Dracula, Frankenstein những cái tên ám ảnh biết bao thế hệ độc giả. Những con quỷ đi từ trang viết ra cuộc đời, sống động, ám ảnh trở thành huyền thoại của dòng sách kinh dị. Và nay, chúng ta có một đại diện đến từ phương Đông, bogiwan trong "Bogiwan - Quỷ săn người" của Sawamura Ichi (Lam Linh dịch, IPM và NXB Hà Nội ấn hành 2020).
Nỗi sợ tiềm ẩn trong mỗi con người
Các nhà văn Nhật Bản luôn biết cách khiến độc giả rợn tóc gáy trong việc miêu tả bầu không khí cứ nặng dần, đẩy nhân vật bị vây khốn vào một điềm kinh dị. "Bogiwan - Quỷ săn người" mở ra một Tokyo thế kỷ XXI, hiện đại và giàu có, với Hideki, một nhân viên văn phòng có cuộc sống kiểu mẫu, cùng vợ mới cưới và con gái đầu lòng.
Sawamura Ichi sáng tạo ra Hideki từ một cá nhân trở thành mẫu số chung của nhiều người Nhật Bản hiện đại: với những lo toan công việc, bộn bề cuộc sống, những mối quan hệ khu biệt, lặp lại trong vòng xoáy bất tận ở những đô thị nhộn nhịp. Nhưng rồi một ngày trật tự ấy bị phá vỡ bởi một con quỷ.
Mô hình gia đình này gợi nhắc ta đến tiểu thuyết "Ring - Vòng tròn ác nghiệt" của Suzuki Kōji, dù ác linh trong "Ring" hay quỷ dữ trong "Bogiwan" có xuất thân khác nhau nhưng chúng đóng vai trò xúc tác tạo ra một vụ nổ, xô lệch các nhân vật ra khỏi cuộc sống thường nhật để dấn thân vào một cuộc chiến sống còn nhằm bảo vệ cuộc sống bình thường, tẻ nhạt của mình.
Bìa sách “Bogiwan - Quỷ săn người” xuất bản tại Việt Nam
Được kể ở ngôi thứ nhất, tuần tự qua 3 nhân vật: Hideki, Kana và Nozaki, "Bogiwan - Quỷ săn người", tạo cảm giác chân thực ở những trường đoạn đối mặt với con quỷ. Đồng thời khiến ta nghĩ đến cách thức Bram Stoker xây dựng tiểu thuyết "Dracula" từ những quyển nhật ký của nhiều nhân vật. Ba điểm nhìn khác nhau thay phiên bao quát toàn bộ câu chuyện, bổ khuyết cho nhau, tưởng như chủ quan nhưng lại giúp người đọc nắm bắt tốt hơn toàn bộ mạch truyện mà không gây cảm giác rối rắm, trong một tiểu thuyết không dày nhưng có nhiều nhân vật xuất hiện này.
Ba người kể khác nhau này cũng giúp khai thác tâm lý một cách tối đa, đồng thời thăm dò những câu chuyện khác ẩn dưới một câu chuyện chung hướng đến con quỷ săn người. Họ ở phần trước còn là người quan sát nhưng ở phần sau lại là kẻ bị quan sát và trong lúc quan sát lẫn nhau, tất cả đều bị đặt dưới đôi mắt của bogiwan cứ khoét sâu vào nỗi sợ.
Cách Sawamura Ichi muốn phân tích chính là nỗi sợ nguyên bản đó nằm sâu bên trong chúng ta, chứ không phải miêu tả thứ gây ra nỗi sợ - con quỷ bogiwan, dù tiểu sử của con quỷ ranh ma sau mỗi phần lại dày thêm.
