Tại buổi lễ, ngoài gia đình của cố đạo diễn còn quy tụ nhiều đạo diễn, diễn viên, bạn bè thân thiết của ông: NSND Đào Bá Sơn, NSND Kim Xuân, nghệ sĩ Hồng Ánh, Việt Trinh, nhà biên kịch Châu Thổ, đạo diễn Trần Ngọc Phong, Trường Thịnh…
Nhiều kỷ niệm, tình cảm, sự yêu thương đối với cố NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc (SN 1946) được chia sẻ trực tiếp trên sân khấu hoặc gián tiếp qua các video clip do nhà biên kịch Châu Thổ cùng với các đạo diễn, diễn viên hỗ trợ thực hiện.
Nữ diễn viên Hồng Ánh được xem là người có nhân duyên với NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc. Phim đầu tay của cô là "Người đẹp Tây Đô" - một trong những tác phẩm đánh dấu tên tuổi của NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc. Hồng Ánh cũng được ông mời đóng phim "Giã từ cô đơn" - tác phẩm cuối cùng trong cuộc đời của đạo diễn này, chưa kịp ra mắt khán giả. Nữ diễn viên Việt Trinh cho rằng NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc là người đã góp phần tạo nên tên tuổi cho cô qua tác phẩm "Người đẹp Tây Đô".
Đạo diễn Trần Ngọc Phong, người đàn em đồng hương Quảng Trị với NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc, bày tỏ: "Anh Bắc và tôi như hai anh em kết nghĩa. Trong những dịp làm phim cùng nhau, tôi luôn được phân công ở chung với anh. Anh Bắc là người hoạt náo, dễ thương, có khiếu hài hước và rất thẳng thắn".
"Bụi cát chân mây" là tác phẩm hồi ký do vợ của cố NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc là bà Bùi Thị Giang và diễn viên Hồng Ánh ghi theo lời kể của ông. Theo lời tựa đầu sách, bà Bùi Thị Giang cho biết sách do cố đạo diễn đọc cho diễn viên Võ Sông Hương ghi chép giai đoạn ông vật vã trên giường bệnh, giấu mình sau những cơn đau khủng khiếp. Do vài lý do khách quan, Võ Sông Hương không thể chấp bút nên bà đã thực hiện tác phẩm. Tất cả những sự kiện trong sách được dựa trên phần ghi âm, bản ghi chép ông đã đọc cho Võ Sông Hương.
Bà Bùi Thị Giang ký tặng hồi ký “Bụi cát chân mây”
"Chúng tôi đã trích đăng những câu thoại ngắn giữa người ghi âm Võ Sông Hương, Hồng Ánh và anh Lê Cung Bắc nhằm lưu giữ những cuộc trò chuyện ấy một cách chân thật, xúc động trong suốt quá trình thực hiện hồi ký. Tôi cũng tham khảo thêm nguồn tư liệu trong các bài anh trả lời phỏng vấn trên báo cũng như trong cuốn gia phả họ Lê do Lê Đức Hoàng - hậu duệ đời thứ 10 - ghi chép và trích từ nhật ký viết rời của anh nhằm bổ sung, sửa chữa để cho cuốn hồi ký đúng với tâm ý của tác giả" - bà Bùi Thị Giang cho biết.
Hồi ký gồm các chương chính: Nỗi niềm hoài cổ, Tuổi thơ gian khó, Tuổi hoa niên - những tháng năm tươi đẹp, Con đường định hình sự nghiệp (trước năm 1975), Phận đời sau 30-4-1975, Gia đình yêu quý của tôi, Hành trình đi tới đam mê. Ngoài ra, hồi ký còn có những phần kể lại giây phút cuối đời của ông đến từ gia đình; những chia sẻ của bằng hữu và đồng nghiệp về con người, sự nghiệp của cố đạo diễn.
Tại sự kiện, ngoài hoạt động tôn vinh và tưởng niệm, những vật kỷ niệm, gắn bó với cố đạo diễn được gia đình đưa ra đấu giá để dùng toàn bộ số tiền bán hồi ký, đấu giá kỷ vật làm từ thiện theo di nguyện của NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc.
Bình luận (0)