Đạt gần 73 triệu view (lượt người xem) sau 1 tháng ra mắt, Bảo Anh đang "nâng" tham vọng cán mốc 100 triệu view cho MV "Sống xa anh chẳng dễ dàng" của mình. Dù "giấc mơ" của Bảo Anh có thành sự thật hay không (và điều này không quá khó khi cô liên tục kêu gọi fan (người hâm mộ) chia sẻ đường dẫn MV trên các phương tiện có thể) thì điều không thể phủ nhận là MV "Sống xa anh chẳng dễ dàng" đang gặt hái thành công lớn.
Sức hút của hình ảnh cổ trang
Một trong những yếu tố góp phần vào thành công của MV "Sống xa anh chẳng dễ dàng" chính là câu chuyện cổ liêu trai với hình ảnh cổ trang cực kỳ xinh đẹp của nhân vật chính. MV được thực hiện theo dạng phim ngắn, kể về cuộc tình đầy ngang trái của "ma nữ" Bảo Anh, muốn bên cạnh Huỳnh Anh phải chấp nhận mượn xác Mai Hồ. MV này mang hơi hướng của khá nhiều bộ phim cổ trang Trung Quốc như "Họa bì 2", "Tam sinh tam thế thập lý đào hoa"...
Cảnh trong MV "Sống xa anh chẳng dễ dàng" của Bảo Anh
Không phải là người tạo trào lưu MV cổ trang nhưng Sơn Tùng M-TP với MV "Lạc trôi" đã làm nên thành công của thị trường MV nhạc Việt thời gian gần đây, mở đầu cho trào lưu MV "triệu view sau 24 giờ phát hành" của nhạc Việt. Hiện tại, sản phẩm này đang có hơn 163 triệu lượt xem trên kênh YouTube chính thức, một trong 4 MV vượt mốc 100 triệu view của Sơn Tùng M-TP. Khác biệt hoàn toàn với loạt MV hiện đại và sướt mướt trước đó, "Lạc trôi" là MV cổ trang với không khí liêu trai, trong đó Sơn Tùng M-TP vào vai một ông vua si tình, dù đứng ở đỉnh cao quyền lực vẫn cô đơn vì không có được tình yêu đích thực.
Ra mắt sau "Lạc trôi" 2 tháng, MV "Thiên tử" của Đan Trường - một trong những ca sĩ khá "mê mẩn" phong cách cổ trang lâu nay - cũng là một MV đậm chất kiếm hiệp. Ngoài ra, còn có "Họa tình" của Trương Quỳnh Anh, kể về hành trình đợi chờ tình yêu đến cả ngàn năm của "nàng tiên bướm" Trương Quỳnh Anh. Vì yêu tiếng sáo của một chàng trai mà từ kiếp này sang kiếp khác, cô nàng vẫn ôm mãi mối tình không trọn vẹn…
Cảnh trong MV của ca sĩ Thủy Tiên
Sáng tạo giả hiệu
So với những MV thông thường khác, mức chi phí đầu tư cho một MV cổ trang thường rất cao, thậm chí gấp 3 lần mức đầu tư trung bình của một MV nhưng ca sĩ vẫn mạnh tay "chi tiền" để thể hiện cái gọi là "sự sáng tạo cá nhân".
Một ca sĩ đang chuẩn bị tung ra MV cổ trang cho biết: "Lần đầu tiên thực hiện một MV cổ trang nên choáng váng, với mức kinh phí phải bỏ ra hơn 600 triệu đồng nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chưa kể, một MV cổ trang cũng rất khó để xin tài trợ vì nó chẳng liên quan đến bất cứ nhãn hàng hay thông điệp gì. Vậy nên cứ phải bỏ tiền túi".
