thức thể hiện bằng ngôn ngữ truyền hình có thu hút bà con xem hết vở hay không. Điều đáng vui mừng là lượng người xem vẫn cao, khi vở xuất tỉnh biểu diễn trong khu vực, bà con kéo nhau đến xem rất đông" - soạn giả của vở "Duyên kiếp" vui mừng kể.
"Cải lương rất cần sự thúc đẩy từ truyền hình. Nếu trước đây, nghệ sĩ sợ vở diễn phát sóng trực tiếp rồi sẽ khó bán vé thì "Hòa điệu đất chín rồng" minh chứng điều ngược lại là kéo khán giả đến rạp xem trực tiếp diễn viên trẻ mà họ yêu thích khi xem qua sóng truyền hình" - NSƯT Phượng Loan tâm đắc.
Tìm về sự chuẩn mực để níu chân khán giả
Vận dụng mô hình làm cải lương ngày xưa của các ông bà bầu để gầy dựng thương hiệu, các nhóm nghệ sĩ xã hội hóa như Kim Tử Long, Kim Ngân - Hoàng Đăng Khoa, Lê Hoàng, Thanh Ngân, Tâm Tâm đã tìm kịch bản và quy tụ diễn viên theo từng đợt biểu diễn.
"Với vai trò đạo diễn, tôi yêu cầu nghệ sĩ diễn đúng tuồng khi tập dượt, còn muốn sáng tạo gì thêm là khi thăng hoa trên sàn diễn. Quá trình tập, họ phải chịu khó tìm tòi, rèn luyện câu ca, lời thoại. Lâu nay, cải lương mất khán giả là do nghệ sĩ tập sai lời ca nên khi lên sàn diễn không phát huy đúng tinh thần tư tưởng vở diễn. Chưa kể, không ít người mải chạy sô, ít chịu học tuồng, khi ra sân khấu bị phân tâm vì phải nghe nhắc tuồng, ca diễn như thế làm sao trách khán giả không mua vé" - NSƯT Kim Tử Long, người thực hiện thành công chương trình "Ba thế hệ về lại cội nguồn", nói.
"Còn một nguyên nhân khiến sàn diễn vắng khán giả như hiện nay là do thiếu chuẩn mực của thầy tuồng và thầy đờn" - nghệ sĩ Kim Ngân, con gái cố danh hài Kim Ngọc, cho biết.
"Chưa bao giờ chuẩn mực của nghệ thuật cải lương lại thúc ép chúng tôi phải gia cố nội lực để tìm lại khán giả. Sở dĩ chương trình và vở diễn tại sân khấu Lê Hoàng tại Trung tâm Văn hóa Bình Thạnh ngày một đông người xem là vì chúng tôi đã tìm cách "chữa trị căn bệnh" của sân khấu cải lương kéo dài quá nhiều năm, khiến chính nghệ sĩ còn ngao ngán nói gì đến khán giả" - nghệ sĩ Chí Linh nói. Theo anh, vé các suất diễn của sân khấu Lê Hoàng bán hết trước một tuần cho thấy cải lương nghiêm túc dần chiếm ưu thế.
Dù vậy, nỗ lực của các nhóm nghệ sĩ xã hội hóa vẫn là tự phát, họ đang hừng hực lửa nghề và quyết không để như lửa rơm phừng cháy rồi tắt hẳn. Họ rất cần sự tiếp sức của nhiều nguồn lực, để chất lượng chương trình và vở diễn thu hút khán giả. Bằng mọi cách, họ cứu nguy sàn diễn nhưng sau khi số đông khán giả đã tìm lại với cải lương, giải pháp nào để họ tiếp tục sứ mệnh của mình vẫn còn là câu hỏi lớn cho công cuộc vực dậy bộ môn nghệ thuật gần tròn 100 tuổi này.
Cần đồng thuận cao
"Thực tế cho thấy, muốn vực dậy cải lương không phải là chuyện đơn giản, đòi hỏi phải có sự đồng thuận từ nhiều nghệ sĩ và các cấp lãnh đạo" - NSƯT Kim Tử Long trăn trở.
Theo anh, tất cả phải trở về cái gốc của cải lương để vực dậy cải lương. Cũng cần phải nhìn nhận, đã một thời gian dài, những người làm cải lương quên mất việc hoạch định chiến lược đào tạo đội ngũ kế thừa, từ tác giả, đạo diễn cho đến diễn viên, nhạc công. Các nhóm xã hội hóa đã làm công việc tiếp sức cho đào tạo, tìm vai diễn hay để dàn diễn viên trẻ được thăng hoa.
"Tuy nhiên, về đội ngũ tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ vẫn còn đó một nỗi lo hụt hẫng vì chưa được đào tạo. Do vậy, việc đào tạo đội ngũ kế thừa phải được làm đồng bộ và thường xuyên, nếu không cải lương vẫn khó tránh khỏi tình trạng "thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu" - NSND Thanh Hải chia sẻ.
Bình luận (0)