Sinh ra từ sự phi nhân tính
Nhưng nếu chỉ có thế, thật khó để Sawamura Ichi đoạt giải thưởng Tiểu thuyết kinh dị xuất sắc nhất Nhật Bản giữa một loạt tiểu thuyết kinh dị ra mắt cùng năm. "Bogiwan - Quỷ săn người" có đầy đủ các yếu tố kỹ thuật để đặc tả những trường đoạn rùng rợn đầy sống động. Nhưng điều đó còn chưa đủ, Sawamura Ichi đã khéo léo bồi đắp cho thân thế của con quỷ bogiwan, chuyển từ truyền thuyết đô thị về lại những hủ tục gắn liền với các sơn thôn trong xã hội Nhật Bản thời trước.
Cuốn tiểu thuyết vẽ phác lại hành trình của những người châu Âu đến Nhật Bản, về tập tục giảm gánh nặng dân số bằng cách đem những người già lên núi. Bằng cách này, con quỷ bogiwan được sinh ra từ sự phi nhân tính. Bogiwan được khắc họa hết sức tinh quái, có khả năng giả giọng, sau mỗi lần thất bại nó lại càng thông minh hơn, quyết liệt hơn trong việc săn đuổi con mồi của mình.
Thông qua hiện thân bogiwan, nhà văn như muốn chứng minh rằng những tội lỗi xưa cũ sẽ không bao giờ mất đi, rằng món nợ của thế hệ trước gây ra thế hệ sau phải trả, không thể nào thoái thác được. Như con quỷ bogiwan mãi đeo đẳng không thôi.
Sawamura Ichi còn tiến hành một khảo nghiệm không chỉ lịch sử, mà còn là các mối quan hệ gia đình, xã hội, giữa người với người. Qua từng trang tiểu thuyết, ta thấy một xã hội gia trưởng trọng nam khinh nữ nối dài từ quá khứ đến hiện tại. Hideki dù rất yêu gia đình nhưng đồng thời lại xa lạ với gia đình, vợ con. Họ không hiểu nhau và cũng không để cho người khác thấu hiểu.
Hideki lo sợ điều gì? Lúc độc thân, anh sống một đời vô ưu. Kể cả nếu con quỷ có tìm đến anh đi nữa, thì cái chết của anh cũng không ảnh hưởng đến ai. Nhưng anh có gia đình, có một đứa con. Càng không muốn mất gia đình, anh càng sợ hãi con quỷ sẽ cướp đi những người thân yêu của anh. Chính vì sợ hãi mà lẩn trốn, chính vì lẩn trốn lại càng tiến gần đến bogiwan. Các nhân vật trong tiểu thuyết này cứ rơi vào vòng luẩn quẩn đó cho đến khi nhận ra rằng cách khắc chế nỗi sợ chính là đối diện với nỗi sợ. Dám chống lại không chỉ con quỷ bogiwan mà còn là sự hèn yếu bên trong mình.
Ta thấy cái ác khởi lên thật dễ dàng, ta thấy lòng tốt cũng mong manh. Phải chăng, bogiwan không khó khăn khi đọc được suy nghĩ của người khác bởi tự thân mỗi con người đã ủ sẵn trong mình một con quỷ, chờ thời cơ để lộ nguyên hình.
"Sawamura điện từ"
Ở Nhật Bản, Sawamura Ichi có biệt hiệu "Sawamura điện từ" bởi sức hút từ loạt tiểu thuyết kinh dị, lúc nào cũng có đông đảo độc giả. Góp phần thay đổi những định kiến vốn cho rằng tiểu thuyết kinh dị chưa là thể loại văn học đúng nghĩa. Nhưng cũng như đã nhắc đến ở trên, những cái tên Dracula hay Frankenstein đa chứng tỏ hùng hồn sức sống của dòng văn học này.
Năm 2018, "Bogiwan - Quỷ săn người" được bậc thầy dòng phim kinh dị Nhật Bản, Tetsuya Nakashima, đưa lên màn ảnh rộng, trở thành một trong những tác phẩm đáng chú ý của năm.
Bình luận (0)