Cành trong MV "Chờ người" của Tố My
Ca sĩ Tố My khẳng định MV cổ trang "Chờ người" vừa mới phát hành "ngốn" của cô hết 1 tỉ đồng. Chi phí nặng nhất chính là thiết kế trang phục cổ trang… Bù lại cho mức đầu tư cao chính là hiệu ứng hình ảnh trong MV khá đẹp mắt. Tạo hình gợi cảm và cuốn hút của Trương Quỳnh Anh trong hình ảnh nàng tiên bướm, "ma nữ" Bảo Anh ma mị, "hồ ly tinh" Thủy Tiên yêu bất chấp, mù quáng dù cho bị phản bội; vị "vua" oai phong lẫm liệt Đan Trường nhưng lại bất lực trong việc bảo vệ người mình yêu trong "Thiên tử" hay vị "vua" cô đơn Sơn Tùng M-TP trong "Lạc trôi"... đều để lại ít nhiều ấn tượng với người xem về mặt hình ảnh.
Tuy nhiên, không khó nhận ra những ấn tượng đẹp đẽ ấy rất giống với những bản gốc đến từ văn hóa Trung Quốc. Một Trương Quỳnh Anh đẹp mong manh như hình ảnh của tiên nữ trong "Họa tình" bản gốc Trung Quốc; Thủy Tiên xây dựng hình tượng từ chính hình ảnh của nhân vật hồ ly tinh trong phim"Họa bì"... Bảo Anh liêu trai, ma mị mang bóng dáng phim "Tam sinh tam thế thập lý đào hoa" và một chút của "Họa bì" - bộ phim từng gây sốt năm nào của 3 ngôi sao Triệu Vy, Châu Tấn và Trần Khôn.
Tạo hình trong MV "Họa tình" của Trương Quỳnh Anh
Tương tự, các hình tượng nam trong MV cổ trang Việt cũng được xây dựng bằng hình ảnh các ông vua trong phim cổ trang Trung Quốc. Chưa kể, hình tượng của Tố My trong "Chờ người" khi là ma nữ của "Họa bì", khi là danh tướng của "Dương Gia tướng", lúc lại là nhân vật giang hồ xuất chúng như Tiểu Long Nữ của "Thần điêu đại hiệp"… Dù với bất cứ hình tượng nào thì rõ ràng đó vẫn là hình ảnh của một nữ nhân trong phim cổ trang Trung Quốc.
Ngoài Hoàng Thùy Linh trong MV "Bánh trôi nước" có sự khác biệt do khéo hơn khi chọn trang phục cổ trang mang màu sắc Việt, hầu hết các MV cổ trang của ca sĩ Việt hiện đều làm tròn nhiệm vụ cosplay (hóa trang) là chính chứ hoàn toàn không xây dựng được hình tượng cổ trang như mong đợi. Tức là, các MV cổ trang Việt hiện nay giống như thể hiện sự ngưỡng mộ của ca sĩ dành cho các nhân vật cổ trang trong phim cổ trang Trung Quốc hơn là nghiên cứu sáng tạo hình tượng nhân vật cổ trang theo cách riêng.
Vậy nên, sức hút của các MV cổ trang hiện nay chỉ đơn giản là sự thành công của phần đồ họa theo công nghệ tiến bộ với bối cảnh, màu sắc, góc quay chỉn chu, kỹ lưỡng. Còn tạo hình nhân vật gần như thất bại khi hình tượng nhân vật chỉ là bản sao của các bộ phim cổ trang Trung Quốc ăn khách trên thị trường.
Rập khuôn
Có ý kiến cho rằng "lo bò trắng răng" khi điều công chúng cần ở các MV cổ trang này chỉ đơn giản là đẹp. Thế nhưng, nghệ thuật không thể thiếu sự sáng tạo, đặc biệt là sự sáng tạo đúng đắn. So với thế hệ ca sĩ trước đây, từng ra mắt rất nhiều MV cổ trang và dĩ nhiên cũng chỉ dừng lại ở mức độ "hóa trang" nhân vật cổ trang Trung Quốc thì các MV cổ trang hiện nay hơn hẳn về việc xây dựng kịch bản nên sản phẩm được xem như những bộ phim ngắn có cốt truyện mạch lạc, thu hút.
Nhưng sự ảnh hưởng, chi phối của các bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc lên quá trình xây dựng hình tượng nhân vật khiến cho các MV cổ trang Việt Nam thành xa lạ. Hệ quả, sự sáng tạo của các nhân vật trở nên tẻ nhạt bởi sự rập khuôn, máy móc.
Bình luận (0)