Nhạc sĩ - nhà báo Vũ Đức Sao Biển tại nhà
Nhạc sĩ - nhà báo Vũ Đức Sao Biển tại nhà
1.
"Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người. Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi. Mùa vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi. Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người. Thu, hát cho người. Thu, hát cho người, người yêu... ơi".
Cái ngày anh mới chớm bệnh, tôi hỏi:
- "Thu" là ai, anh kể hết đi?
Vũ Đức Sao Biển im lặng, đứng dậy, lục tìm trên bàn viết ra một bản giấy úa vàng, in một bài báo ở hải ngoại, trong đó "tán chuyện" anh và một thi sĩ - nhạc sĩ đồng hương Quảng Nam xưa cùng yêu một cô tên Thu, rồi cả ba đều lỡ làng, Thu "đi biền biệt" còn Vũ Đức Sao Biển về quê nhà, ngày ngày dạo lên miền trung du làm kẻ si tình: "Ta vẫn chờ em, dưới gốc sim già đó, để hái dâng người một đóa đẫm tương tư...".
- Tụi nó viết trật lất, mặc kệ, qua chẳng cần cải chính. Để đó qua kể cho nghe sau.
Tôi rời nhà anh về tới cơ quan, mở máy thì đã có sẵn email của Vũ Đức Sao Biển. Anh kể miên man... Xin chép lại một đoạn dưới đây (tôi cũng từng kể trên giai phẩm Xuân Quảng Nam 2018):
"Thu" trong ca khúc nói trên là một nữ sinh xinh đẹp, học Trường Trần Quý Cáp (Hội An, Quảng Nam) từ năm 1961-1968. Người ấy học dưới ông hai lớp, ở cùng làng, thường đi học chung trên con đường từ quê Duy Vinh (vùng đông Duy Xuyên) qua Cẩm Kim (Hội An). Cứ chiều thứ Bảy, họ từ Hội An về lại làng, chiều Chủ nhật lại từ làng qua Hội An. Đường xa 5 cây số, qua hai lần đò, họ cùng đi bộ với nhau 4 năm.
Cô gái này luôn luôn giành đi trước nên trong nhạc phẩm "Đôi mắt", Vũ Đức Sao Biển mô tả: "Đường tre xanh mát qua bãi dâu/ Em giành đi trước bỏ tôi lại sau/ Những chiều qua sông không có nhau/ Tôi về bên bãi dâu xanh chờ em, em có biết".
Vũ Đức Sao Biển nhấn mạnh: "Thu" chỉ là tên hai chúng tôi gọi nhau, đó là tên ở nhà. Tên thật đi học của cô gái này là H.
Do vậy, "Thu, hát cho người" là niệm khúc cuối của một mối tình trong sáng, hồn nhiên, kết thúc không có hậu. Khi từ Sài Gòn trở về cố hương vào năm 1968, Vũ Đức Sao Biển không tìm ra người bạn gái cũ được nữa. Danh tác "Thu, hát cho người" đã ra đời ngay sau đó, vào năm 1968, trong nỗi nhớ khôn nguôi ấy.
Không vơi tình xưa, tác giả còn sáng tác tiếp bài "Phố giáng hương" với những câu êm đềm, da diết: "Phố giáng hương tôi về/ Ngàn thu mắt biếc em đang ở đâu?/ Lá vẫn xanh bên đời/Mùa xuân vẫn hát vang bên ngàn dâu".
...
Thật sự thì hai người đã chia tay 55 năm nay, chưa một lần gặp lại. Anh vẫn nhớ rõ bóng hình ấy, mỗi khi ai nhắc lại, mắt vẫn đượm chút buồn sâu kín, bởi "biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi".
Tác giả bài viết và nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển
2.
Giữa tháng 5-2019, tôi nhờ anh Vũ Đức Sao Biển viết loạt bài về Bùi Giáng, nhân việc chính quyền Duy Xuyên (Quảng Nam) dự định phối hợp gia tộc họ Bùi Vĩnh Trinh xây dựng nhà lưu niệm cố Trung niên thi sĩ này.
Anh và tiền bối Bùi Giáng có giai đoạn rất gần gũi ở Sài Gòn, cả hai đều tài hoa về văn học nghệ thuật, lại là đồng hương nên rất hiểu và quý nhau. Anh viết trong email gửi tôi:
"Anh Bùi Giáng với qua thì thân thiết lắm nhưng khi viết về anh, qua cố gắng không để tình cảm chi phối. Ngoài qua, ai cũng quý anh Bùi Giáng... Miếng đất định dùng để làm nhà lưu niệm là miếng đất đẹp ở Duy Châu, qua biết rất rõ... Mỗi anh em mình nên góp vào việc này một tay. Bùi Giáng làm thơ không phải để bán. Bùi Giáng làm thơ không phải để được nêu danh. Ông chỉ làm thơ giải tỏa tấm lòng cho mình và gửi lại tình yêu cho chuồn chuồn, châu chấu bên trời cố quận đọc. Ông đã đến với đời, làm đẹp làm vui cho đời rồi ra đi, ung dung thanh thản như chưa hề đến, chưa hề vướng bận điều chi. Chúng ta nên dành cho ông một chỗ trang trọng tại quê nhà Duy Xuyên, một nhà lưu niệm chẳng hạn, để mọi người còn được nhớ ông và để thơ ông vẫn còn đó giữa lòng Quảng Nam yêu dấu".
Đến bây giờ, mộng ấy vẫn chưa thành. Trung niên thi sĩ đã về với "Mưa nguồn" từ năm 1998 và bây giờ hậu bối của ông cũng cưỡi hạc vàng bay về cõi tiên, trong khi nhà lưu niệm vẫn còn là giấc mơ cố quận!
... Tôi giở cuốn trăm khúc tình ca "Vũ Đức Sao Biển - Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang" với thủ bút anh viết tặng, nét chữ rất run, ghi tháng 2-2020, biết anh yếu lắm, thấy thương. Anh yếu mà không bao giờ chịu thoát ly sách báo, chữ nghĩa, âm nhạc. Ngay cả khi bệnh, anh vẫn viết "như điên", xuất bản hết "Phượng ca" rồi tới "Lắng nghe giai điệu boléro", tái bản sách...
- Anh mệt thì nghỉ ngơi, sao phải cày, "sống như ngày mai phải chết" vậy?
- Ừ, qua có đọc cuốn sách "Sống như ngày mai phải chết" đó. Nhưng qua không chết đâu!
Rồi anh mở laptop, phát bài "Chuyện một người Quảng Nam" anh vừa sáng tác. Khánh Trâm hát: "Rặng Trường Sơn che khuất bóng hình em. Mà Biển Đông sao cứ mãi gọi tên. Như cây tùng trong gió. Ta không chịu cong lưng. Nên đời như sông mãi xa nguồn".
Mấy câu ngắn ngủi mà như vẽ cả đời - nghiệp - ngã của Vũ Đức Sao Biển. Một đời viết văn, làm báo, sáng tác nhạc, làm cả luật sư..., anh mãi cương trực như cây tùng trước gió! Rồi "một đời ngàn sông trăm bến cũng có khi quay về", khi báo ơn đời đã đủ, hôm nay anh "mãi xa nguồn".
"Ra đi ta nhớ một chiều tiễn đưa, sông Thu ai đứng bên con đò xưa" - ngày nào chia tay Quảng Nam, có lẽ anh buồn vì vắng, ít bạn. Hôm nay lại phải chia tay, đi một chuyến thăm thẳm xa sau 2 năm chống chọi căn bệnh ung thư quái ác, chắc chắn anh vui vì người đời đến với anh và gia đình đông lắm, vây quanh anh, ấm áp, để cùng nhau "đưa cung đàn về trên bến xa"...
“Đàn thiên thu đứt dây tơ rồi. Theo sóng vàng cát lở, sông bồi”. Vĩnh biệt nhà báo - nhạc sĩ - nhà văn - nhà giáo Vũ Đức Sao Biển, cộng tác viên thân thiết đã gắn bó hàng chục năm của Báo Người Lao Động chúng tôi!
Những tuyển tập nhạc đậm dấu ấn nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển
Bình luận (0)